Sinh vật dễ thương giống Pikachu đang dần biến mất vì lý do không ai ngờ tới

Hoa Hướng Dương |

Loài sinh vật dễ thương được ví với Pikachu có lẽ sẽ biến mất vì chính biến đổi khí hậu trong tương lai không xa.

Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho loài thỏ được mệnh danh là Pikachu sống (Pikachu là tên của một loại Pokemon nổi tiếng) hay American pika (chuột Pikachu Mỹ) đứng trước bờ vực nguy hiểm ở Sierra Nevadas, California.

Đó là lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu sau khi khảo sát khu vực này từ năm 2011 đến 2016. Không dừng lại ở việc suy giảm số lượng nghiêm trọng, giờ đây dấu hiệu về sự tồn tại của loài này cũng đang dần biến mất.

Loài gặm nhấm nhỏ bé này chính là thỏ cộc (Ochotona princeps) thường ăn các loại hoa dại ở Sierra Nevadas, chúng tiến hóa và thích nghi với cuộc sống ở các vùng núi cao (từ 2.500 đến 4.000 m) khắc nghiệt, ở nơi có nhiệt độ lạnh giá.

Nhưng giờ đây, các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang đánh mất đi môi trường sống của chúng!

Sinh vật dễ thương giống Pikachu đang dần biến mất vì lý do không ai ngờ tới - Ảnh 1.

Một chú thỏ cộc. Ảnh Alison Henry.

Trong suốt 6 năm nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rằng thỏ cộc gần như tuyệt chủng và chỉ trong thời gian không xa, hình ảnh nổi tiếng và quen thuộc về một loài vật đáng yêu thường xuất hiện trên các tảng đá với một bó hoa ngậm trong miệng sẽ chỉ là quá khứ.

Đồng tác giả nghiên cứu David Wright của Ủy ban California về Cá và Động vật Hoang dã cảnh báo.

Thỏ cộc Mỹ là loài gặm nhấm có quan hệ họ hàng với thỏ đồng, có tai tròn và ngắn, thường được tìm thấy ở các vùng núi Bắc Mỹ như British Columbia, Alberta, Oregon, Washington, Idaho, Montana, Wyoming, Colorado, Utah, Nevada, California cũng như New Mexico.

Chân sau của thỏ cộc khá ngắn chứ không phát triển như các loài thỏ khác, nhưng mũi thì phát triển rất to, đuôi ngắn, thân hình gần như tròn được phủ lớp lông màu nâu hoặc hơi đỏ, mềm mại.

Với kích thước chưa tới 21 cm và chỉ nặng 180 gram, loài thỏ cộc là một trong những loài thỏ nhỏ bé nhất, thường hoạt động vào sáng sớm và biến mất khi trời tối.

Không ngủ đông như nhiều động vật gặm nhấm khác (ví dụ: sóc), thỏ cộc vẫn hoạt động ngay cả trong những ngày lạnh giá nhất nhờ lớp lông dày.

Nhưng thỏ cộc rất nhút nhát nên rất khó để phát hiện vì chúng thường lẩn trốn giữa các tảng đá để tránh các loài thú ăn thịt như đại bàng, diều hâu, gấu, sói, chồn Ermine và cả con người.

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Joseph Stewart của Đại học California, Santa Cruz cho biết:

" Sự biến mất của loài Pika trong một khu vực lớn cũng như tiếng vọng của các loài vật đã tuyệt chủng thời tiền sử khi nhiệt độ tăng lên kể từ cuối kỷ Băng hà. Lần này, chúng tôi nhận thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xảy ra mỗi thập kỷ thay vì mỗi thiên niên kỷ".

Trong nghiên cứu, nhóm các chuyên gia đã khảo sát sự tồn tại của loài thỏ cộc từ khu vực Bắc Lake Tahoe (2011 - 2016) nhằm tìm kiếm dấu vết tồn tại của chúng nhưng dấu hiệu này càng yếu đi:

"Khi nhiệt độ quá nóng, những phân vùng có độ cao thấp cũng trở nên quá nóng với loài thỏ cộc, chúng bị giới hạn môi trường sống và phải di chuyển lên đỉnh núi cao, sau đó thì phần đỉnh núi cũng trở nên nóng không kém. Loài thỏ cộc đang biến mất một cách rõ rệt".

Giống như Pikachu, chúng không chỉ có ngoại hình khá giống mà cũng thông minh không kém loài Pokemon này khi biết cách phơi cỏ cho khô ráo rồi mang vào hang để dữ trữ được lâu hơn cho mùa đông giá lạnh.

Nếu nhìn vào hình dáng bên ngoài thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ thỏ cộc là một loài chuột hơn là thỏ, nhưng không may là thỏ cộc không đẻ nhiều như chuột mà chỉ đẻ 2 lần/năm và mỗi lứa đẻ từ 2 đến 4 con và con non phải mất 2 năm mới có thể đẻ lứa đầu tiên.

Điều này càng khiến số lượng của loài này giảm sút nghiêm trọng thời gian gần đây, khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện sự tác động rõ ràng hơn bao giờ hết.

Đồng tác giả nghiên cứu, một nhà khoa học về carbon phóng xạ Katherine Heckman tại Cục Kiểm lâm Mỹ còn cho rằng những cuộc thử nghiệm hạt nhân trước năm 1963 (sau khi lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân được đưa ra) đã làm tăng độ tập trung của carbon phóng xạ trong khí quyển.

Đây cũng là nguyên nhân góp phần tác động không nhỏ tới môi trường sống và sự tồn tại của thỏ cộc nói riêng và nhiều sinh vật khác nói chung.

Sinh vật dễ thương giống Pikachu đang dần biến mất vì lý do không ai ngờ tới - Ảnh 3.

Thỏ cộc với miệng đầy lá cây. Ảnh Chris Ray.

Theo nhóm nghiên cứu, vẫn có dấu hiệu tồn tại của thỏ cộc ở một số khu vực xung quanh như núi Rose hay Desolation Wilderness:

"Hy vọng của chúng tôi đơn giản là muốn nói ra cho mọi người biết rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến nhiều động vật hoang dã biến mất và con người phải cùng ngồi lại, góp phần đưa ra các chính sách nhằm chế ngự và đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu". Stewart cho hay.

"Vẫn có thời gian để ngăn chặn sự tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo đưa ra những hành động mạnh mẽ ngay bây giờ".

Người anh em chịu chung số phận với thỏ cộc

Sinh vật dễ thương giống Pikachu đang dần biến mất vì lý do không ai ngờ tới - Ảnh 4.

Loài thỏ Ili Pika. Ảnh Paradise.

Thỏ cộc còn có một người "anh em" cũng được mệnh danh là phiên bản Pikachu trong thực tế là loài thỏ Ili Pika, cả hai đều rất giống nhau vì đều thích sống ở vùng núi cao, thức ăn ưa thích hay tập tính, thói quen... và đáng buồn là chúng cũng đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng!

Được các nhà khoa học biết đến lần đầu tiên từ năm 1983 bởi nhà bảo tồn thiên nhiên Li Weidong, điểm khác nhau là loài Ili Pika sống ở Trung Quốc (khu vực dãy núi Thiên Sơn tại vùng Tân Cương) trong khi thỏ cộc sống ở Mỹ.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Live24news.xyz, Popsugar.com, Longroom.com.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại