“Cháu giúp chú tí được không?”
Trong tin nhắn được gửi đến từ một số lạ, một cầu thủ SLNA (xin được giấu tên) đã nhận được nội dung: “Chiều nay cháu giúp chú tý nhé!”.
Tuy nhiên, sau khi nhận tin nhắn này, cầu thủ nói trên đã từng chối với tin nhắn trả lời: “Cháu không bao giờ làm ba cái chuyện đấy đâu chú ạ!”.
Cũng xin nói lại, tại giải bóng đá vô địch quốc gia của Việt Nam (V-League) hiện nay, không ít trận đấu bị hoài nghi. Tuy nhiên, BTC vẫn không thể vào cuộc vì thiếu chứng cớ, hoặc nếu có thì đó chỉ là… cảm tính.
Không chỉ cầu thủ của SLNA mà còn rất nhiều cầu thủ ở các đội bóng khác thi thoảng vẫn nhận được những tin nhắn “mời gọi”, “xin điểm”, “dàn xếp tỷ số”…
“Tôi chưa nghe ai nói gì về chuyện này”
Trước câu hỏi: “Ông có biết, cầu thủ SLNA nhận được tin nhắn lạ gạ gẫm giúp đỡ không?”. HLV Ngô Quang Trường của SLNA trả lời: “Tôi chưa nghe ai nói gì về chuyện này và sẽ xem xét lại (nếu có).
Nhà cầm quân này khẳng định, chuyện cầu thủ Mạnh Hùng không được đăng ký thi đấu dù không bị thẻ phạt hay chấn thương là điều hết sức bình thường, vì trung vệ này không có được phong độ tốt.
Thời gian qua, nội bộ của đội bóng xứ Nghệ đã có những lùm xùm vì phong độ thất thường của trung vệ Phạm Mạnh Hùng.
Cụ thể là hai trận thua trước Sanna.KH với tỷ số 0-1 ở vòng 18 và đặc biệt là thua FLC Thanh Hóa với tỷ số 1-2 ở vòng 19, V-League 2016, trung vệ từng được gọi lên ĐT Việt Nam chơi dưới sức mình.
Có lẽ vì thế, BHL SLNA đã “kỷ luật ngầm” Mạnh Hùng bằng cách cho cầu thủ này ở nhà trong cuộc đối đầu với HAGL, hòa 0-0 ở vòng đấu thứ 6, V-League 2016.
Vừa qua, Mạnh Hùng cũng đã có tâm thư gửi BHL, đồng nghiệp, NHM và khẳng định: “Tôi hoàn toàn trong sạch”. Những ngày vừa rồi, Mạnh Hùng cũng phải sống trong áp lực vì những chuyện thị phi và cả nhưng tin đồn ác ý nhắm vào anh.
Rung cây nhát khỉ?
Rút kinh nghiệm từ những mùa giải trước, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ký kết hợp tác với Sportradar để chống tiêu cực ở mùa bóng 2016 với thông điệp: “Nói không với dàn xếp trận đấu”.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
“Chỉ cần một cú sẩy chân thôi thì trận đấu sẽ có những ngã rẽ mới. Trong bóng đá sai số là điều bình thường nhưng đôi khi nó cứ giả giả, thật thật chẳng biết đường nào mà lần”, một HLV giấu tên bình luận.
Cũng nói thêm, Sportradar là công ty cảnh báo cá cược quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ.
Công việc cụ thể, Sportradar sẽ cập nhật dữ liệu, phân tích các trận đấu trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2016. Nếu có dấu hiệu bất thường, họ sẽ thông báo với VPF để lên phương án xử lý.
Những án tù vì bán độ có khiến các cầu thủ Việt "chùn chân"?
Sự xuất hiện công ty này được ví như chiếc kính hiển vi, đi soi… vi khuẩn, giúp cho V-League xanh, sạch, đẹp hơn.
Thế nhưng, cũng đã không ít những hoài nghi vì tổ chức này chỉ đưa ra những con số phân tích, chỉ mang tính cảnh báo chứ không thể đưa ra những quyết định liên quan đến trách nhiệm pháp luật…
Nói nôm na, Sportradar cũng giống như Ban đạo đức VPF đã được thành lập vào năm 2013. Ban này đã nhiều lần lên tiếng và chỉ ra một số trận đấu tại V-League “sặc mùi” tiêu cực, nhưng cuối cùng chẳng để làm gì.
Thậm chí, các thành viên Ban này xin được “khai tử” vì cung cách làm việc “nghiệp dư” của BTC giải đấu.
Cho đến bây giờ, V-League vẫn chưa vụ nào nổi cộm nhưng nếu sớm đưa ra lời cảnh báo thì không thừa chút nào.
“Em ơi, Euro đến rồi đó!”
Trong vài năm qua, bóng ma tiêu cực, đặc biệt là dàn xếp tỷ số luôn tồn tại trong bóng đá Việt Nam thể hiện qua vụ việc của hai CLB Đồng Nai và Ninh Bình.
Những tín hiệu vui là những vụ việc này đã được lôi ra ánh sáng và những cầu thủ dính chàm đã phải nhận được những bản án thích đáng.
Trong đó, một số cầu thủ đã bị loại trừ khỏi đời sống bóng đá. Chẳng hạn như: Phạm Hữu Phát, Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến, Nguyễn Đức Thiện và Nguyễn Thành Long Giang bị cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý.
Tương tự là 9 cầu thủ của Ninh Bình đã tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và dàn xếp tỷ số trận đấu giữa Kelantan và Ninh Bình ngày 18/3/2014 trong khuôn khổ AFC Cup.
Có một điều đáng sợ nhất của các giải đấu chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam, đó chính là rơi vào khoảng thời gian các giải đấu lớn như World Cup và Euro diễn ra song song.
Ngày 10/6 tới đây, Euro 2016 sẽ được khai mạc tại nước Pháp. Khi ngày hội của bóng đá châu Âu “lên sóng” chắc chắn các CLB của Việt Nam sẽ mất ăn mất ngủ.
Nguyên do, không chỉ là chuyện các cầu thủ thức khuya, dậy sớm xem các cuộc thi thố tại Euro, mà còn là chuyện họ một tay phím, một tay bấm vào các trang cá cược bóng đá
Thực tế, trong giới cầu thủ Việt, không ít người tan cửa nát nhà vì chuyện đề đóm, bóng banh. Thậm chí, một vài người nhận số tiền chuyển nhượng lên vài chục tỷ đồng, giờ chỉ còn “hai bàn tay trắng và một đống nợ nần”.
Từ V-League cho đến Euro, những ám ảnh về bóng ma tiêu cực đang dần dần hiện về. Có lẽ, những nhà tổ chức bóng đá nói, răn đe, tuyên thôi là chưa đủ…mà họ cần có những biện pháp mạnh ngăn ngừa, mạnh tay hơn.
Nước mắt tuyển thủ
Trong số những cầu thủ bị treo giò vĩnh viễn, có những người đang ở đỉnh cao phong độ và cũng là tuyển thủ QG. Chẳng hạn như trung vệ Nguyễn Gia Từ, Lê Quang Hùng, Nguyễn Thành Long Giang… Hy vọng, đây là những tấm gương để các cầu thủ nuôi hy vọng đổi đời từ “bóng banh” nhìn vào mà né tránh.