Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) diễn biến ngày càng phức tạp, chính phủ nhiều nước đã đề nghị người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tụ tập và tiếp xúc với người khác, thậm chí là phong tỏa trên diện rộng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, khi phải đối diện với yêu cầu "ở nhà tránh dịch" của chính phủ, nhiều người đang sinh sống tại những thành phố đông dân cư hẳn sẽ nghĩ tới những vùng đất xa xôi, hoang vắng, với không khí trong lành và sự tự do mà thành phố không thể mang lại.
Và điều đó thực sự đã xảy ra tại một số khu vực, như vùng cao nguyên của Scotland, Vương Quốc Anh - một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất nước Anh. Nơi này có rất ít người sinh sống, và cảnh vật vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên, hoang sơ hiếm có, theo CNN.
Tình trạng những chuyến xe ùn ùn kéo đến những địa điểm như vậy - trong thời điểm hết sức nhạy cảm như hiện nay - đã khiến những người dân bản địa hết sức lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh khi dịch vụ y tế địa phương có nhiều hạn chế và bất cập.
Giới chức địa phương thậm chí đã phải ban hành những lời cảnh báo, nhắc nhở những "người ngoài" rằng họ "không được chào đón" trong thời điểm hết sức phức tạp này.
Nỗi lo về virus corona
Khách du lịch đổ xô đến thị trấn Fort William của Scotland vào cuối tuần trước. Ảnh: Getty
Đã có hơn 410 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Scotland, trong đó vùng cao nguyên của Scotland mới chỉ có 8 trường hợp, và giới chức vùng muốn dừng lại ở con số này.
Các đảo nhỏ thuộc Scotland đặc biệt quan ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với các cộng đồng của họ.
Ông Angus MacNeil, một chính trị gia sinh sống trên Đảo Barra, thuộc quần đảo Outer Hebrides ở bờ Tây Scotland, đã chia sẻ một hình ảnh đáng lo ngại về cơ sở y tế trên hòn đảo này. Ngoài giường bệnh và một số thiết bị cơ bản, những hòn đảo này không có một chiếc máy thở nào cả.
Cả đảo Barra và đảo Vatersay lân cận đều thông báo trên mạng xã hội rằng các đảo này đã "đóng cửa".
"Khi nào mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ rất vui mừng hoan nghênh các bạn tới đảo", theo thông cáo được đăng tải trên tài khoản Twitter của chính quyền đảo Barra. "Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chúng tôi cần phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng cư dân đảo - điều khiến chúng tôi trở nên đặc biệt".
"Làm ơn đừng đến vùng cao nguyên để tự cách ly", bà Kate Forbes, Bộ trưởng Tài chính Scotland kêu gọi trên Twitter.
"Những người dân sống ở đây đang cố gắng tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ, nhưng việc những người ngoài liên tục kéo đến đây để 'chạy trốn' thành phố sẽ chẳng giúp được gì hết", bà Forbes viết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Nông thôn Fergus Ewing cũng đã kêu gọi những người ngoài rời khỏi vùng cao nguyên Scotland, đồng thời nhắc nhở người dân không nên di chuyển nếu không cần thiết.
"Tôi cảm thấy rất phẫn nộ trước hành vi vô trách nhiệm của một số người vẫn tiếp tục đến vùng cao nguyên và các đảo của Scotland. Điều này cần phải dừng lại ngay", ông Ewing cho biết. "Họ đang gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác".
Chỉ đi xa khi thực sự cần thiết
Hôm 22/3 vừa qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã tuyên bố rằng các chuyến phà tại Scotland sẽ chỉ được sử dụng cho các chuyến đi thực sự cần thiết.
Theo đó, các đối tượng được sử dụng phà là những người sinh sống trên các đảo thực sự có nhu cầu di chuyển tới đất liền để mua các đồ nhu yếu phẩm hoặc để phục vụ công việc; hoặc các đối tượng sinh sống trên đất liền trở về từ các đảo. Không chỉ riêng Scotland, mà nhiều nơi khác trên thế giới cũng đã áp dụng quy định này.
Bà Sheila Gilmore, một quan chức của đảo Arran ở bờ Tây Scotland, cho biết những người có ý định 'chạy trốn' thành phố có thể sẽ phải hối hận vì quyết định của mình:
"Tôi hoàn toàn hiểu rằng mọi người muốn đến một nơi yên tĩnh hơn trong lúc này... Nhưng thực tế là ở Arran, chúng tôi không có đủ cơ sở vật chất để chống dịch. Sự thực là chẳng ai trên thế giới này có đủ cơ sở vật chất để ứng phó với dịch bệnh trong thời điểm hiện tại. Nhưng ở trên đảo thì có phần khó khăn hơn, vì chúng tôi ở xa đất liền".
Theo bà Gilmore, những chuyến phà là cầu nối duy nhất giữa những người dân trên đảo và đất liền để có được nguồn cung thực phẩm và dược phẩm cần thiết. Do đó, những người có ý định tới đảo này để tránh dịch bệnh, hay đơn thuần chỉ muốn có một nơi ở tạm thời, nên suy nghĩ về thực trạng "tài nguyên có hạn, nguồn lực có hạn" trên các đảo này trước khi đưa ra quyết định.