Sốc với đề xuất "Dự án lên trời gọi mưa" 5000 tỷ của kỹ sư Đà Nẵng

Đình Thức |

Một kỹ sư làm việc tại Đà Nẵng vừa trình lên Văn phòng chính phủ dự án có tên gọi "lên trời gọi mưa" với số vốn 5.000 tỷ đồng thời cam kết thành công.

Dự án sốc 5.000 tỷ

Ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty Công nghệ An Sinh Xanh, cho biết ngày 9/9 vừa qua vừa gửi lên Văn phòng Chính phủ (VPCP) đề án có tên gọi "Dự án lên trời gọi mưa".

Theo ông Phương, đây là dự án nhằm điều hòa mưa trên lãnh thổ Việt Nam để không còn cảnh nơi hạn hán, nơi bị ngập lụt.

"Tôi thường xuyên xem thời sự và rất đau lòng với các bản tin về ngập lụt, bão ở nơi này nhưng nơi kia lại hạn hán.

Nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã có ý tưởng và lên đề án cho dự án của mình. Dự án của tôi có độ dài 112 trang sẽ thay đổi hoàn toàn việc bố trí mưa ở nước ta.

Đề xuất của tôi đã được Văn phòng Chính phủ chấp nhận và có công văn đề nghị 7 bộ có liên quan nghiên cứu với tôi phối hợp để triển khai theo chức năng và nhiệm vụ", ông Phương tự tin nói.

Sốc với đề xuất Dự án lên trời gọi mưa 5000 tỷ của kỹ sư Đà Nẵng - Ảnh 1.

Công văn của VPCP gửi ông Phương

Ông Phương cho biết số tiền 5.000 tỷ ông đề xuất mới chỉ là kinh phí ban đầu để ông có thể tiến hành thử nghiệm để chứng minh sự thành công của dự án.

"Đợt thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra ở Đà Nẵng trong tháng 10 tới nếu có đủ kinh phí. Tôi dùng số tiền đó để mua thiết bị như hóa chất, ống, tàu thuyền và trực thăng để phục vụ việc tạo mưa", ông Phương giải thích về số tiền khủng lên đến 5.000 tỷ đồng.

Theo ông Phương, sau công văn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ đã có công văn gửi ông và đề xuất gặp mặt để thảo luận. Ông Phương cho hay, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đánh giá dự án là ý tưởng độc đáo và có tính khả thi, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sốc với đề xuất Dự án lên trời gọi mưa 5000 tỷ của kỹ sư Đà Nẵng - Ảnh 2.

Kỹ sư Phan Đình Phương, chủ nhân đề án "lên trời gọi mưa"

Công văn của Bộ này cũng đề nghị các Bộ ngành có liên quan khác như: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch đầu tư…cùng có ý kiến.

"Dự án này rất lớn, nếu gặp từng đơn vị thì sẽ rất mất thời gian vì thủ tục. Tôi muốn có cuộc gặp 1 lúc 7 bộ ngành liên quan để hạn chế thủ tục. Dự án càng sớm thực hiện thì sẽ sớm mang lại lợi ích cho đất nước", ông Phương nhấn mạnh.

"Tôi sẽ thành công 100%"

Trao đổi với PV, ông Phương đồng ý rằng dự án của mình là điên rồ nhưng ông cho rằng, tất cả đều có lý do. Ông lấy ví dụ phát minh xe đạp là phi khoa học nhưng lại là phát minh vĩ đại của con người.

Theo ông Phương, biện pháp tạo mưa mà nhiều nước trên thế giới đang sử dụng là dùng hóa chất iot bạc phun vào không khí tạo mưa. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng biện pháp này đắt đỏ và không phù hợp với Việt Nam.

"Việt Nam là nước nhiệt đới, có rất nhiều núi. Núi luôn có mây bao quanh, mây từ biển thổi vào rất nhiều.

Tôi sẽ lập những trạm tạo mưa cả trên đất liền lẫn trên biển.

Gió đưa mây vào đất liền thì nếu muốn chống ngập tôi sẽ đón ngay trên biển để tạo mưa. Như vậy sẽ giảm ngập lụt.

Ngược lại, những trạm ở vùng khô hạn có nhiệm vụ tạo mây, thu hút mây và gây mưa, đảm bảo sẽ không có khô hạn", kỹ sư Phương giải thích.

Sốc với đề xuất Dự án lên trời gọi mưa 5000 tỷ của kỹ sư Đà Nẵng - Ảnh 3.

Kỹ sư Phương: "Dự án sẽ thành công 100%"

Ông Phương cho biết biện pháp gây mưa, tạo mây là bí quyết chưa thể tiết lộ. Ông cũng cho rằng, các loại hóa chất do Việt Nam sản xuất được nên giá thành rất rẻ.

"Tôi sẽ có 1 ống dài khoảng 4km đặt ở dưới đất, hoặc trên biển. 1 máy bay trực thăng sẽ giữ ống ở trên cao.

Ở dưới đất, tôi dùng công nghệ bùng nổ thủy khí biến nước thành hơi nước bắn lên không trung ở độ cao 4km. Hơi nước sẽ làm tích tụ các ion nước trong không khí và tạo mây gây mưa. Ngoài ra còn cần có 1 số hóa chất an toàn khác", ông Phương bật mí.

Theo ông Phương, kinh phí của dự án là 5.000 tỉ, thấp hơn rất nhiều kinh phí các dự án chống ngập ở các thành phố lớn.

"Tôi tin chắc chắn dự án của mình sẽ thành công 100%. Tôi chỉ mong các bộ ngành vào cuộc để dự án nhanh chóng được thực hiện.

Tôi cũng sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp và phản biện với tôi của các nhà khoa học, người dân cả nước", ông Phương bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại