Sở hữu 32 khách sạn, 4 công viên giải trí, 2 safari và 2 sân golf, Vinpearl đang kiếm được bao nhiêu tiền?

Hà My |

Trong năm 2017, doanh thu mảng khách sạn, vui chơi giải trí của Vinpearl là hơn 3.800 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu từ mảng này tăng vọt tới 70%, lên gần 6.500 tỷ đồng.

Theo số liệu mới được Công ty cổ phần Vinpearl công bố, tổng doanh thu của Vinpearl trong năm 2018 là hơn 18 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tới từ 2 mảng kinh doanh đặc thù của công ty là chuyển nhượng bất động sản và cung cấp dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan.

Trong năm 2018, doanh thu Vinpearl giảm so với năm 2017, do sự sụt giảm doanh thu của mảng chuyển nhượng bất động sản, khi đa số các dự án biệt thự biển và condotel đã được bàn giao và ghi nhận.

Cụ thể, mảng bất động sản chỉ thu về 7.025 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với cùng kỳ.

Đây là mảng có tỷ suất lợi nhuận cao, nên việc sụt giảm doanh thu khiến các chỉ tiêu về lợi nhuận đều giảm so với năm trước: Lợi nhuận gộp giảm 51%, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 51%, lợi nhuận trước thuế giảm 39%. Riêng lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 13%, đạt 366 tỷ đồng.

Đối với mảng dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí, Vinpearl trong năm vừa qua đã mở rộng quy mô với 32 khu khách sạn nghỉ dưỡng, 4 công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land, 2 công viên chăm sóc & bảo tồn động vật Safari, 2 sân Golf. Nhờ đó, doanh thu mảng này đạt 6.485 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước.

Sở hữu 32 khách sạn, 4 công viên giải trí, 2 safari và 2 sân golf, Vinpearl đang kiếm được bao nhiêu tiền?  - Ảnh 1.

Trong cơ cấu lợi nhuận gộp, mảng chuyển nhượng bất động sản đem về 2.641 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.

Mảng dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí chuyển từ lỗ 45 tỷ đồng năm 2017 sang có lãi 615 tỷ đồng năm 2018.

Vinpearl cho biết, hiệu quả của mảng khách sạn, vui chơi giải trí tăng là do công ty đang dần quản lý doanh thu và chi phí giá vốn hiệu quả hơn, sau khi sáp nhập các công ty con vào thời điểm đầu năm 2017, và mảng kinh doanh thường xuyên cũng đã dần ổn định và đi vào hiệu quả.

Đáng chú ý, trong cơ cấu lợi nhuận gộp, mảng cung cấp dịch vụ quản lý và cho thuê biệt thự biển lỗ lớn trong cả 2 năm vừa qua, tương ứng là 1.681 tỷ đồng và 2.061 tỷ đồng. Theo lý giải của Vinpearl, đây là chi phí timeshare mà công ty cam kết trả hàng năm cho khách hàng mua biệt thự biển.

Sở hữu 32 khách sạn, 4 công viên giải trí, 2 safari và 2 sân golf, Vinpearl đang kiếm được bao nhiêu tiền?  - Ảnh 2.

Với ngành nghề kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, khó khăn trực tiếp của Vinpearl đến từ sự cạnh tranh cùng ngành của các dự án du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí khác tại Việt Nam.

Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây, số lượng các dự án du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cũng tăng mạnh tương ứng khiến sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, trong ngành du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl hiện đang là một trong các thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí dẫn đầu thị trường, với các điểm vui chơi, công viên giải trí hoành tráng, hiện đại và cuốn hút du khách cùng các cơ sở khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng trải khắp bờ biển Việt Nam.

Thương hiệu Vinpearl cũng có lợi thế cạnh tranh so với các thương hiệu khác nhờ vào việc các khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Vinpearl nằm tại các vị trí vàng của các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Cần Thơ...

So với 2 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh gần giống với Vinpearl là FLC và CEO, thì Vinpearl có tổng tài sản và doanh thu lớn hơn, nhưng lợi nhuận sau thuế thấp hơn.

Sở hữu 32 khách sạn, 4 công viên giải trí, 2 safari và 2 sân golf, Vinpearl đang kiếm được bao nhiêu tiền?  - Ảnh 3.

CTCP Vinpearl tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập tháng 7/2001 với số vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Đến năm 2003, Vinpearl đưa khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang đi vào hoạt động.

Tháng 7/2006, Vinpearl đổi tên thành Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl, sau đó niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2008.

Năm 2009, công ty đổi tên thành CTCP Du lịch VinpearlLand, sau đó tiếp tục đổi tên năm 2010 thành CTCP Vinpearl.

Cuối năm 2011, Vinpearl hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, để sang năm 2012, Tập đoàn Vingroup thực hiện hoán đổi cổ phần của mình với cổ phần Vinpearl cho các cổ đông của Vinpearl để trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Vinpearl.

Sau đó, Vinpearl được chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên Vinpearl. Lúc này, vốn điều lệ Vinpearl là 2.055 tỷ đồng.

Sau nhiều lần tăng và giảm vốn do sáp nhập và tách công ty con, Vinpearl hiện nay có số vốn điều lệ 7.590 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại