Sinh vật lạ phun nọc như nhả tơ
Theo những hình ảnh trong video, sinh vật lạ này đang bò trên tay của một người đàn ông. Bất ngờ hơn, khi anh ta chạm vào phần đầu của con vật này thì nó lại phun ra một chất kỳ lạ như đang nhả tơ. Chất nhầy này có màu trắng sữa, khi chạm vào tay người thì tản ra bám như rễ cây.
Sinh vật lạ bò trên tay người phun nọc như nhả tơ. (Nguồn: Tiktok)
Chỉ sau một ngày đăng tải, đoạn video về loài sinh vật lạ này đã thu hút hàng triệu lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận. Hầu hết các cư dân mạng đều hoang mang khi chứng kiến cảnh loài vật này nhả tơ. Một số người cho rằng con vật này đang phun ra nọc độc, có ý kiến lại cho rằng nó đang nhả tơ. Rất nhiều người tò mò muốn biết sinh vật lạ này thực chất là gì?
Giải mã sinh vật lạ
Theo trang Earth Touch News, loài sinh vật này là giun ruy băng (có tên khoa học là Nemertea). Giun ruy băng thuộc ngành động vật không xương sống. Ngoài ra, nó còn được biết đến dưới các tên gọi như Nemertini, Nemertinea và Rhynchocoela. Theo các tài liệu khoa học ghi chép được, có khoảng tổng cộng 1.149 loài giun ruy băng khác nhau được mô tả và chia vào 250 chi.
Hóa ra sinh vật lạ trong đoạn video kể trên là loài giun ruy băng. (Ảnh: Dailymail)
Những con giun ruy băng thường kích thước khá nhỏ, chiều dài không tới 20 cm, tuy nhiên, từng có cá thể được ghi nhận có chiều dài lên tới 54 m. Cơ thể của chúng thường rất nhớt.
Phần lớn các loài giun ruy băng được tìm thấy ở đáy đại dương, nhưng một số loài khác lại sống ở nước ngọt và trên cạn. Sinh vật lạ này thường phun ra chất nhầy màu trắng như rễ cây để bắt gọn con mồi. Mặc dù nhìn bề ngoài trông chất nhầy này khá kinh dị nhưng nó hoàn toàn không có độc.
Giun ruy băng phun chất nhầy để bắt mồi. (Ảnh: Dailymail)
Tại Việt Nam, loài vật này còn được biết đến với cái tên hà su, trùng bẹ. Chúng thường được dùng làm mồi để câu cá biển.
Lần đầu tiên loài giun ruy băng được ghi nhận là vào năm 1555 do Olaus Magnus mô tả. Olaus Magnus viết về một loại giun biển dài 17,76 mét, chiều rộng bằng chiều rộng cánh tay trẻ con, và khi chạm vào thì làm tay sưng lên. William Borlase vào năm 1758 có viết về một "giun biển dài", và vào năm 1770, Gunnerus mô tả chính thức sinh vật lạ này dưới tên Ascaris longissima. Vào năm 1806, Sowerby đã đặt danh pháp chính thức cho sinh vật lạ này là Lineus longissimus.