Cuối tháng 6 vừa qua, chia sẻ với báo giới, Chánh thanh tra Bộ Y tế, ông Đặng Văn Chính cho biết, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành một đợt thanh tra thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai do hiện có nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm.
“Có loại nước mắm không có chút cá nào mà chỉ có hương cá, vị cá, hoàn toàn không đúng với nước mắm truyền thống. Lẽ ra tên gọi của nó phải là nước chấm nhưng sản phẩm vẫn được đặt tên là nước mắm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn cho người tiêu dùng về độ an toàn” – ông Chính cho hay.
Đây sẽ là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm trong vòng 10 năm trở lại đây.
Các nhãn hàng nước mắm phổ biến
Theo kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 7/2015 của DI Marketing, 94% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm có thương hiệu và Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, Nha Trang… là những thương hiệu nước mắm phổ biến.
Nguồn: DI-Marketing
Thống kê của DI-Marketing, Nam Ngư đang dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 40% thị phần nước mắm. Ngoài Nam Ngư, Chin Su, Phú Quốc, tính theo khu vực, nước mắm Liên Thành, Hưng Thịnh phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh, và nước mắm Ông Tây, Cát Hải được chọn dùng nhiều ở Hà Nội.
Nguồn: DI-Marketing
Chất lượng và hợp khẩu vị là yếu tố được ưu tiên nhưng nước mắm Phú Quốc được chọn dùng bởi thương hiệu; trong khi đó, nước mắm Hưng Thịnh được ưa chuộng nhờ giá cả; nước mắm Cát Hải được yêu thích vì được làm 100% từ cá.
Nguồn: DI-Marketing
Chất lượng nước mắm nhìn từ nhãn hàng bán ở siêu thị khu vực miền Trung - Nam
Theo Tổng Cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ 75%.
Ngày nay, đa phần các sản phẩm nước mắm đều sử dụng các chất điều vị công nghiệp, bột ngọt/mì chính … như chất điều vị 950, 621, 627, 631, 620; chất điều chỉnh độ axit 260; chất bảo quản 202, 211; chất làm dày xathan gum 415; chất tạo ngọt tổng hợp aspartame 951; chất tạo màu caramel 150a, Carmines 120, màu tổng hợp và hương tổng hợp.
Nam Ngư đang là thương hiệu nước mắm chiếm thị phần lớn nhất.
Từ nhãn hàng của nước chấm Nam Ngư cho thấy, thành phần nước chấm Nam Ngư ngoài nước, mắm cốt, muối, đường, có thêm 14 chất để pha chế từ nhóm chất điều vị, chất điều axit, chất tạo ngọt tổng hợp, chất màu caramel,… và chất bảo quản.
Nam Ngư có thể được xem là nhãn hàng ghi nhận đầy đủ nhất các chất đã sử dụng trong pha chế nước chấm hoặc là sản phẩm sử dụng nhiều chất pha chế nhất trong nhóm 12 nhãn hàng khảo sát.
Ảnh: Hồng Quân
Tương tự, nước mắm Chin Su ngoài tinh cốt cá cơm, muối, có thêm hơn 10 chất pha chế từ các nhóm điều vị, tạo ngọt, tạo màu, tạo ngọt, bảo quản….
Trong khi đó, nước mắm Ông Kỳ 38, 40 với slogan là Nước mắm Phú Quốc do CTCP Thành Thiên Lộc sản xuất trên nhãn hàng chỉ ghi thành phần là cá cơm và muối.
Nước mắm Hưng Thịnh có thành phần nước mắm cốt cá cơm, muối và 5 chất pha chế là chất điều vị và điều chỉnh axit. Nước mắm Liên Thành được ghi nhận đầy đủ tỷ lệ % nước mắm cá cốt nhỉ được làm từ cá cơm tỷ lệ 95% (45%), muối, 6 chất phụ gia là nhóm chất điều vị và chất bảo quản.
Ảnh: Hồng Quân
Nước mắm cá cơm Hạnh Phúc có thành phần cá cơm, muối và 2 chất điều vị. Nước mắm 584 Nha Trang do CTCP Thủy sản 584 Nha Trang sản xuất có thành phần là cá cơm, muối chiếm 21,1% và 4 chất pha chế gồm chất điều vị và chất bảo quản.
Tổng hợp: Hồng Quân
Thay lời kết, dĩ nhiên chỉ có nước mắm do chính gia đình làm mới đảm bảo có pha chế thêm hay không; ngay từ thời xưa dân gian đã truyền nhau việc pha chế nước mắm sau khi lọc nước cốt nhĩ và khai thác xác mắm cá khi rang xác mắm cá, thêm đường, bột ngọt/mì chính, nước nguội để có nước mắm kho nấu thì ngay nay việc nước mắm pha chế cho hợp khẩu vị là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, các nhãn hàng nên có trách nhiệm ghi nhận đầy đủ, trung thực thành phần và tỷ lệ các thành phần trong sản phẩm để khách hàng hiểu rõ sản phẩm mình đang dùng.