Skipjack - Sự tự hào của Mỹ và vụ mất tích bí ẩn khi theo dõi tàu ngầm Liên Xô

QS |

Tàu ngầm Skipjack là sự kết hợp hoàn hảo của 2 đột phá công nghệ - thiết kế thân tàu hình giọt nước và lò phản ứng hạt nhân.

Đột phá công nghệ...

Skipjack được cho là lớp tàu ngầm hiện đại đúng nghĩa đầu tiên của Hải quân Mỹ sau chiến tranh. Kết hợp 2 đột phá mới - thiết kế thân tàu tốc độ cao và năng lượng hạt nhân - những con tàu này đã trở thành nền tảng cho các tàu ngầm tương lai của Mỹ sau này.

Hải quân Mỹ chính thức bước vào Kỷ nguyên hạt nhân ngày 30/9/1954. Đó là ngày USS Nautilus, chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên do Mỹ chế tạo, được đưa vào biên chế.

Trang bị lò phản ứng hạt nhân S2W, Nautilus có phạm vi tấn công không giới hạn. Con tàu là một thành công về công nghệ, báo hiệu thời kỳ mới trong lĩnh vực tác chiến dưới lòng biển.

Skipjack - Sự tự hào của Mỹ và vụ mất tích bí ẩn khi theo dõi tàu ngầm Liên Xô - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS Skipjack. Ảnh: Wiki

Mặc dù thành công nhưng Nautilus chỉ đóng vai trò là tàu ý tưởng. Skipjack, với lò phản ứng hạt nhân cải tiến S5W, mới là mẫu tàu được Mỹ trang bị với số lượng lớn.

S5W, với công suất 15.000 mã lực, đã trở thành mẫu lò phản ứng tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ cho tới khi S6G (trang bị trên tàu ngầm lớp Los Angeles) ra đời. Mẫu lò phản ứng này cũng được Mỹ cung cấp cho Anh để lắp đặt trên tàu HMS Dreadnought (tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Anh).

Tuy nhiên, lò phản ứng hạt nhân không phải là điểm ưu việt duy nhất của tàu ngầm lớp Skipjack.

Mặc dù trước đó, Hải quân Mỹ đã đưa vào trang bị các tàu ngầm lớp Skate nhưng chúng được chế tạo theo thiết kế truyền thống, giống với các tàu ngầm cuối thời kỳ chiến tranh. Vì vậy, tốc độ của chúng bị giới hạn tối đa 20 hải lý. Hải quân Mỹ cảm thấy họ cần có một thân tàu mới, có thể khai thác triệt để sức mạnh của lò phản ứng hạt nhân.

Tới năm 1953, Hải quân Mỹ chế tạo một mẫu tàu ngầm diesel-điện mới, USS Albacore, dùng để nghiên cứu thử nghiệm. Albacore có thân tàu hình giọt nước - sáng kiến của Đô đốc huyền thoại Charles "Swede" Momsen. Thiết kế phi đối xứng này đã phá vỡ hoàn toàn thiết kế truyền thống hình điếu xì gà của tàu ngầm Mỹ trước đây.

Trong khi Nautilus chú trọng tới khả năng vận hành bằng năng lượng hạt nhân thì Albacore thiên về tốc độ và sự nhanh nhạy. Nó có thể di chuyển với tốc độ 26 hải lý/h, thậm chí đạt tới 30 hải lý/h và còn có thể rẽ ngoặt rất nhanh, với tốc độ 3,2 độ trên giây, thay vì 2,7 độ trên giây như các tàu ngầm thông thường trước đó.

Và rồi, hai đột phá này - thân tàu hình giọt nước và lò phản ứng hạt nhân - đã được kết hợp lại một cách hoàn hảo trong các tàu ngầm lớp Skipjack.

Ngoài hệ thống cảm biến tinh vi, Skipjack còn được vũ trang khá tốt, với 6 ống phóng ngư lôi Mk.59, có thể triển khai ngư lôi chống tàu Mark 16 hoặc ngư lôi chống ngầm Mark 37. Về sau, 2 loại ngư lôi này được thay thế bằng mẫu Mark 48.

Bên cạnh đó, Skipjack còn có thể phóng ngư lôi hạt nhân chống ngầm Mark 45 ASTOR, với đầu đạn hạt nhân 7 kiloton và tầm bắn khoảng 12km.

Mặc dù Skipjack nhìn chung được đánh giá là thành công nhưng tốc độ phát triển vũ khí nhanh chóng thời Chiến tranh Lạnh đã khiến Mỹ phải chuẩn bị sẵn phương án thay thế chúng.

Thresher - lớp tàu ngầm kế tiếp vẫn trang bị lò phản ứng hạt nhân và giữ nguyên thiết kế thân tàu hình giọt nước như người tiền nhiệm nhưng chúng có kích cỡ lớn hơn, nặng nề hơn và chậm chạp hơn.

Thân tàu của lớp Skipjack sau này trở thành nền tảng cho hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp George Washington của Mỹ. Mỗi chiếc tàu lớp này có thể mang theo 16 tên lửa Polaris A1, mỗi tên lửa có 3 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 200 kiloton và có tầm bắn 2.500 hải lý.

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, Skipjack là minh chứng điển hình cho thấy những công nghệ đột phá mới có thể kết hợp với nhau để cho ra đời một loại vũ khí với những tính năng ưu việt. Sự thành công của thiết kế này không chỉ đưa nó trở thành nền tảng cho các tàu ngầm tương lai của Mỹ mà còn tại nhiều nơi khác trên thế giới.

... và vụ mất tích bí ẩn

Tổng cộng 6 chiếc tàu ngầm lớp Skipjack đã được chế tạo, bao gồm Skipjack, Scamp, Scorpion, Sculpin, Shark và Snook. Trong đó chiếc Scorpion đã mất tích bí ẩn vào năm 1968.

Theo các tài liệu ghi lại, tháng 5/1968, tàu ngầm Scorpion nhận lệnh quay trở lại căn cứ tại Norfolk sau 3 tháng hoạt động tại Địa Trung Hải cùng Hạm đội 6.

Khoảng nửa đêm ngày 17/5/1968, con tàu nổi lên mặt nước tại căn cứ tàu ngầm Mỹ ở Rota, Tây Ban Nha để đưa 2 thành viên lên đất liền vì lý do sức khỏe và gia đình có việc gấp. Đây cũng là lần cuối người ta nhìn thấy nó.

Skipjack - Sự tự hào của Mỹ và vụ mất tích bí ẩn khi theo dõi tàu ngầm Liên Xô - Ảnh 2.

Tàu ngầm USS Scorpion ngoài khơi New London, Connecticut. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tới ngày 20/5, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương ra lệnh cho tàu Scorpion, vốn đang chuẩn bị về căn cứ, chuyển hướng theo dõi đội tàu Liên Xô gần quần đảo Canary, ngoài khơi phía tây bắc châu Phi.

Đội tàu này bao gồm 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Echo-II, tàu cứu hộ tàu ngầm, 2 tàu khảo sát thủy văn, 1 tàu khu trục và 1 tàu chở dầu. Chúng được cho là đang đo đạc, theo dõi dấu hiệu của các tàu mặt nước và tàu ngầm NATO.

Một ngày sau đó, tàu Scorpion báo cáo qua radio, thông báo vị trí, dự kiến trở về Norfolk vào ngày 27/5. Bản báo cáo nói không phát hiện điều gì bất thường.

Tuy nhiên, con tàu đã không bao giờ trở về nữa. Thiết bị do thám dưới nước của Hải quân Mỹ, vốn được sử dụng để phát hiện tàu ngầm Liên Xô, đã phát hiện ra tiếng nổ lớn dưới biển.

Hơn 5 tháng sau, xác tàu ngầm Scorpion được tìm thấy dưới đáy Đại Tây Dương, nằm sâu dưới mặt nước tới 3.000 mét. Toàn bộ 99 thủy thủ trên tàu đều thiệt mạng.

Có 2 giả thuyết về nguyên nhân tàu ngầm Scorpion gặp nạn được đưa ra, nhưng đều thiếu bằng chứng xác thực.

Một là, ngư lôi Mark 37 trên tàu đã vô tình bị kích hoạt khi vẫn đang nằm trong ống phóng, biến con tàu trở thành nạn nhân của vụ nổ.

Giả thuyết này được đại đa số chấp nhận vì khi đó tàu Scorpion được cho là đang di chuyển ngược chiều 180 độ để kích hoạt chế độ an toàn, làm nguội lại ngư lôi trong ống phóng.

Thứ hai, tàu ngầm Scorpion có thể đã đụng độ với tàu ngầm Liên Xô và bị đánh chìm. Năm 1968, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, là thời điểm có nhiều tàu ngầm gặp nạn nhất. Ngoài tàu ngầm Mỹ, còn có tàu ngầm Dakar Israel, tàu ngầm Pháp Minerve và tàu ngầm Liên Xô K-129.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào lý giải được vì sao lực lượng Liên Xô chỉ với 1 tàu ngầm và tàu khu trục lại dễ dàng đánh chìm tàu ngầm Scorpion như vậy.

Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục nhất cho thảm kịch tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại