Cụ ông dành nghìn ngày làm vườn yêu tặng vợ đã mất
Khu ''vườn yêu'' ông Thiệp làm tặng người vợ quá cố.
Nhiều người nói ông "gàn dở" khi nhà cao cửa rộng chẳng thích ở mà suốt ngày quanh quẩn ở nghĩa địa lạnh lẽo.
Suốt ba năm qua, kể từ ngày đón vợ về "nhà mới", ông Nguyễn Tài Thiệp, 80 tuổi (Liễu Nội, Thường Tín, Hà Nội) vẫn ngày ngày ra nghĩa địa trò chuyện với vợ và dựng cả một khu vườn tình yêu dành tặng người vợ đã khuất của mình.
Đã có thời gian ông ở hẳn lại nghĩa địa cả ngày lẫn đêm chỉ vì không muốn người vợ quá cố cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn.
Vợ mất, ông Thiệp hoàn toàn suy sụp. Ngày ngày ông cứ thẫn thờ, chẳng buồn trò chuyện với ai. Ông bảo: "Có sống đến tuổi này rồi mới hiểu tình già nó quan trọng đến mức nào.
Chả ai hiểu tôi bằng bà ấy, cũng chả ai lo cho tôi bằng bà ấy. Lúc còn sống, hai vợ chồng suốt ngày trò chuyện thủ thỉ, giờ bà ấy mất rồi, tôi cũng như người mất hồn" - ông Thiệp tâm sự.
Ba năm sau ngày vợ mất, ông Thiệp đã chuyển "nhà mới" cho vợ về đặt ở một gò đất của làng - đó là nơi dành cho những nấm mồ đã sang cát.
Tới tận khi ấy ông mới thực hiện được ước mơ bấy lâu ấp ủ. Ông chia sẻ: "Để xây được cái "nhà mới" này cho bà ấy, tôi đã phải dốc hết tiền tiết kiệm suốt mấy năm đấy".
Nhìn vào ngôi mộ đủ thấy sự tâm huyết và tốn kém của người quyết tâm xây dựng nó. Mộ được thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên trái dành cho bà, bên phải dành cho ông.
"Tôi thiết kế thế để sau này xuống suối vàng rồi vẫn được ở chung nhà với bà ấy" - ông Thiệp tự hào khoe công trình của mình.
Đã có thời điểm ông Thiệp cả ngày đêm bên cạnh phần mộ của vợ mình
Trên phần mộ là tấm bia ghi tên vợ ông, phía dưới, bên trái là tấm gỗ ghi bài thơ lục bát bốn câu có tựa đề "Lời tâm niệm của cụ Thiệp Bùi": "Chữ tình cùng với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền/ Bây giờ cách trở âm dương/ Sau này sum họp lại chung một mồ".
Phía bên phải là chiếc chậu nhựa ghi rõ: "Chậu của cụ Bùi rửa mặt".
Mộ xây xong cũng là lúc ông Thiệp xách hành trang ra đó ở cùng vợ. Khi ấy ai cũng nói ông do đau khổ quá nên đã bị "điên". Con cái gàn thế nào ông cũng không nghe.
Ông bảo, vợ chồng thì phải đồng kham cộng khổ, nay bà ấy vì bệnh tật mà mất trước, như thế là rất thiệt thòi nên ông muốn bù đắp, ông không muốn bà cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo.
Phải mất tới mấy tháng những người con của ông Thiệp mới khuyên được bố không ngủ lại bên mộ của mẹ.
Dù không được ngủ đêm bên mộ vợ nhưng ngày ngày cứ từ tờ mờ sáng người làng đã thấy ông lọ mọ ra khu mộ rồi cặm cụi trồng rau, trồng cây thuốc đến tối muộn mới về.
Bây giờ, quanh mộ vợ ông tứ bề xanh ngắt. Hễ có chỗ đất nào còn trống là ông Thiệp trồng cây. Đó thường là những loại cây khi còn sống bà Bùi rất thích.
Mỗi cây ông đều treo lên đó một tấm biển ghi rõ là tặng vợ nhân dịp gì.
Câu chuyện về tình yêu đẹp của cụ ông gần 80 tuổi bán kem nuôi vợ
Cụ Điệp 30 năm tần tảo bên chiếc xe kem nuôi vợ bệnh
Dù đã tuổi ở xế chiều nhưng cụ ông Đỗ Mộng Điệp vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các con hẻm lớn nhỏ ở Sài Gòn chỉ mong bán hết kem để có tiền cho vợ chữa bệnh.
Một câu chuyện vô cùng đẹp giữa đời thường về tình yêu và trách nhiệm khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.
Nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng, một lối đi chỉ vừa đủ để dẫn vào ngôi nhà tình thương của gia đình cụ ông Đỗ Mộng Điệp, ngụ tại phường 22, quận Bình Thạnh.
Kể từ ngày rời quê hương Nha Trang vào Sài Gòn lập nghiệp, hai vợ chồng ông nay cũng đã gần 80 tuổi nhưng vẫn không có con cái, cũng chẳng có một người thân thích nào ở mảnh đất phồn hoa, tráng lệ này.
Năm nay 67 tuổi, vì bị bệnh giãn mạch máu chân, dẫn đến teo cơ, cộng thêm căn bệnh tim nên từ nhiều năm qua, vợ ông là bà Kim Vân đã không còn đủ sức khỏe để làm các công việc nặng, chỉ còn biết ở nhà lo chuyện chợ búa, cơm nước rồi chờ chồng đi làm về.
Vậy nên gáng nặng càng thêm chồng chất, từ mưu sinh đến chạy chữa thuốc thang, mọi chi phí đều đổ dồn lên đôi vai gầy của người chồng già này, ấy vậy mà ông Điệp vẫn tất tả lo toan cho vợ một cách toàn vẹn.
"Thấy anh ấy cực khổ quá, cô không biết làm sao bây giờ. Cô muốn làm cho chồng hết việc nặng nhọc nhưng giờ không làm được.
Cô đau lòng lắm", cô Kim Vân khóc khi nói về người chồng gần 80 tuổi vẫn phải rong ruổi khắp các con hẻm lớn nhỏ bán kem để có tiền cho vợ chữa bệnh.
Hai vợ chồng ông không có con, họ nuôi một con chó nhỏ làm bầu bạn
Rời ngôi nhà nhỏ, bóng dáng ông Điệp dần hòa vào những người đang tấp nập ngược xuôi, chỉ còn tiếng chuông leng keng len lỏi khắp các con đường, hẻm nhỏ.
Chiếc xe kem này được ông Điệp mua về từ vựa ve chai, sau khi được sửa sang lại, nó đã trở thành nguồn nuôi sống của hai vợ chồng ông suốt hơn 30 năm qua.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề bán kém dạo, chưa một ngày nào ông ngơi nghỉ dù có những lúc Sài Gòn nắng mưa bất chợt, vì tiền sinh hoạt, thuốc thang của vợ đều trông chờ vào nguồn thu nhập này.
Câu chuyện của ông bà khiến bao người xúc động, xúc động không chỉ thương cho cảnh đời bất hạnh, dù đã ở tuổi xế chiều lẽ ra được an nhiên bên con cháu nhưng vẫn phải bôn ba kiếm từng đồng tiền bát gạo, mà còn xúc động trước tình yêu thương son sắt của hai người dành cho nhau.
Mong cho chiếc xe kem của ông sẽ luôn đông khách để ông có thêm thu nhập giúp trang trải cuộc sống gia đình những ngày về sau.
Ông già vớt xác ở sông Hồng xăm chuyện tình lên tay
Dù sống với nhau 47 năm nhưng ông bà vẫn chưa một lần được làm đám cưới. Để kỷ niệm “ngày cưới”, ông đã xăm cả ngày cảnh hai người gặp nhau lên tay.
Ông là người dân tộc thiểu số, bà người Thái Bình, cả hai đều mồ côi cha mẹ. 47 năm về trước, họ tình cờ gặp nhau ở bãi rác, nhặt tranh của nhau nhiều nên đi đến quyết định về cùng một nhà để đỡ phải tranh nhau.
Để kỷ niệm “ngày cưới”, ông xăm cả ngày hai người gặp nhau lên tay.
Không cưới không hỏi, ông bà cứ thế sống với nhau đến nay là 47 năm rồi, phiêu bạt nhiều nơi nhưng đến bãi giữa thì được ở lại.
Cách đây 4 năm, mới đến thì lúc sắp bị đuổi đi thì công an thấy ông hay đi vớt xác người trôi sông, đặt cho ông biệt danh là "ăn tranh của hà bá" nên để ông bà ở lại.
Cứ thế đến nay, ông bà coi túp lều đơn sơ dựng trên sông là ngôi nhà, là chốn đi về của mình.
Sức khỏe bà yếu nên ông chăm chỉ đi sớm về muộn nhặt rác để mưu sinh. Căn nhà trên sông chẳng có cái gì đáng giá, nhưng không bao giờ thiếu 2 chiếc điếu cày, ông 1 cái bà 1 cái vì ông bảo: “đỡ phải tranh nhau!”.
Đến nay khi tuổi đã xế chiều, ông bà chỉ thích có người đến thăm cho đỡ buồn và cũng chưa một lần dám mơ đến đám cưới.
Tình yêu lãng mạn của cặp đôi trăm tuổi ở Nghệ An
Ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An), hỏi đến tên cụ ông Cao Viễn (106 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Hai (100 tuổi) không ai không biết. Hai cụ đã sống bên nhau hơn 83 năm trong hạnh phúc.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Viễn và cụ Hai đều rất lãng mạn, vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ âu yếm, tình cảm.
Mỗi sáng, cặp vợ chồng già thường cùng ngồi nghe đài và đọc báo. Hàng ngày, hai cụ đi bộ ra chự mua đồ ăn rồi vào bếp trổ tài nấu những món mà người kia thích.
Những ngày lễ tết, dân làng lại thấy hai cụ dắt tay nhau đi thăm con cái, xóm giềng.
Vợ chồng cụ Viễn và cụ Hai vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm lãng mạn
Cũng chính bởi sự hòa thuận, yêu thương nhau, sống phúc đức nên hai cụ luôn được mời làm ông mai bà mối, là người chứng kiến trong đám cưới của rất nhiều đôi trẻ.