Nghiên cứu vừa công bố trên Science Advances tiết lộ thành quả đáng kinh ngạc của hàng loạt nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Anh, Na Uy và Nam Phi, là bằng chứng trực tiếp về cuộc biến đổi triệt để của các thành viên họ Người sơ khai.
Ảnh đồ họa mô tả thế giới 4,4 triệu năm về trước với những vượn nhân hình đầu tiên - Ảnh: SCI-NEWS
"Hình dạng xương phản ánh sự thích nghi với những thói quen hoặc lối sống cụ thể, ví dụ như sự di chuyển của các loài linh trưởng, và bằng cách vẽ lại mối liên hệ giữa hình dạng xương và hành vi của các dạng sống, chúng ta có thể suy ra hành vi của các loài tuyệt chủng" - tiến sĩ Thomas Cody Prang từ Khoa Nhân chủng học, Đại học Texas A&M (Mỹ), giải thích.
Hài cốt Ardi - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Phys.org cho biết bằng cách đó, họ đã tái hiện lại hành vi của Ardi, một vượn nhân hình 4,4 triệu tuổi thuộc họ Người (Homonid), nhưng chưa được coi là một loại thuộc chi Người (Homo) mà Homo sapiens chúng ta là thành viên. So sánh bàn tay của sinh vật thuộc loài Ardipithecus ramidus này với 53 loài linh trưởng khác bao gồm con người, tinh tinh, đười ươi..., họ đã xác định được một "bước nhảy vọt tiến hóa" quan trọng ở Ardi.
Theo Sci-News, Ardi cũng là đại diện của các hominid đang thích nghi với hình dáng đi thẳng. Như vậy, bàn tay đã biến đổi cùng lúc chứ không phải họ đi thẳng rồi một thời gian sau mới từ từ tìm cách sử dụng công cụ như suy nghĩ trước đây. Ardi đã biến sử dụng bàn tay và chi trên để thao tác, song song với việc ngón cái của bàn chân mất đi khả năng cầm nắm, tức ông ta đã không còn chuyền cành như tinh tinh!
Như vậy, nghiên cứu mới này đã chứng minh được lý thuyết được Charles Darwin đề xuất từ năm 1871 rằng việc sử dụng bàn tay và chi trên để thao tác xuất hiện cùng lúc với động tác đi thẳng.
Hóa thạch Ardi còn quý giá ở chỗ đã giữ nguyên những đặc điểm bộ xương chuyển tiếp giữa con người và tinh tinh, tức có thể nói ông ta chính là sinh vật làm cầu nối, đang biến đổi dang dở giữa tinh tinh và con người. Một số công cụ đá sơ khai được tìm thấy trong giai đoạn 3,3 đến 4,4 triệu năm trước cũng củng cố thêm cho giả thuyết.
Theo tiến sĩ Prang, họ vẫn đang tiếp tục làm việc nhằm tìm xem điều gì đã dẫn đến bước tiến hóa nhảy vọt nói trên, khiến tổ tiên của chúng ta đột ngột thay đổi hẳn môi trường sống, cách tìm thức ăn và nhân dạng. Các giả thuyết được đặt ra bao gồm sự cạnh tranh giữa các loài, biến đổi khí hậu khiến nguồn sống bị thu hẹp... Nhưng dù đó là gì, thì những sự kiện xảy ra quanh Ardi thời điểm đó đã thực sự đã tạo ra cho địa cầu một sinh vật mới đặc biệt: con người.