Người Việt tiêu thụ 4 tỷ lít bia và 300 triệu lít rượu mỗi năm

Thanh Hằng |

Hội thảo sáng 25-5 là lần đầu tiên Bộ Y tế và các nhà sản xuất rượu bia có cuộc trao đổi chính thức về Dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chủ trì, các chuyên gia tiếp tục khẳng định tác hại khôn lường của rượu bia: Người dùng không kiểm soát được hành vi, dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ tới 4 tỷ lít bia cùng 300 triệu lít rượu - một con số không thể coi thường. 10 năm qua, mức tiêu thụ đã tăng theo chiều thẳng đứng, bất chấp mức tiêu thụ trên thế giới đứng yên này. Đáng nói khi con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA lại cho rằng chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và WHO đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định WHO đã xác định không có ngưỡng an toàn của sử dụng rượu bia thì không thể có ngưỡng cho sự “lạm dụng”. 

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít vẫn có mối liên quan với nhiều loại ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng…

Một số doanh nghiệp cho rằng chỉ cần thắt chặt quản lý để kiểm soát rượu thủ công vì ở nước ta, rượu không kiểm soát được chiếm tới 75%. Rượu chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Song, theo đại diện Bộ Y tế, quản lý rượu thủ công là cần thiết và việc kiểm soát rượu tự nấu không hề mâu thuẫn với sự cần thiết phải quản lý các sản phẩm công nghiệp. Rượu bia nhà máy hiện đang kiểm soát được thì giải quyết trước, tiếp đến là rượu tự nấu.

Có đại biểu nghi ngờ con số mà Bộ Y tế đưa ra là mức tiêu thụ cồn nguyên chất ở Việt Nam tới 6,6 lít/người/năm, đứng ở vị trí 94/194 nước thành viên.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đây là thống kê của WHO và nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì mức tiêu thụ của Việt Nam rất cao, tới 27,4 lít cồn nguyên chất chứ không chỉ 6,6 lít.

Về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam “giành ngôi Á quân” Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.

Người Việt tiêu thụ 4 tỷ lít bia và 300 triệu lít rượu mỗi năm - Ảnh 2.

Nhiều nạn nhân do sử dụng rượu đã phải nhập viện cấp cứu

 

Ông Nguyễn Khánh Phúc, đại diện doanh nghiệp sản xuất bia cho rằng, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn không có tác dụng giảm thiểu lạm dụng đồ uống có cồn mà còn dẫn tới thiệt hại cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội.

Song, đại diện Bộ Y tế cho hay dự thảo chỉ đề xuất hạn chế quảng cáo bia chứ không cấm quảng cáo, đồng thời đưa ra các bằng chứng quốc tế:

Kết quả nghiên cứu của 20 nước cho thấy mỗi lệnh cấm quảng cáo cả rượu và bia trên truyền thông sẽ giảm 8% lượng tiêu thụ. Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với nước chỉ cấm quảng cáo rượu.

“Hàng năm các công ty bia chi hàng ngàn tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị, nếu việc này không kích thích tiêu dùng thì liệu họ có bỏ ra số tiền lớn như vậy? Nếu khách đến Việt Nam chỉ vì đất nước họ sử dụng rượu bia bị kiểm soát, còn ở Việt Nam lại không, thì càng cần xem lại các chính sách này vì đi ngược thông lệ quốc tế.”- đại diện Bộ Y tế lập luận.

“Hoạt động văn hóa và thể thao do các doanh nghiệp tài trợ đem đến cho công chúng các chương trình giải trí hấp dẫn, góp phần phát triển ngành du lịch và ẩm thực Việt Nam, đóng góp cho kinh tế ở các địa phương phát triển” là ý kiến được đưa ra tại hội thảo.

Trao đổi về điều này, ông Quang nêu quan điểm: Sử dụng rượu bia với những hậu quả lớn về sức khỏe, kinh tế, văn hóa và xã hội là đi ngược với mục tiêu của văn hóa, thể thao và giáo dục.

Vì thế, nhà nước cần cấm tài trợ và nhận tài trợ hoạt động thuộc các lĩnh vực này vì chính là một hình thức quảng cáo.

WHO cũng chỉ ra: Tài trợ văn hóa, thể thao là một trong những chiến lược quảng cáo, tiếp thị quan trọng của các công ty sản xuất bia rượu. Các hoạt động tài trợ đa dạng từ thể thao đến âm nhạc hay các sự kiện văn hóa xã hội phần nhiều nhắm trực tiếp tới giới trẻ.

Nếu những sự kiện tài trợ đó được phát sóng trên tivi, hay truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng thì ảnh hưởng như quảng cáo trực tiếp. Hiện đã có 33 nước cấm hoàn toàn hoạt động khuyến mại, tài trợ bia gắn với các sự kiện thể thao và 16 quốc gia cấm một phần.

Ở Việt Nam, do không có chính sách kiểm soát nên các hoạt động tài trợ bia gắn liền với thể thao, lễ hội âm nhạc nhắm trực tiếp đến giới trẻ rất nhiều. Thậm chí, các công ty bia còn sử dụng hình ảnh cầu thủ bóng đá được yêu thích của giới trẻ (Công Phượng) trong video quảng cáo của mình.

Người Việt tiêu thụ 4 tỷ lít bia và 300 triệu lít rượu mỗi năm - Ảnh 4.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, sản xuất bia, rượu giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào ngân sách với khoảng 50 ngàn tỷ đồng.

Nhưng đại diện Bộ Y tế phản bác: Rượu bia gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế, văn hóa và xã hội. Mức thuế mà ngành rượu bia đóng góp là rất nhỏ nếu so sánh với những tổn thất kinh tế liên quan đến sức khỏe (chi phí điều trị và khắc phục hậu quả; do tử vong sớm hay mất khả năng lao động do tàn tật... ).

Bên cạnh đó, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, lối sống, đạo đức và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ lạm dụng rượu bia là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh. Thống kê của WHO cho thấy phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại