Vào năm 2018, các nhà khoa học Nga đã phát hiện trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia lơ lửng những sinh vật lạ. Tại thời điểm đó họ không rõ chúng là loại động vật gì và thời gian chúng bị mắc kẹt trong băng.
Và mới đây dựa vào giải mã trình tự gen, các nhà khoa học tại Đại học Cologne (Đức) đã phát hiện đây là một loài giun tròn hoàn toàn mới, thứ từng sống cách đây 46.000 năm. Điều đó có nghĩa là chúng sống cùng thời với Neanderthal, voi ma mút và hổ răng kiếm.
Không chỉ vậy, những con giun có chiều dài chưa đến 1 milimet đã được rã đông và sống lại trong đĩa petri (đĩa thí nghiệm) chứa đầy chất dinh dưỡng. Sau một vài tuần trong đĩa, chúng đã bắt đầu di chuyển và ăn.
Giun tròn Panagrolaimus được hồi sinh sau 46.000 năm trong băng vĩnh cửu.
Mặc dù những con giun này chết sau vài tháng, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết chúng đã sinh sản các thế hệ sau trong phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Phillip Schiffer, Trưởng phòng thí nghiệm giun tại Đại học Cologne lưu ý:
"Giun tròn Panagrolaimus thường sống từ 20 đến 60 ngày. Và những con giun này gần như có thể sinh sản ngay lập tức và chúng tôi đã nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm. Vì vậy có thể nói loài giun này đã hồi sinh và chúng tôi đang tiến hành các thí nghiệm về chúng".
Giun tròn là một trong số những sinh vật được biết đến với khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt bằng cách chuyển sang trạng thái ngủ đông gọi là cryptobiosis.
Trước đây, kỷ lục lâu nhất được biết đối với giun tròn ở trong cryptobiosis là 25,5 năm ở Bắc Cực. Tuy nhiên, những con giun Panagrolaimus 46.000 năm tuổi nói trên đã không những phá kỷ lục của loài giun tròn mà còn của Luân trùng Bdelloid, một động vật không xương sống siêu nhỏ được tìm thấy ở Bắc Cực vào năm 2021 và đã được hồi sinh sau 24.000 năm.
Mặc dù các nhà khoa học đã hồi sinh vi khuẩn đơn bào và vi khuẩn có niên đại 250 triệu năm, nhưng cho đến nay giun tròn Panagrolaimus được cho là sinh vật đa bào lâu đời nhất từng được hồi sinh.
Chúng đã phá kỷ lục của một sinh vật đa bào khác là Luân trùng Bdelloid được hồi sinh sau 24.000 năm.
Việc một số loài sinh vật cổ xưa được hồi sinh trong những năm gần đây không chỉ cho thấy sự sống có thể chuyển sang "chế độ chờ" khi vấp phải những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất mà còn mang lại hi vọng rằng chúng có thể được tìm thấy ở các hành tinh chưa phát hiện sự sống như Sao Hỏa.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu khiến các sông băng và băng vĩnh cửu tan chảy có thể dẫn đến việc hồi sinh các sinh vật "du hành thời gian", giải phóng những virus và vi khuẩn cổ đại đe dọa sức khỏe con người.
Về nguy cơ này, trung tâm phân tích JRC của EC (Ủy ban châu Âu) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng điều gì sẽ xảy ra nếu các virus và vi khuẩn cổ đại được tung vào thế giới hiện đại.
Kết quả mô phỏng cho thấy có 1% nguy cơ các mầm bệnh cổ xưa này tồn tại và quét sạch 1/3 các loài động vật.