Tuy nhiên, điều gì xảy ra với những chất thải sau đó vẫn còn là một ẩn số lớn. Một nghiên cứu mới ghi lại sự tích tụ của các hạt vi nhựa dưới đáy biển Địa Trung Hải đã làm sáng tỏ vấn đề này.
Các tác giả kết luận rằng, nồng độ của vật liệu này ở đáy biển Địa Trung Hải đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra một số kiến thức hữu ích về cách hoạt động của nhựa trong môi trường biển. Các nhà nghiên cứu mô tả chi tiết về những trận tuyết lở dưới nước, đẩy vi nhựa vào đại dương sâu.
Đồng thời, họ phát hiện, các rãnh dưới biển sâu có thể hoạt động như “bẫy nhựa”. Vào năm 2020, các nhà khoa học nghiên cứu về ô nhiễm ở biển Địa Trung Hải đã xác định được một điểm nóng có nồng độ vi nhựa cao nhất từng được tìm thấy dưới đáy biển.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Tự trị Barcelona (Tây Ban Nha) và Trường Đại học Aalborg (Đan Mạch) đã công bố phát hiện liên quan đến vi nhựa ở biển Địa Trung Hải. Nhóm tập trung vào cách vi nhựa chìm xuống đáy biển và điều sẽ xảy ra sau đó.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập lõi trầm tích từ phía Tây Địa Trung Hải. Sau đó, họ sử dụng công nghệ hình ảnh tiên tiến để nghiên cứu các hạt nhỏ tới 11 micromet.
Họ phát hiện, các hạt vi nhựa vẫn được bảo quản dưới đáy biển. Việc các hạt vi nhựa bị phân mảnh có thể là do thiếu xói mòn, oxy hoặc ánh sáng.
Ông Patrizia Ziveri - tác giả nghiên cứu - cho biết: “Quá trình phân mảnh diễn ra chủ yếu trong trầm tích bãi biển, trên bề mặt đại dương hoặc trong cột nước. Một khi được lắng đọng, nhựa hầu như không phân hủy. Vì vậy, nhựa từ những năm 1960 vẫn ở dưới đáy biển”.
Các nhà khoa học đã sắp xếp lại dòng thời gian ô nhiễm nhựa dưới đáy biển. Họ cho biết, lượng vi nhựa đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000. Bản chất của nhựa tích tụ ở điểm nóng này phản ánh quá trình sản xuất và sử dụng nhựa toàn cầu từ năm 1965 - 2000.
“Điều này cho phép chúng tôi thấy rằng, kể từ những năm 1980, đặc biệt là trong hai thập kỷ qua, sự tích tụ các hạt polyetylen và polypropylen từ bao bì, chai lọ và màng bọc thực phẩm, cũng như polyester từ sợi tổng hợp trong vải quần áo, đã gia tăng như thế nào”, ông Michael Grelaud - đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.