Sở hữu Su-30MKI tối tân, phi công Ấn Độ vẫn sang Nga học lái Su-30M2: Có gì bí mật?

Nam Đồng |

Hình ảnh các phi công Ấn Độ được huấn luyện trên buồng lái tiêm kích đa năng Su-30M2 của Nga đã làm nảy sinh không ít lời thắc mắc.

Trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa Không quân Nga và Không quân Ấn Độ (IAF), quốc gia Nam Á mới đây đã cử một đoàn đại biểu là các phi công ưu tú của IAF sang vùng Viễn Đông - Nga để cùng tham gia huấn luyện.

Được biết đơn vị đứng ra đăng cai tổ chức hoạt động trên là Trung đoàn tiêm kích phòng không số 22 đóng quân tại Tsentralnaya Uglovaya, vùng Vladivostok.

Sở hữu Su-30MKI tối tân, phi công Ấn Độ vẫn sang Nga học lái Su-30M2: Có gì bí mật? - Ảnh 1.

Phi công tiêm kích Nga và Ấn Độ trong cuộc huấn luyện liên hợp, phía sau là những chiếc Su-30M2

Tại các lần tập trận trước, phi công Ấn Độ thường được lái tiêm kích đa năng Su-30SM do sự tương đồng với Su-30MKI đang phục vụ với số lượng rất lớn trong biên chế các đơn vị tác chiến của họ.

Su-30SM thực chất chính là bản nội địa hóa từ nguyên mẫu Su-30MKI rất thành công trên thị trường vũ khí, điểm khác biệt chỉ là các thành phần ngoại vi như cảm biến, màn hình hiển thị... do Pháp và Israel lắp đặt trên Su-30MKI được thay thế bằng thiết bị chuẩn Nga.

Còn lại, những khí tài cốt yếu mang lại sức mạnh cho chiếc chiến đấu cơ này như radar mảng pha quét thụ động N011M BARS tầm trinh sát 400 km, hay động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP có lực đẩy 12.500 kgf vẫn được giữ lại nguyên vẹn.

Đây cũng đồng thời là lần đầu tiên phi công Ấn Độ được bay cùng các đồng nghiệp người Nga trên máy bay vận tải hạng nhẹ An-26 và trực thăng đa dụng Mi-8. Đợt huấn luyện trên được xem như một thành phần nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận liên hợp INDRA 2017 đang diễn ra.

Sở hữu Su-30MKI tối tân, phi công Ấn Độ vẫn sang Nga học lái Su-30M2: Có gì bí mật? - Ảnh 2.

Phi công Nga và Ấn Độ trên buồng lái tiêm kích đa năng Su-30M2

Việc Ấn Độ lựa chọn dòng Su-30M2 lạ lẫm chứ không phải là Su-30SM quen thuộc nhiều khả năng là do họ muốn trực tiếp kiểm chứng tính năng của chiến đấu cơ Su-30 do Liên hiệp chế tạo máy bay Thanh niên cộng sản bên bờ sông Amua mang tên Y.A. Gagarin (KnAAPO) chế tạo.

Đây cũng là điều hợp lý vì rất nhiều chiếc Su-30MKK và Su-30MK2 khác đang được Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc khai thác, trong khi đây lại là đối thủ tiềm tàng của IAF.

Ngoài ra có thể phía Ấn Độ muốn được làm quen với chiếc Su-30M2 do đây là phương tiện dùng để huấn luyện phi công lái Su-35S - một sản phẩm khác cũng của KnAAPO và mới được bán cho Trung Quốc.

Hiểu rõ hơn về dòng tiêm kích đa năng Su-30M2 sẽ giúp IAF xây dựng nên những chiến thuật hợp lý để không bị bất ngờ trong trường hợp bắt buộc phải đụng độ với Su-30MKK, Su-30MK2 hay thậm chí là Su-35S.

Phi công Ấn Độ được huấn luyện trên tiêm kích đa năng Su-30M2 của Không quân Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại