Son tỏa sáng, trở thành một biểu tượng của bóng đá châu Á.
Cầu thủ 30 tuổi gia nhập Tottenham từ Leverkusen với giá 18 triệu bảng vào năm 2015 và ghi được 100 bàn thắng sau 8 mùa giải ở nước Anh. Son đã chia sẻ danh hiệu Chiếc giày vàng mùa trước với 23 bàn thắng, cao nhất trong sự nghiệp. Một trong những điểm mạnh nhất của Son là khả năng dứt điểm bằng cả hai chân, anh ghi 55 bàn bằng chân thuận (phải) và 41 bàn khác bằng chân trái. Trong số đó, có 18 bàn thắng từ ngoài vòng cấm. Rất nhiều bàn thắng đẹp.
Son hy vọng 100 bàn thắng tại Premier League sẽ truyền cảm hứng cho các cầu thủ châu Á khác: “Với tôi đó là một trách nhiệm lớn. Tôi hy vọng tất cả những người châu Á và Hàn Quốc, tôi hy vọng tất cả các quốc gia châu Á nhìn vào thành tích này. Đó là kết quả của niềm tin. Tôi hy vọng sẽ là một tấm gương và các cầu thủ trẻ bắt đầu chơi bóng nên tin rằng họ nên làm những điều tuyệt vời ở Premier League”.
Trước đó, tiền đạo người Hàn Quốc tạo hàng loạt thống kê ấn tượng như Cầu thủ châu Á đầu tiên giành Vua phá lưới ngoại hạng Anh, cầu thủ châu Á có thứ hạng cao nhất trong cuộc đua Quả bóng vàng và cầu thủ châu Á đầu tiên chạm mốc 50 kiến tạo tại giải đấu cao nhất xứ sương mù... Người đá cặp cùng anh, siêu tiền đạo tuyển Anh, Harry Kane gửi lời chúc mừng: “Một bàn thắng rất đẹp, tôi biết cậu ấy vừa cán mốc 100 bàn ở Premier League. Chúc mừng Son với thành tích ấn tượng, chắc chắn cậu ấy sẽ còn ghi thêm nhiều bàn nữa”.
Mùa này, Son Heung-min mới chỉ ghi được 7 bàn. Hãy nhớ là anh 30 tuổi nhưng đó cũng là số bàn thắng ngang với Kaoru Mitoma, một ngôi sao châu Á khác nhưng đến từ Nhật Bản đang được ngợi ca tại giải ngoại hạng. Chưa biết Mitoma sẽ đi đến đâu trong cuộc trường chinh ở Anh, nhưng rõ ràng, lợi thế của tuyển thủ người Nhật Bản đó là anh đang có một tấm gương để phấn đấu.
Son Heung-min chạm cột mốc 100 bàn tại Premier League sau 260 lần ra sân cho Tottenham.
Có nhìn vào thành tích ghi bàn của các cầu thủ châu Á trước đây tại Premier League mới thấy được sự vĩ đại của Son. Trước anh, chân sút ghi được nhiều bàn thắng nhất tại giải Ngoại hạng Anh là Park Ji-sung, khi người đàn anh đồng hương của Son có tổng cộng 20 pha lập công trong màu áo của Man.United. Tiếp đến là Ki Sung-yueng với 15 bàn thắng ở Premier League khi còn khoác áo CLB Swansea. Theo thống kê, với 100 lần "nổ súng" ở Premier League, thành tích ghi bàn của Son nhiều gấp đôi so với tất cả gì mà các đồng hương của anh làm được ở xứ sở sương mù và nhiều gần gấp 3 số bàn thắng mà tất cả các cầu thủ Nhật Bản ghi được ở Premier League.
Thời điểm Son đến nước Anh, Tottenham đồng ý chi 30 triệu euro, đó là khoản phí chuyển nhượng kỷ lục dành cho một cầu thủ châu Á ở thời điểm đó, vượt qua thương vụ AS Roma bán ngôi sao người Nhật Bản Hidetoshi Nakata cho Parma năm 2001 với giá 25 triệu euro. Trong mùa bóng đầu tiên khoác áo Tottenham, Son có chút khó khăn trong việc thích nghi với môi trường bóng đá Anh. Tiền đạo người Hàn Quốc chỉ ghi được 8 bàn sau 40 trận đấu. Tuy nhiên, anh đã nhanh chóng bùng nổ ở mùa giải thứ 2 cùng đội bóng thủ đô London để chứng tỏ giá trị. Đáng tiếc, dù là cầu thủ châu Á ghi nhiều bàn thắng nhất ở Premier League, nhưng không may mắn như đàn anh Park Ji-sung, Son chưa giành được danh hiệu nào trong sự nghiệp. Đến nay, thành tích tốt nhất của tiền đạo này cùng Tottenham là vào đến trận chung kết Champions League ở mùa giải 2018-2019 và chung kết Cúp liên đoàn Anh mùa 2020-2021.
Một chi tiết khác cần chú ý: Son đến nước Anh chỉ sau 2 năm khi người đàn anh Park Ji-sung chia tay. Có một sự tiếp nối đáng ngưỡng mộ với những cầu thủ Hàn Quốc trong câu chuyện này. Son giỏi giao tiếp bằng tiếng Đức, nhưng hồi mới gia nhập Tottenham, số 7 được hỏi về những khó khăn ban đầu trong một bài phỏng vấn ngắn. Anh bối rối vài giây rồi gãi đầu gãi tai: “Thực ra thì tôi không có vấn đề gì với chuyên môn, nhưng giao thông ở đây khó hiểu quá. Lái xe trót lọt còn khó hơn cả rê bóng qua hàng thủ Chelsea nữa”. Thứ tiếng Anh bập bẹ đáng yêu vừa khiến người ta buồn cười, vừa làm dấy lên những câu hỏi về việc chàng trai người Hàn sẽ thích nghi với nước Anh thế nào đây, khi ngôn ngữ còn cách biệt.
Nhưng rồi vượt qua tất cả, Son tỏa sáng, trở thành một biểu tượng của bóng đá châu Á. Đó mới là điều đáng khâm phục bên cạnh tài năng không cần bàn cãi của anh.