"Sờ mông sờ đùi chứ không dâm ô": Không, các vị ấy hoàn toàn không thiếu hiểu biết

Hoàng Anh Tú |

Ngày hôm qua (6/3), mạng xã hội lại nổi sóng phẫn nộ trước những gì 2 vị lãnh đạo huyện Việt Yên (Bắc Giang) công bố: Thầy giáo D.T.M không dâm ô.

Xin trích nguyên văn kết quả xác minh vụ việc thầy giáo bị tố sàm sỡ học sinh lớp 5 xảy ra tại trường Tiểu học Tiên Sơn huyện Việt Yên: "Như vậy, theo kết quả điều tra, xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện xác định vụ việc đối với thầy giáo D. T. M, trường tiểu học xã Tiên Sơn huyện Việt Yên chưa đủ căn cứ chứng minh việc ông D. T. M. có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).

Nếu soi vào luật, dường như những gì cơ quan chức năng huyện Việt Yên nói ra không sai chạy một chữ. Từ xưa tới nay, việc chứng minh hành vi dâm ô (chứ không phải hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm...) luôn là việc rất khó khăn.

Không chỉ chứng cứ luôn mong manh, ít có dấu vết hay hậu quả để lại, mà bản thân quy định của luật về hành vi này cũng khá mơ hồ.

Cách hiểu phổ biến về hành vi dâm ô là phải có sự đụng chạm vào cơ quan sinh dục. Như vậy, trước hành vi "sờ mông sờ đùi", không khó để hiểu vì sao cơ quan chức năng huyện Việt Yên chọn kết luận: Chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô.

Một kết luận khó sai về góc độ luật. An toàn. Nhưng điều những ông bố bà mẹ của bọn trẻ ở trường tiểu học Tiên Sơn, và các ông bố bà mẹ khắp cả nước cần, có phải chỉ đơn giản rằng theo luật, có hành vi dâm ô hay không?

Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Việc sờ vào đùi và mông của học sinh có coi là vùng "nhạy cảm" hay không?", có nghĩa dư luận muốn biết, nếu không phải là dâm ô, thì việc làm của thầy giáo M. có thể bị coi là một loại hành vi xâm hại, hay quấy rối tình dục nào không?

Thế nhưng, Trung tá Nguyễn Việt Nguyễn – Phó trưởng Công an huyện Việt Yên cho biết: "Hành vi sờ vào đùi và mông được xác định trong quá trình xác minh, có trích từ báo cáo ra.

Còn việc sờ vào đùi và vào mông có phải là vùng nhạy cảm không thì không thuộc chức năng của chúng tôi". Một câu trả lời có phần lạnh lùng.

Ông Nguyễn Đại Lượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, còn "lạc đề" xa hơn. Ông cho biết đã xuống tâm sự với 5 cháu và sẽ công bố clip ghi lại hình ảnh tâm sự của các cháu.

"Chúng tôi cho rằng đây là hành vi ít nhiều có xâm hại tới thân thể của học sinh. Ví dụ véo mũi là khá đau và không phù hợp với hành vi ở trên lớp", ông Lượng nói thế.

Hỡi các vị có hiểu biết tường tận với quy định của luật pháp về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, nếu các vị đã hiểu rõ cả sự chưa hoàn thiện của luật pháp như vậy, xin đừng tỏ ra quá ngây thơ với một vấn nạn xã hội không lạ lẫm gì: Xâm hại trẻ em.

Trong một xã hội đang nỗ lực giáo dục nhận thức cho trẻ về phòng chống xâm hại trẻ em, một đứa trẻ 3 tuổi ở trường cũng được dạy về vùng nhạy cảm - vùng nguy hiểm gồm ngực - mông và bộ phận sinh dục. Nếu một quan chức coi đó không phải là việc của mình, e rằng ông đã không đặt những đứa trẻ vào trong phạm vi cần quan tâm và bảo vệ.

Ai biết được, sẽ còn những đứa trẻ nào nữa ở huyện này bị xâm hại, chỉ vì kẻ xấu biết rằng luật pháp có kẽ hở, và những người thừa hành thờ ơ?

Chúng ta đều biết pháp luật trọng bằng chứng và phải được thực thi theo luật. Nhưng hiểu luật và nhìn bằng chứng bằng sự vô cảm thì luật nào cũng có "đường thoát thân" cho kẻ phạm tội.

Thông thường, rất khó khăn để thuyết phục những nạn nhân là trẻ em vượt qua sợ hãi để cho lời khai chính xác. Nhiều cha mẹ, do hạn chế về hiểu biết pháp luật và quá thương con, xót con, đã chọn cách bỏ qua.

Sờ mông sờ đùi chứ không dâm ô: Không, các vị ấy hoàn toàn không thiếu hiểu biết - Ảnh 2.

Vô cùng đáng tiếc, khi những đứa trẻ và phụ huynh ở Bắc Giang đã vượt qua được rào cản để lên tiếng, thì một "hàng rào" khác lại xuất hiện.

Và rồi mạng xã hội, thứ tiếng nói đang tạo ra sức mạnh dư luận, cũng chỉ một chốc một lát một sự việc, vụ án rồi quên đi khiến vụ án nào cũng như vụ án mới.

Trong nhiều năm làm báo cho trẻ em, tham gia góp tiếng trong nhiều vụ xâm hại, viết những cuốn sách về phòng chống xâm hại nhưng tôi vẫn bất lực như thế mỗi khi xã hội, báo chí phát hiện ra một vụ án mới.

Vẫn biết là ngay ở Mỹ, ở Nhật, những đất nước nghiêm minh và trình độ dân trí cao hơn thì số vụ án xâm hại trẻ em vẫn rất cao. Nhưng đọc những tin tức như vụ ở Bắc Giang này, nỗi lo lắng càng ngày càng lớn hơn.

Bởi ở đó, chính những người chịu trách nhiệm lại cố gói gọn sự việc trong mấy chữ "sờ mông sờ đùi không đủ căn cứ chứng minh hành vi dâm ô", chứ không cần biết đến một hành động xâm hại.

Nếu chúng ta cũng như họ, cố tình nhắm mắt bỏ qua, thì tôi không chỉ lo lắng mà còn thực sự sợ hãi. Không phải cho những đứa trẻ ở Việt Yên, ở Bắc Giang, mà cho chính con tôi, con chúng ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại