Ngày hôm qua, sau một thời gian dài bị quên lãng, cái tên Saif al-Islam Gaddafi lại một lần nữa được nhắc đến trên báo chí thế giới khi hai không tặc người Libya đòi trả tự do cho ông khi chúng cướp một chiếc máy bay và điều hướng đến Malta.
Vụ việc khép lại một cách nhanh chóng và êm ả, không tặc tự nguyện giao nộp bản thân, còn Saif al-Islam Gaddafi vẫn ở nơi giam giữ.
Dưới thời ông Muammar Gaddafi còn tại vị, Saif al-Islam Gaddafi từng được kỳ vọng là người kế thừa đất nước Libya. Ông ta có cuộc sống rất thoải mái trong căn biệt thự 10 triệu bảng Anh ở ngoại ô London, và sở hữu tấm bằng tiến sĩ của trường Đại học Kinh tế Anh (LSE) danh tiếng - mặc dù sau đó truyền thông phương Tây cho rằng một công ty tư vấn đã lo phần luận án.
Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, đã có một thế hệ người dân Libya tin rằng Saif là chìa khóa duy nhất để thoát khỏi hệ thống ngột ngạt của Muammar Gaddafi, người đã nắm quyền nhiều thập kỷ. Con trai thứ của Gaddafi từng thương thuyết với gia đình của 1.200 tù nhân bị binh lính giết hại ở nhà tù Abu Salim năm 1996, lần đầu tiên thừa nhận rằng đây là hành động sai trái.
Khi cuộc cách mạng bùng nổ vào tháng 2/2011, Saif quay về quê hương để ủng hộ cha mình, xuất hiện trên sóng truyền hình và chỉ trích quân nổi dậy một cách nặng nề.
Tuy nhiên, số phận người con thứ của Muammar Gaddafi sau đó đã trở thành biểu tượng của một cuộc cách mạng đòi công lý và tự do, nhưng lại sụp đổ chỉ còn thù hận và bạo lực.
Chính Saif al-Islam đã tự đoán trước kết cục đó cho chính mình, trong đoạn phát sóng gây bùng nổ phẫn nộ trong dân chúng. "Sẽ có nội chiến ở Libya... Chúng ta sẽ chém giết lẫn nhau ngoài đường," ông nói, giơ ngón tay một cách hợm hĩnh.
"Toàn bộ Libya sẽ bị hủy diệt. Chúng ta sẽ cần 40 năm để đạt được thỏa thuận điều khiển đất nước, bởi vì hôm nay thì ai cũng muốn làm tổng thống, hoặc quốc vương, ai cũng muốn đứng đầu quốc gia này."
Chính cử chỉ giơ ngón tay đó đã khiến người Libya nổi cơn thịnh nộ, vì như thể họ chỉ là bọn trẻ con hư hỏng còn Saif là vị huynh trưởng đứng đầu của nhà trường.
Thế nhưng đến tận ngày hôm nay, những lời của Saif như một dự cảm không lành, đã được kiểm chứng bằng hiện thực. Saif hiểu rõ một cuộc cách mạng sẽ phá hủy Libya hoàn toàn. Trên thực tế, Libya ngày nay là một đất nước đổ vỡ, trong tình trạng vô chính phủ, với nhiều nhóm vũ trang nổi lên cát cứ các địa phương.
Vào tháng 11/2011, khi đang trên đường tháo chạy khỏi Libya, Saif - thành viên duy nhất còn ở Libya của cả gia đình Gaddafi - đã bị nhóm nổi dậy Zintan bắt giữ và giam lỏng tại địa bàn của chúng, cách thủ đô Tripoli khoảng 160km về phía tây.
Trớ trêu thay, chính nhờ nhóm này từ chối trả tự do mà Saif thoát khỏi án tử hình của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Tháng 7 vừa qua, có tin Saif đã được trả tự do nhờ một thỏa thuận ân xá. Nhưng dường như thông tin này không chính xác, vì sau đó, một số nguồn tin từ lực lượng vũ trang Zintan đã phủ nhận việc thả Saif.
Cho đến nay, số phận nhân vật từng một thời lừng lẫy ở Libya này vẫn là một ẩn số.