Số ca mắc Covid-19 trong ngày đạt 'kỷ lục', Hà Nội liệu có giãn cách diện rộng?

Hoàng Đan |

Số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong ngày hôm qua của Hà Nội ở mức "kỷ lục" từ khi dịch xuất hiện với 289 ca, còn trước đó, ngày 9/11 đã ghi nhận 222 ca.

Cơ quan chức năng phong tỏa tạm thời một khu vực xuất hiện F0 ở Hà Nội.

Cơ quan chức năng phong tỏa tạm thời một khu vực xuất hiện F0 ở Hà Nội.

Phong tỏa diện hẹp nhất

Ngày 15/11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 289 ca mắc Covid-19, trong đó có 47 ca tại cộng đồng, 178 ca tại khu cách ly và 64 ca tại khu phong tỏa.

Đây được coi là ngày có số lượng ca dương tính được phát hiện cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hà Nội. Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận số ca mắc lên tới 222 ca, với 105 ca cộng đồng vào ngày 9/11.

Trong 8 ngày qua (từ 8/11 đến 15/11), số lượng ca dương tính phát hiện mới trên địa bàn Hà Nội luôn ở mức 3 con số. Điều này, đặt ra một câu hỏi, liệu Hà Nội có tiến hành giãn cách trên diện rộng để phòng, chống dịch Covid-19 không?

Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhấn mạnh, thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch.

Số ca mắc Covid-19 trong ngày đạt kỷ lục, Hà Nội liệu có giãn cách diện rộng? - Ảnh 1.

Ổ dịch tại 'câu lạc bộ cà phê' ở Quốc Oai hiện đã ghi nhận 33 ca mắc Covid-19.

Cụ thể, theo đại diện CDC Hà Nội, thành phố sẽ không tiến hành giãn cách theo chỉ thị 15, 16 hay 19 mà sẽ chỉ thực hiện phong tỏa diện hẹp nhất, an toàn nhất đối với các khu vực có bệnh nhân cũng như liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 được phát hiện.

"Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy", đại diện CDC Hà Nội nhấn mạnh.

Đại diện CDC Hà Nội cũng chỉ rõ, việc số ca mắc gia tăng và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp, không rõ nguồn lây, không triệu chứng có một phần liên quan tới việc tập trung đông người.

"Nguyên nhân là do sự đi lại, giao lưu của người dân sau khi được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin", đại diện CDC Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.

Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.

PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, với quy mô lây nhiễm như hiện nay, Hà Nội sẽ không tái sử dụng các Chỉ thị 15, 16 hay 19 về việc giãn cách, phong tỏa như trước kia, mà xuất hiện ổ dịch ở đâu sẽ phong tỏa, cách ly ở đó.

Ông nói, thành phố vẫn phải tiếp tục các biện pháp truy vết, phong toả, xét nghiệm thường xuyên, nhưng phong toả nhỏ nhất để không ảnh hưởng an sinh, xã hội, ảnh hưởng kinh tế người dân.

Cách ly F1 tại nhà, lập trạm y tế lưu động

Đối với việc cách ly F1 tại nhà, hiện tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện. Trong đó, Nam Từ Liêm, Hà Đông hay ở Quốc Oai đã cho các trường hợp F1 theo quy định của Bộ Y tế được cách ly tại nhà để đảm bảo phòng, chống dịch.

Theo đại diện CDC Hà Nội, Bộ Y tế và Hà Nội đã có hướng dẫn cho phép các F1 thuộc 4 nhóm đối tượng bao gồm: người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai đồng thời đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khu vực cách ly được cách ly tại nhà.

Một số điều kiện với F1 cách ly tại nhà có thể kể đến như: có phòng riêng để thực hiện cách ly, có nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định.

Các F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kỳ. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã đồng ý cho 12 khách sạn cách ly tập trung bổ sung đối tượng cách ly tập trung là người tiếp xúc gần (F1) tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả phí.

Cụ thể, ở quận Hoàn Kiếm có 6 khách sạn được cho F1 cách ly trả phí, quận Ba Đình có 2 khách sạn, quận Hà Đông có 1 khách sạn và huyện Sóc Sơn có 3 khách sạn. Thời gian thực hiện sẽ từ ngày 15/11.

Cùng với đó, thành phố đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc thành phố mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh là điều đã được dự báo.

Người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện “tiêm vắc xin + 5K” để bảo đảm chung sống an toàn với dịch.

Hà Nội hiện có 11 'ổ dịch" phức tạp tại các địa bàn quận, huyện. Trong đó, ổ dịch tại chợ Ninh Hiệp đã có 252 ca mắc, ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng có 241 ca, ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm 183 ca, ổ dịch Sài Sơn, Quốc Oai 164 ca...

Ngoài ra, số lượng ca mắc từ việc sàng lọc ho sốt cũng như trở về từ các tỉnh, thành có dịch và ca thứ phát của chùm này đang ở mức cao.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 6.331 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca, số mắc là người đã được cách ly 4.013 ca.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại