Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương

Thu Hằng |

Diego Garcia là một trong những tài sản ở nước ngoài bí mật và quan trọng nhất của nước Mỹ, nhưng Washington đang đứng trước nguy cơ không giữ được quyền kiểm soát nơi này sau phán quyết mới đây của Toà án Công lý quốc tế.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 1.

Cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia nằm giữa Ấn Độ Dương. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN, căn cứ quân sự bí mật Diego Garcia nằm cách lục địa gần nhất 1.000 dặm, nhưng nó có tất cả những tiện nghi của một thị trấn Mỹ hiện đại.

Binh lính tại đây có thể dùng bữa với bánh mì kẹp thịt tại Jake's Place, đánh golf trên sân 9 lỗ, chơi bowling hoặc uống bia ngâm lạnh tại một trong nhiều quán bar. Bộ chỉ huy địa phương đặt biệt danh cho căn cứ này là "Dấu chân Tự do".

Mặc dù ô tô ở đây lái xe ở bên phải đường, hòn đảo không phải là lãnh thổ của Mỹ, nó là một tàn dư từ thời kỳ thực dân Anh. Năm 1965, giữa Chiến tranh Lạnh, Chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận bí mật, gây tranh cãi với Chính phủ Anh để thuê một trong số 60 đảo san hô tạo nên Quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương để xây dựng căn cứ quân sự.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 2.

Diego Garcia, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chagos, được Mỹ thuê của Anh từ năm 1966. Ảnh: CNN

Thỏa thuận đó là bí mật vì Vương quốc Anh đang trong quá trình trao trả độc lập cho thuộc địa Mauritius, theo đó quần đảo Chagos cũng được độc lập.

Nhưng Chagos không bao giờ có ngày độc lập. Thay vào đó, nó được tách ra từ Mauritius và đổi tên thành "Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh", một động thái mà Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc (LHQ), hôm 28/2 vừa qua đã phán quyết là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Sau phán quyết, nước Anh hiện đã được hướng dẫn để kết thúc quá trình phi thuộc địa hoá và trả lại quần đảo Chagos cho Mauritius.

Phán quyết của LHQ, mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, vẫn có khả năng gây ra một vấn đề lớn cho Mỹ, bởi ngày nay, Diego Garcia là một trong những tài sản ở nước ngoài bí mật và quan trọng nhất của nước này.

Là nơi đồn trú của hơn 1.000 binh sĩ và nhân viên Mỹ, căn cứ tại Diego Garcia được sử dụng bởi Hải quân, Không quân Mỹ và thậm chí cả NASA vì đường băng khổng lồ của hòn đảo được dùng làm nơi hạ cánh khẩn cấp cho các tàu con thoi.

Diego Garcia là bàn đạp trong hai cuộc xâm lược Iraq, đóng vai trò là điểm hạ cánh quan trọng cho đội máy bay ném bom thực hiện các nhiệm vụ trên khắp châu Á, bao gồm cả Biển Đông và có liên quan đến các nỗ lực tái hiện diện của Mỹ.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 3.

Hàng máy bay ném bom B-1 đậu trên đường băng tại căn cứ Mỹ ở Diego Garcia năm 2001. Ảnh: CNN

Nhiều chính trị gia có tiếng nói ở Anh trong đó có Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, đang kêu gọi Vương quốc Anh trả lại các hòn đảo cho Mauritius. Nếu điều đó xảy ra, các chuyên gia tin rằng quyền sở hữu của Diego Garcia có thể được đưa ra để đàm phán.

Một "chấm nhỏ" trên Ấn Độ Dương

Từ Singapore đến Djibouti, từ Bahrain đến Brazil, ngày nay nước Mỹ vận hành khoảng 800 căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần bên ngoài lãnh thổ có chủ quyền - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Hầu hết các căn cứ của Mỹ đã được mua lại trong thời kỳ phi thực dân hóa sau Thế chiến II, khi các cường quốc thực dân truyền thống như Anh và Pháp rời bỏ các thuộc địa trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á.

Khi ảnh hưởng của Liên Xô gia tăng trong thời Chiến tranh Lạnh, "dấu chân toàn cầu" của các đồng minh châu Âu bị thu hẹp khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng rằng phương Tây đang "mất quyền kiểm soát thế giới", David Vine, tác giả cuốn sách "Đảo xấu hổ", viết về số phận của quần đảo Chagos, giải thích.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong thời kỳ này, nước Mỹ bắt đầu nỗ lực tạo ra một mạng lưới các căn cứ và cơ sở quân sự mà không phải chịu gánh nặng cai trị một dân tộc thuộc địa. Nhiều chính phủ, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bahrain, đã tìm kiếm các thỏa thuận quốc phòng dài hạn với Mỹ, xem sự hiện diện quân sự bổ sung là một biện pháp bảo vệ cần thiết.

Và năm 1964, Mỹ đã tiếp cận Anh để hỏi thuê một “chấm nhỏ” ở Ấn Độ Dương. David Vine nói: "Lúc đầu, Mỹ không thực sự biết rõ họ sẽ làm gì với nó. Đó là một sự rào đón cho tương lai".

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 4.

Bản đồ đảo Diego Garcia trong khu vực.

Số phận người bản địa

Năm 1966, Anh và Mỹ ký thỏa thuận mà không có sự giám sát của quốc hội, cho phép Mỹ quyền xây dựng căn cứ quân sự trên Diego Garcia. Mauritius đã được trao 3 triệu bảng Anh (3,9 triệu USD) để đồng ý với thỏa thuận này và các bên thống nhất rằng Mỹ sẽ miễn 14 triệu USD liên quan đến một đơn đặt hàng tên lửa tàu ngầm Polaris của Anh.

Chỉ có một vấn đề rắc rối, đó là 3.000 người Chagos sống trên đảo.

Theo tác giả Vine, những cư dân đầu tiên của Quần đảo Chagos là nô lệ được đưa từ Madagascar và Mozambique đến làm việc trong các đồn điền dừa của người Pháp vào thế kỷ 18. Sau các cuộc chiến tranh thời Napoleon, Pháp đã nhượng lại quần đảo Chagos cho Anh.

Người Chagos đã xây dựng một lối sống dễ chịu khác biệt với ở Mauritius, nơi người dân còng lưng trong trên các đồn điền mía đường. Họ phát triển phiên bản ngôn ngữ Creole của riêng mình, xây trường học cho con cái, chăm sóc khu vườn tư nhân và hướng đến lối sống yên bình.

Năm 1967, Mỹ và Anh bắt đầu xé tan cuộc sống đó, trục xuất tất cả cư dân khỏi vùng đất của họ. “Ban đầu, những người đã đi điều trị y tế đặc biệt tại Mauritius không bao giờ được phép quay lại", Pierre Prosper, người sinh ra ở Peros Banhos, một đảo san hô ở phía đông bắc của Chagos nói.

Nguồn cung cấp y tế và thực phẩm cho hòn đảo dần dần bị hạn chế, cho đến cuối cùng, vào năm 1973, tất cả những người còn lại được thông báo rằng họ phải rời đi “trong một đêm”, ông Prosper nói.

Cuộc lưu vong ép buộc của người Chagos không phải là một sự việc đơn lẻ. Vào năm 1946, 167 người bản địa của đảo san hô Bikini đã bị thuyết phục rời khỏi chuỗi 23 hòn đảo thiên đường sau khi Commodore Ben H Wyatt, Thống đốc quân sự của Quần đảo Marshall, tuyên bố vùng đất của họ là cần thiết cho "lợi ích của nhân loại và chấm dứt mọi cuộc chiến tranh thế giới".

Nhưng trên thực tế, tuyên bố trên đồng nghĩa với việc 23 vũ khí hạt nhân đã được thả xuống khu vực đảo Bikini từ năm 1946 đến 1958, như một phần của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh - bao gồm cả vụ nổ mạnh nhất từng được Mỹ kích hoạt.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 5.

Một đám mây hình nấm cuộn lên sau vụ nổ bom nguyên tử ngoài khơi đảo san hô Bikini, Quần đảo Marshall vào tháng 7/1946. Ảnh: CNN

Sau năm 1979, Diego Garcia trải qua cuộc mở rộng lớn nhất của bất kỳ cơ sở quân sự nào của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam và đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 1986.

Một trong những điều đầu tiên mà quân đội Mỹ đã làm là đào sâu bến cảng, nhà phân tích quân sự CNN Cedric Leighton, người từng đóng quân tại căn cứ Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương vào những năm 1990, nơi hỗ trợ hậu cần cho Diego Garcia, cho biết. Ngày nay, bến cảng đó đủ lớn để một tàu sân bay sử dụng.

"Ngoài ra còn có những con tàu khổng lồ đậu sẵn, mỗi chiếc có kích thước bằng Tòa nhà Empire State, chứa đầy vũ khí và đồ tiếp tế cho xe tăng, máy bay trực thăng cho toàn bộ lữ đoàn thủy quân lục chiến", tác giả David Vine cho hay.

Quân đội cũng đã xây dựng một đường băng dài hơn 3000 mét để các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52 có thể sử dụng.

Theo tác giả David Vine, chỉ trong vài tuần sau các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu năm góc vào ngày 11/9/2001, căn cứ này đã nhận thêm 2.000 quân nhân thuộc Không quân Mỹ.

Căn cứ bí mật

Nhờ cách xa bất cứ nơi nào, Diego Garcia trở nên nổi tiếng vì chính sự bí ẩn của nó. Nhà phân tích Leighton nói rằng trong khi nhân viên quân sự trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Downg có thể mang theo vợ hoặc chồng của họ, những người làm việc trên đảo Diego Garcia phải đi một mình.

Không có nhà báo nào từng đến đây, mặc dù phóng viên của tạp chí Time từng gửi tin từ đường băng căn cứ này trong lúc chiếc Air Force One chở Tổng thống Bush và phóng viên đi cùng phải dừng tiếp liệu. Các phóng viên mô tả hòn đảo là "thiên đường trong bê tông".

Những người duy nhất được phép lên đảo ngoài nhân viên quân sự là nhân viên hợp đồng chủ yếu là người Philippines, những người nấu ăn và dọn dẹp cho binh lính Mỹ.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 6.

Một chiếc trực thăng nhặt túi thư được đưa đến Diego Garcia vào tháng 9/1990. Ảnh: CNN

Lý do cho mức độ bí mật cao hơn gần như bất kỳ cơ sở quân sự nào khác của Mỹ - kể cả Vịnh Guantanamo, nơi các nhà báo được phép đến thăm - đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về những gì xảy ra tại Diego Garcia.

Năm 2008, sau nhiều năm phủ nhận và tuyên bố rằng nhật ký chuyến bay liên quan đã bị hư hại bởi nước, Chính phủ Anh cuối cùng đã thừa nhận rằng hai chuyến bay thuê của CIA chở tù nhân đã được trung chuyển qua Diego Garcia vào năm 2002.

Giám đốc CIA khi đó là Michael Hayden tuyên bố: "Đã có những đồn đoán trên báo chí trong những năm qua rằng CIA có một cơ sở giam giữ ở Diego Garcia. Điều đó là sai. Cũng có những cáo buộc rằng chúng tôi vận chuyển tù nhân đến đây để tra tấn. Điều đó cũng vậy, là sai. Tra tấn là trái luật pháp và trái với các giá trị của chúng tôi”.

Số phận căn cứ quân sự bí mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương - Ảnh 7.

Đường băng và bãi đỗ máy bay trên đảo Diego Garcia.

Tương lai của căn cứ

Phán quyết từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tuần trước không ràng buộc về mặt pháp lý, có nghĩa là nước Anh có thể bỏ qua nó.

Khi đó, vấn đề người nắm giữ chủ quyền đối với quần đảo Chagos sẽ được thảo luận bởi Đại hội đồng LHQ – nơi đã đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Quốc tế bất chấp phản đối của London.

Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth gọi phán quyết này là "thời khắc lịch sử đối với người dân Mauritius" và nói rằng nó đã mở đường cho người Chagos và con cháu của họ "cuối cùng cũng có thể trở về nhà" - điều mà họ đã vận động nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, chuyên gia Leighton tin rằng cơ hội để Mauritius trục xuất căn cứ quân sự Diego Garcia là rất nhỏ, vì cho thuê nó sẽ kiếm được nguồn thu quan trọng cho chính phủ, có thể kèm theo sự bảo vệ quân sự.

Nhưng không có gì để nói rằng người Mauritius sẽ tiếp tục cho Mỹ thuê hòn đảo bởi còn có những khách hàng khác, như Trung Quốc cũng đang nóng lòng tiếp cận Ấn Độ Dương, ông Leighton nhận định.

https://baotintuc.vn/ho-so/so-phan-can-cu-quan-su-bi-mat-cua-my-giua-an-do-duong-20190311115033207.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại