Số phận những cỗ máy sau Chiến tranh Lạnh

Duy Ân |

Nếu lái xe dọc theo đường South Kolb ở thành phố Tucson, bang Arizona nước Mỹ, bạn sẽ chứng kiến một cảnh tượng bất thường.

Hậu chiến tranh lạnh và sự đổi mầu của các liên minh Cuộc giải mã tài liệu khoa học Nga trong Chiến tranh lạnh Mỹ hồi sinh ủy ban thời Chiến tranh Lạnh

Từng hàng máy bay quân sự nối tiếp nhau, bất động và yên lặng dưới cái nắng sa mạc gay gắt, từ những chiếc máy bay vận tải to lớn cho đến máy bay ném bom, hay loại chiến đấu cơ F-14 nổi tiếng.

Nghĩa địa máy bay khổng lồ

Đây là Căn cứ Không quân Davis-Monthan, được vận hành bởi Khu bảo dưỡng và phục hồi máy bay thứ 309 (AMARG), nhưng cơ sở này được đặt cho biệt danh là “Bãi Hài Cốt”.

Đây là nhà của 4.400 máy bay, với diện tích khoảng 10,5 km vuông. Một vài chiếc máy bay trông giống như chúng chỉ vừa hạ cánh cách đó vài giờ, một số khác được phủ tấm bạt để tránh bụi và cát.

Bên trong phân xưởng, một số máy bay đã được tháo rời các bộ phận để tái sử dụng. Đối với những người làm việc ở đây, căn cứ Davis-Monthan còn được biết đến dưới cái tên “Nghĩa địa”. Dù không phải là nghĩa địa máy bay duy nhất trên thế giới, nhưng đây cũng là nghĩa địa lớn nhất.

Điều kiện thời tiết tại Arizona - khí hậu khô, độ ẩm thấp, ít mưa - đồng nghĩa với việc máy bay sẽ lâu rỉ sét hơn. Bên cạnh đó, mặt đất ở đây có đặc tính gần giống như thạch cao, giúp các máy bay có thể được đỗ trên sa mạc mà không cần các thiết bị đắt tiền. Các máy bay tốn rất nhiều tiền để sản xuất và bảo trì, nhưng ở cuối đời chúng vẫn có công dụng riêng.

Tuy nhiên việc tạo môi trường ấm và khô để bảo quản chúng lại tốn rất nhiều chỗ và nhiều tiền. Vì vậy nên việc đưa chúng về nơi có điều kiện khí hậu như Tucson sẽ giúp tiết kiệm hơn rất nhiều.

Đây là lý do vì sao nhiều nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới lại đặt ở miền tây nam nước Mỹ. Tuy nhiên các máy bay này vẫn cần sẵn sàng quay lại phục vụ nếu cần thiết. Và điều này tốn rất nhiều công sức.

Các nhân viên tại nghĩa địa máy bay có một danh sách nhiệm vụ dài. Các máy bay từng phục vụ trên tàu sân bay cần được rửa kỹ để tẩy sạch muối. Tất cả các máy bay đều được rút cạn xăng.

Tất cả các thiết bị kích nổ, ví dụ như thiết bị dùng để đẩy phi công ra khỏi ghế trong trường hợp gặp nạn, đều cần được tháo gỡ. Các máy bay được bảo quản ở các điều kiện khác nhau. Một số được giữ trong tình trạng gần-như-hoạt-động để phòng trường hợp cần quay trở lại phục vụ, trong khi một số khác được tháo rời các bộ phận.

Trong số này có máy bay ném bom B-52 có khả năng mang theo bom hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, được cho “về hưu” hồi thập niên 1990 theo các điều khoản của hiệp ước giải trừ vũ khí SALT giữa Mỹ và Liên Xô.

Số phận những cỗ máy sau Chiến tranh Lạnh - Ảnh 1.

Các máy bay phản lực như những chiếc F/A-18 này có thể được sử dụng để cung cấp phụ tùng cho các máy bay khác bay.

Ngoài ra, còn có hàng chục máy bay chiến đấu F-14 đã được Hải quân Mỹ cho nghỉ bay từ năm 2006 và từng có mặt trong phim “Top Gun”. Nghĩa địa sân bay này cũng từng xuất hiện trong nhiều phim nổi tiếng của Hollywood như là “Transformers: Revenge of the Fallen” (tạm dịch: “Robot biến hình: Bại binh phục hận”).

Theo các hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược với Nga, những chiếc B-52 được tháo rời cánh, giúp các vệ tinh của Liên Xô biết chắc rằng chúng đã không còn phục vụ nữa. Một số máy bay được sử dụng làm nguồn cung cấp các bộ phận riêng khi cần thiết.

Tại căn cứ Davis-Monthan còn có một máy nghiền, nơi các máy bay bị nghiền vụn và kim loại được nung để tái sử dụng. Davis Monthan là nhà của khoảng 400.000 thiết bị và máy móc cần thiết để xử lý các bộ phận máy bay cần thiết.

Keith Hayward, từ Royal Aeronautical Society, cho biết máy bay dễ tháo gỡ hơn là các phương tiện lớn khác.

“Có ít vật liệu nặng hoặc nguy hiểm trên máy bay hơn là tàu chiến”, ông nói. Tuy nhiên cũng theo ông, việc ngày càng có ít các chất liệu tái sử dụng được dùng trong các máy bay hiện đại cũng đồng nghĩa với quy mô của những nghĩa địa máy bay có thể giảm xuống trong tương lai.

Tại Tucson, từng hàng máy bay ở căn cứ Davis Monthan nằm yên dưới cái nắng nóng của Arizona. Đối với một vài chiếc trong số này, cái nắng sa mạc có thể được xem như là môi trường nghỉ hưu lý tưởng, trong khi đối với một số khác, cơ hội được bay trở lại vẫn còn trước mắt.

Xác chết tàu ngầm hạt nhân

Tàu ngầm hạt nhân từ lâu đã là chủ đề được yêu thích trong các phim khoa học viễn tưởng, từ bộ phim “The Hunt for Red October” (tạm dịch: “Săn tìm tàu ngầm Tháng Mười Đỏ”) đến loạt phim truyền hình “Voyage to the Bottom of the Sea” (tạm dịch: “Du hành đáy biển”).

Chúng cũng thường xuyên được mô tả là những công cụ địa chính trị tuyệt vời, với khả năng thực hiện các nhiệm vụ bí mật một cách thầm lặng. Tuy nhiên đến cuối đời, tàu ngầm hạt nhân trở thành những mối nguy trôi nổi trên biển.

Số phận những cỗ máy sau Chiến tranh Lạnh - Ảnh 2.

Đến cuối đời, tàu ngầm hạt nhân trở thành những mối nguy trôi nổi trên biển.

Trong những năm qua, hải quân các nước đã phải tốn nhiều công sức để xử lý những chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo có từ thời Chiến tranh Lạnh. Điều này đã tạo ra những nghĩa địa công nghiệp kỳ lạ nhất trên thế giới, trải dài từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến thành phố Vladivostok của Nga.

Nghĩa địa tàu ngầm ở Vịnh Olenya, phía tây bắc bán đảo Kola của Nga, là một cảnh tượng dễ gây kinh ngạc: những lớp vỏ rỉ sét thủng nhiều lỗ, để lộ những bệ phóng ngư lôi phía trong, những buồng chỉ huy bị méo mó đến dị dạng và những phần thân bị gãy lìa, như những chiếc vỏ chai bị đập vỡ trên đá.

Liên Xô đã biến Biển Kara thành một “bể chứa rác thải phóng xạ”, Quỹ Bellona của Na Uy, một tổ chức bảo vệ môi trường, nhận xét.

Lòng biển chứa khoảng 17.000 container chất thải phóng xạ, 16 lò phản ứng hạt nhân và 5 tàu ngầm hạt nhân - trong đó một chiếc vẫn còn chứa đầy nhiên liệu.

Biển Kara giờ đây là mục tiêu của các công ty dầu khí, và bất cứ mũi khoan nào đâm trúng những bãi rác thải này cũng có thể dẫn đến nguy cơ làm chất phóng xạ bị lan ra các khu vực đánh bắt cá - Nils Bohmer, giám đốc điều hành Quỹ Bellona, cảnh báo.

Số phận những cỗ máy sau Chiến tranh Lạnh - Ảnh 3.

Một bãi rác hạt nhân ở Vladivostok.

Những nghĩa địa tàu ngầm chính thức thì dễ nhìn thấy hơn. Bạn có thể tìm chúng trên Google Maps hay Google Earth, chỉ cần zoom vào bãi rác thải hạt nhân lớn nhất của Mỹ tại Hanford thuộc bang Washington, hay các hải cảng gần thành phố Vladivostok của Nga.

Đó là những hộp kim loại khổng lồ dài 12m được xếp nối tiếp nhau trên Vịnh Sayda, hoặc được neo trôi nổi trên biển gần căn cứ tàu ngầm Pavlovks gần Vladivostok. Những hộp kim loại này là những gì còn lại của hàng trăm tàu ngầm hạt nhân, sau những quy trình xử lý tinh vi.

Trước hết, các tàu ngầm không còn được sử dụng được kéo về cảng, nơi toàn bộ nhiên liệu bên trong được hút ra ngoài. Lượng nhiên liệu này sau đó được đưa lên tàu lửa để chuyển đến các nhà máy xử lý chất thải.

Xác tàu, dù không còn chứa nhiên liệu, nhưng chất liệu kim loại bên trong vẫn còn nhiễm phóng xạ và vì vậy, chúng sẽ được tách rời khỏi thân tàu. Tuy nhiên cách thức này không phải khi nào cũng dễ thực hiện, Bohmer nói.

Một số tàu ngầm của Liên Xô có lò phản ứng được làm lạnh bằng kim loại lỏng. Khi các lò phản ứng ngưng hoạt động, chất bismuth đóng băng, biến chúng thành những khối cồng kềnh. Bohmer nói vẫn có 2 tàu ngầm như vậy chưa được xử lý và phải được di chuyển tới hai cảng hẻo lánh ở Vịnh Gremikha, Bán đảo Kola, vì lý do an toàn.

Cho đến nay Nga đã xử lý được 120 tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc và 75 tàu từ Hạm đội Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã tháo gỡ 125 tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh.

Lo ngại về môi trường

Các tổ chức bảo vệ môi trường từ lâu đã bày tỏ lo ngại về việc bảo quản nhiên liệu hạt nhân ở Mỹ. Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho là điểm đến của tất cả các nhiên liệu cao cấp không còn được sử dụng của Hải quân Mỹ kể từ khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, USS Nautilus, đi vào hoạt động năm 1953.

Beatrice Brailsford, từ Snake River Alliance, một tổ chức bảo vệ môi trường, nói: “Lò phản ứng của USS Nautilus được thử nghiệm tại INL và từ đó, tất cả nhiên liệu đã qua sử dụng của các tàu hạt nhân của hải quân đều được đưa về Idaho. Số nhiên liệu đã qua sử dụng này được trữ trên mặt đất, nhưng những chất thải còn lại được chôn phía trên tầng ngậm nước. Điều này đang khiến nhiều người dân ở Idaho lo ngại”.

Số phận những cỗ máy sau Chiến tranh Lạnh - Ảnh 5.

Khi đã cũ, các tàu ngầm hạt nhân, một số vẫn bị phát tán phóng xạ một cách nguy hiểm.

Ngay cả khi được bảo quản tốt, chất phóng xạ vẫn có thể rò rỉ. Ví dụ như ở INL và Hanford, bụi bên ngoài rơi vào các bể làm nguội, dính nước phóng xạ và sau đó bị gió thổi bay ra bên ngoài. Các quy trình xử lý tốn kém có vẻ như không làm cho các nhà chiến lược quân sự ngưng chế tạo thêm tàu chiến.

Edwin Lyman, một nhà phân tích chính sách hạt nhân từ Cambridge, nhận định: “Hải quân Mỹ tin rằng các tàu ngầm hạt nhân là một thành công lớn và hiện những lớp tàu ngầm chính đang được thay thế”.

Không chỉ có Mỹ mà Nga cũng đang chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân mới tại Severodvinsk và có thể chế tạo thêm 8 chiếc nữa trước năm 2020. Có vẻ như các nghĩa địa tàu ngầm sẽ còn khá bận rộn trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại