Một quân nhân Ukraine được nhìn thấy ở Donbass, miền Đông đất nước, trong cuộc xung đột với Nga nay đã bước sang tháng thứ 5. Ảnh: DW
Trong khi kết quả của cuộc xung đột Nga -Ukraine vẫn chưa rõ ràng, không nghi ngờ gì rằng Kiev đã chiến thắng áp đảo trong cuộc chiến thông tin. Về mặt thu hút sự ủng hộ của quốc tế trong bối cảnh xung đột với Nga, Ukraine đang thắng thế.
Nhưng bên cạnh sự ngưỡng mộ đối với việc truyền tải thông điệp toàn cầu hiệu quả cao của Ukraine, các nguồn tin phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi đối với một số tuyên bố của Kiev về cách cuộc giao tranh diễn ra, hãng thông tấn AFP (Pháp) bình luận.
Theo AFP, chính phủ Ukraine công bố bản cập nhật hàng ngày về thiệt hại của Nga, nhưng vẫn tương đối im lặng về con số thương vong và thiệt hại phần cứng của chính họ.
AFP dẫn thông tin cập nhật mới nhất của phía Ukraine hôm 24/6 cho biết, Nga đã mất hơn 34.500 quân cũng như hơn 1.500 xe tăng, 216 máy bay và 183 trực thăng.
Kiev không tiết lộ số liệu thống kê như vậy về các lực lượng của mình, mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thông báo hồi đầu tháng rằng họ mất tới 100 binh sĩ mỗi ngày trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở khu vực Donbass, miền Đông đất nước.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga cũng ít chia sẻ thông tin chi tiết về những thiệt hại của họ. Kể từ đầu cuộc xung đột với Ukraine đến giơ, tức đã 4 tháng, Moscow mới chỉ 2 lần công bố con số thương vong chính thức của quân đội Nga.
Trong lần cập nhật cuối cùng, vào ngày 25/3, Nga cho biết 1.351 binh sĩ của họ đã thiệt mạng, một con số các chuyên gia cho biết thấp hơn nhiều so với ước tính của các bên khác.
"Người Ukraine đang kiểm soát thông tin về các lực lượng và xã hội của chính họ và đã rất thành công với điều này", ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho biết.
Ông Cancian cũng cho biết, điều đó không có gì lạ, và những hoạt động tương tự đã diễn ra trong Thế chiến II.
So với Ukraine, các nguồn tin phương Tây mà AFP liên hệ được có xu hướng đưa ra con số thấp hơn nhiều về thương vong của phía Nga, với chỉ khoảng 15.000-20.000 binh sĩ Nga thiệt mạng.
Cũng có những hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Zelenskyy rằng Ukraine đã mất tới 100 binh sĩ mỗi ngày.
Duy trì độ tin cậy
Ông Cancian cảnh báo, Kiev nên nhận thức rằng uy tín lâu dài của họ có thể bị đe dọa nếu các quan chức Ukraine tiếp tục ước tính quá mức thiệt hại của Nga.
"Lợi ích lâu dài của bất kỳ quốc gia nào là đưa ra thông tin chính xác để duy trì uy tín của mình, nhưng điều đó rất khó thực hiện trong thời chiến", ông Cancian nói.
Không có gì lạ khi người ta mong muốn vẽ ra một bức tranh thành công với những gam màu lạc quan để tập hợp dân chúng. Sự khuyến khích ngắn hạn đó lấn át giá trị dài hạn của sự tín nhiệm.
Một nguồn tin quân sự Pháp, đề nghị giấu tên, cho biết Ukraine "rất mạnh và vẫn đang" trong cuộc chiến thông tin.
“Họ đã thắng trên mặt trận này ở các nước phương Tây.
"Các hình ảnh cận cảnh trên thực địa mà họ cung cấp tràn ngập khắp nơi. Nhưng, điều kỳ lạ là người Nga hoàn toàn không có mặt ở đấy, mặc dù chúng tôi mong đợi bộ máy tuyên truyền của Moscow hoạt động", nguồn tin Pháp nói với AFP.
Tuy nhiên, nhà sử học quân sự và cựu đại tá Pháp Michel Goya cho biết, các số liệu của Ukraine nằm trong "biên độ sai số giữa những gì có thể nhìn thấy và những gì là thực".
"Các thiết bị quân sự, đặc biệt là các thiết bị cũ kỹ từ thời Liên Xô, có thể được tính là thiệt hại mà không phải do bị bắn trúng. Điều này đặc biệt đúng với các loại pháo bị vô hiệu hóa sau khi bắn vài nghìn viên đạn", ông Goya cho biết.
Dữ liệu chính xác gần như không tồn tại, nhưng những con số về tổn thất và độ tin cậy của chúng vẫn rất quan trọng khi Kiev gây áp lực lên các đối tác phương Tây để tìm kiếm thêm viện trợ vũ khí từ họ.
Kêu gọi tăng viện
Ukraine đã cáo buộc một số đồng minh của họ - đặc biệt là Pháp và Đức – là không muốn Ukraine thắng trong cuộc xung đột bằng cách chậm trễ trong việc bàn giao thêm vũ khí.
Kiev cũng lấy dẫn chứng là những bước tiến mà quân Nga đạt được để biện minh cho lời kêu gọi tăng viện.
Ukraine đã tổ chức các cuộc họp với mục đích tạo ra "động lực lớn hơn để khuyến khích chính phủ các nước NATO gửi thêm vũ khí", ông Phillips O'Brien, giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St. Andrews, cho biết.
Nhưng các nguồn tin quân sự cũng khẳng định, cần phải phân biệt rạch ròi giữa các cuộc họp giao ban công khai - vốn có thể che giấu một mục đích thầm kín - và những cuộc họp kín chỉ dành cho các đồng minh.
Các nguồn tin quân sự Mỹ được AFP liên lạc bày tỏ sự bình tĩnh trước tình hình, nói rằng họ biết chính xác tình trạng của người Ukraine.
“Tôi chưa nghe thấy bất kỳ lời phàn nàn nào từ Mỹ rằng họ đã bị đánh lừa”, ông Cancian nói.
Việc xây dựng lòng tin giữa các đồng minh là một thách thức thực sự trong thời chiến, do sự pha trộn của sự lạc quan thái quá, sự thiếu kiên nhẫn và nỗi sợ hãi mất đi mọi thứ.
“Người Ukraine không nói tất cả không có nghĩa là họ đang nói dối”, một sĩ quan cao cấp của Pháp nói.