Sốc với trình độ tiếng Anh thua cả học sinh cấp 2 của TS Việt

Ngọa Long |

Chưa nói đến nội dung hay độ hữu ích của các luận án tại Học viện Khoa học Xã hội ra sao, nhưng trình độ tiếng Anh của những tiến sĩ tương lai thì đã quá rõ.

Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mới đây đã đăng tải một văn bản, với nội dung là thông tin tóm tắt những đóng góp mới của luận án Tiến sĩ mang tên "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã".

Luận án này mới được bảo vệ thành công sáng ngày 15/4/2016.

Mới nhìn qua thông tin tóm tắt thôi thì chưa thể nói được gì nhiều về nội dung hay độ hữu ích của luận án, song có một điều có thể khẳng định ngay: đó là trình độ tiếng Anh của người làm luận án, hay nói cách khác là của một tân Tiến sĩ người Việt, thật không còn gì.

Dưới đây là nội dung bản tóm tắt bằng tiếng Anh, lấy trực tiếp từ trang web của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tên trường đã có bản tiếng Anh ghi rõ trên website, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi một người sắp trở thành Tiến sĩ có thể copy/paste cái tên đó vào bản tóm tắt luận án.

Nhưng đến những đoạn phải "tự lực cánh sinh", thì vị Tiến sĩ tương lai này đã có cơ hội được phô diễn toàn bộ trình độ tiếng Anh của mình.

Mở đầu là cách đặt nhan đề lủng củng, ngô nghê theo kiểu dịch từng chữ tiếng Việt ra tiếng Anh. Không những vậy, lại còn có lỗi lặp từ rất rõ ràng ("of"). Cả 2 tiêu đề đều có chung một lỗi chính tả, khi từ "summary" bị viết thành "summany".

Nếu tạm bỏ qua những lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp, và lỗi hành văn, thì trong bản tóm tắt dài khoảng 200 từ này, đếm sơ qua có đến 8 lỗi chính tả. Đáng buồn hơn, ngay chính danh hiệu của người viết luận trong phần kí tên ("researcher" - nghiên cứu sinh), cũng bị viết sai...

Ngoài ra, trong bản tiếng Việt, ngày bảo vệ luận án được ghi là 16/3/2016. Còn trong bản tiếng Anh, nếu dịch từ nguyên gốc như trên (03 May 16, 2016), thì ngày bảo vệ vẫn... chưa đến (3/5/2016).


Bản gốc bằng tiếng Việt của tóm tắt luận án.

Bản gốc bằng tiếng Việt của tóm tắt luận án.

Còn nếu mổ xẻ kĩ lưỡng hơn, thì người viết luận mắc những lỗi ngữ pháp hết sức sơ đẳng mà bất kì học sinh cấp 2 nào cũng đã được học trong chương trình phổ thông, như lỗi chia động từ, lỗi dùng lẫn lộn hai thì của động từ, v.v.

Nếu bản tóm tắt luận án bằng tiếng Anh này được gửi cho một trường nước ngoài, thì người viết dám chắc rằng, hội đồng chấm luận chưa cần đọc một chữ nào phần nội dung mà chỉ cần lướt qua cách dùng từ trong nhan đề thôi, đã là quá đủ để bản luận án này yên vị trong sọt rác.

Chẳng phải vì họ đòi hỏi một bản luận văn Tiến sĩ cần câu từ hoa mỹ gì cho cam, mà đơn giản bởi họ không thể hiểu nổi luận án này viết gì, dù liếc qua thì thấy câu chữ nom có vẻ giống tiếng Anh thật.

Còn theo Thông tư Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, căn cứ vào câu chữ tiếng Anh sử dụng trong bản tóm tắt luận án nói trên, có thể khẳng định chắc chắn trình độ ngoại ngữ của người bảo vệ luận án không thể đáp ứng mức tối thiểu (IELTS 5.0, TOEFL IBT 61 điểm, hoặc tương đương).

Nên nhớ, đây mới chỉ là bản tóm tắt (abstract) thôi, vậy nên không rõ câu chữ tiếng Anh trong toàn bộ nội dung luận án còn đạt tới cảnh giới nào nữa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại