"Số nhọ" của mẫu tàu ngầm được mệnh danh là F-22 trong Hải quân Mỹ

QS |

Nếu Không quân Mỹ có vũ khí đỉnh cao là tiêm kích tàng hình F-22 thì ở nhiều khía cạnh, Seawolf cũng có thể được xem là F-22 của lực lượng tàu ngầm Mỹ.

Tàu ngầm lớp Seawolf được đánh giá là mẫu tàu ngầm tốt nhất mà Mỹ từng chế tạo. Chúng được thiết kế để tiếp nối vai trò của các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles và duy trì ưu thế của Mỹ dưới lòng biển. Tuy nhiên, chương trình tàu ngầm Seawolf đã bị đội chi phí và lại rơi vào đúng thời điểm Liên Xô tan rã.

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, nếu Không quân Mỹ có vũ khí đỉnh cao là tiêm kích tàng hình F-22 thì ở nhiều khía cạnh, Seawolf cũng có thể được xem là F-22 của lực lượng tàu ngầm Mỹ: Chúng là những tàu ngầm tốt nhất thế giới nhưng chỉ vì vấn đề chi phí mà không được sử dụng rộng rãi.

Sự đáp trả của Mỹ

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Hải quân Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Năm 1980, Liên Xô nhận được thông tin tình báo rằng Hải quân Mỹ có thể theo dõi các tàu ngầm của họ thông qua tiếng ồn quá mức do chân vịt phát ra.

Vì thế, Liên Xô phải tìm tới máy móc tiên tiến của phương Tây để có được loại chân vịt tốt hơn. Năm 1981, cong ty Toshiba (Nhật Bản) đã cung cấp máy gia công chân vịt cho Liên Xô thông qua tập đoàn Kongsberg của Na Uy.

Tới giữa những năm 1980, cỗ máy mới của Liên Xô đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Các tàu ngầm mới lớp Akula có độ ồn giảm đáng kể. Một nguồn tin chính phủ Mỹ tiết lộ với tờ Los Angeles Times rằng "các tàu ngầm này (Akula) chỉ bắt đầu hoạt động êm ái sau khi thiết bị của Toshiba được đưa vào sử dụng".

Ngoài khả năng hoạt động êm ái, tàu ngầm lớp Akula còn có thể lặn sâu tới hơn 600m. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ chỉ có thể lặn sâu chưa đầy 200m.

Để đối phó với mối đe dọa từ tàu ngầm lớp Akula, Hải quân Mỹ cho ra đời tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf. Thân tàu làm bằng thép hợp kim HY-100 dày 0.05m, cho phép tàu chịu được áp lực nước cao hơn để lặn sâu hơn.

Hợp kim HY-100 bền chắc hơn khoảng 20% so với hợp kim HY-80 được sử dụng cho tàu ngầm lớp Los Angeles. Vì vậy, tàu ngầm lớp Seawolf có khả năng lặn sâu tới 600m và có độ sâu tới hạn từ 730m - 900m.

Số nhọ của mẫu tàu ngầm được mệnh danh là F-22 trong Hải quân Mỹ - Ảnh 1.

Số nhọ của mẫu tàu ngầm được mệnh danh là F-22 trong Hải quân Mỹ - Ảnh 2.

Tàu ngầm lớp Seawolf (trên) và Los Angeles (dưới)

Với chiều dài 108m, tàu ngầm Seawolf ngắn hơn một chút so với lớp tàu tiền nhiệm nhưng lại rộng tới 12m (tàu Los Angeles rộng 10m). Độ rộng này về cơ bản khiến Seawolf nặng hơn các tàu ngầm lớp trước, có lượng giãn nước lên tới 12.158 tấn khi lặn (tàu USS Jimmy Carter).

Tàu ngầm Seawolf trang bị một lò phản ứng hạt nhân S6W, có công suất 52.000 mã lực, cùng 2 turbine khí kết nối với một trục. Seawolf là tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống bơm phun để di chuyển thay cho chân vịt, giúp tàu hoạt động êm và nhanh hơn (công nghệ này hiện được áp dụng cho các tàu ngầm lớp Virgina).

Điều đó cho phép tàu có thể di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ khi nổi, 35 hải lý/giờ khi lặn và có thể chạy với tốc độ 20 hải lý/giờ ở chế độ yên tĩnh.

Seawolf trang bị hệ thống sonar BQQ 5D, sử dụng sonar mảng kéo TB-29A để phát hiện các đối tượng phía sau cùng hệ thống sonar BQS-24 nhằm phát hiện thủy lôi.

Ban đầu, Seawolf sử dụng hệ thống dữ liệu tác chiến BSY-2 của tập đoàn Lockheed Martin với một mạng lưới khoảng 70 bộ vi xử lý Motorola 68030, cũng là hệ thống xử lý dùng cho các máy tính Macintosh trong thời kỳ đầu. Hiện nay, hệ thống này đang được thay thế bằng hệ thống kiểm soát vũ khí AN/BYG-1 hiện đại hơn do tập đoàn Raytheon thiết kế.

Sát thủ thầm lặng

Được thiết kế để săn tàu ngầm đối phương nên Seawolf có 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi các tàu ngầm lớp trước. Nó có thể mang theo 50 ngư lôi hạng nặng Mark 48, tên lửa chống tàu Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo Hải quân Mỹ, các tàu ngầm lớp Seawolf có độ ồn khi hoạt động thấp hơn 10 lần so với phiên bản cải tiến của tàu lớp Los Angeles và thấp hơn 70 lần so với phiên bản gốc của lớp tàu này. Ngoài ra, chúng có thể di chuyển ở chế độ im lặng với tốc độ gấp đôi các tàu lớp trước.

Tuy nhiên, tăng hiệu quả hoạt động đồng nghĩa với tăng chi phí. Chương trình đóng 12 tàu ngầm lớp Seawolf có chi phí ước tính 33 tỷ USD - một con số "không thể chấp nhận được" khi Liên Xô và mối đe dọa từ tàu ngầm lớp Akula của họ đã chấm dứt vào năm 1991.

Kết quả là, chương trình tàu Seawolf đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 3 tàu, với chi phí 7,3 tỷ USD.

Số nhọ của mẫu tàu ngầm được mệnh danh là F-22 trong Hải quân Mỹ - Ảnh 3.

Tàu ngầm USS Jimmy Carter

Dù vậy, khả năng hoạt động cực êm ái của lớp Seawolf đã tạo tiền đề cho Hải quân Mỹ nảy sinh ý tưởng cải tiến chiếc tàu ngầm cuối cùng thuộc lớp này - USS Jimmy Carter - để hỗ trợ các hoạt động bí mật.

Một module đa nhiệm (MMP) dài hơn 30m được lắp đặt thêm vào thân tàu, cho phép USS Jimmy Carter triển khai và thu hồi các phương tiện do thám không người lái dưới nước, hoặc mang theo lính đặc nhiệm SEAL, người nhái để thực hiện các sứ mệnh đặc biệt.

Tàu Carter còn được gắn thêm một số thiết bị hỗ trợ để giúp xử trí chính xác những tình huống như nghe lén thông tin từ các đường cáp ngầm và những hoạt động do thám khác. Chính đặc điểm này đã khiến giới phân tích quân sự đánh giá USS Jimmy Carter là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Mặc dù không được chế tạo với số lượng lớn nhưng các tàu ngầm lớp Seawolf vẫn là một thành phần vô cùng quan trọng và hiệu quả đối với lực lượng tàu ngầm Mỹ, chúng có những khả năng chuyên biệt mà thậm chí lớp tàu ngầm Virginia hiện đại ngày nay cũng không thể nào sánh được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại