Khám phá mới
Bên dưới làn nước trong xanh của bờ biển Việt Nam ẩn giấu một sinh vật "kỳ lạ". Loài vật này hầu như không được chú ý cho đến khi các nhà khoa học lặn biển xem xét kỹ hơn. Cuối cùng, họ kết luận đây là một loài sinh vật mới.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 16/6 trên Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Hàng hải, các nhà nghiên cứu đã khảo sát một số loài sinh vật biển ở Vịnh Hạ Long trong một loạt các chuyến lặn biển.
Khi các nhà khoa học nhìn xung quanh một khu vực "nửa sáng nửa tối", họ phát hiện ra một con bọt biển lớn. Đi xung quanh những tảng đá nông và rạn san hô, họ thu thập được tám con bọt biển cùng loại này.
Sau một thời gian quan sát kỹ lưỡng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loài bọt biển mới và đặt tên Cladocroce pansinii.
Nghiên cứu cho hay, bọt biển Cladocroce pansinii "nói chung là khá lớn" với hình dạng là hình ống. Sống trong khu vực vịnh được bảo vệ khỏi thời tiết khắc nghiệt, bọt biển đạt kích thước khoảng 20 cm. Hình dạng của chúng rất đa dạng nhưng hầu hết đều có màu "xanh nhạt".
Hình ảnh chụp lại đã cho thấy một số con bọt biển Cladocroce pansinii. Một con cao hơn với nhiều ống dày. Một con khác dài hơn với những nhánh gầy, gần giống như dạng cây leo. Con bọt biển thứ ba, hơi vàng, ngắn hơn và rộng hơn.
Bọt biển phát triển mạnh trong nhiều vùng khí hậu và đại dương, từ nhiệt đới đến vùng cực, và có thể tồn tại ở tất cả các vĩ độ. Chúng hiện diện từ khu vực bãi triều xuống đến vùng sâu nhất của biển, kể cả trong những hang động biển thiếu ánh sáng. Trên thế giới, có hơn 5.000 loài bọt biển tồn tại, với những hình dạng, màu sắc, kích thước, cấu trúc và tuổi đời khác nhau. Thời gian tồn tại của chúng có thể từ vài tháng đến hai mươi năm hoặc hơn.
Trong số những loại bọt biển được con người thu hoạch và sử dụng, chất lượng cao nhất của bọt biển phải kể đến đầu tiên là vùng biển nhiệt đới, đặc biệt là các vùng Địa Trung Hải, Aegean và Biển Đỏ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12 loài trong số 5.000 loài bọt biển được ứng dụng vào nhu cầu thương mại của con người.
Việc phát hiện ra loài bọt biển mới giúp bổ sung thêm "kho từ điển" về đa dạng sinh học của Việt Nam, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu thêm về các sinh vật biển vùng nhiệt đới.
Ý nghĩa của phát hiện
Các nhà nghiên cứu cho biết bọt biển Cladocroce pansinii được đặt theo tên của Maurizio Pansini để tôn vinh "đóng góp cơ bản của ông cho phân loại bọt biển".
Loài mới được xác định là khác biệt dựa trên hình dạng cơ thể và DNA của nó.
Sau khi xác định loài mới, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng một số mẫu vật bọt biển khác được tìm thấy ở Hawaii và Thái Lan trước đây đã bị xác định nhầm nhưng thực ra là bọt biển Cladocroce pansinii. Nghiên cứu cho biết những con bọt biển bị xác định nhầm này có màu "xanh nhạt, xám nhạt và tím".
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Marco Bertolino, Carlo Cerrano, Giorgio Bavestrello, Do Cong Thung, Laura Núñez-Pons, Francesca Rispo, Jana Efremova, Valerio Mazzella, Daisy Monica Makapedua và Barbara Calcinai.
Trong các cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra một loài bọt biển màu tím "xù xì" mới ở Indonesia, ghi lại lần đầu tiên người Indonesia nhìn thấy một loài bọt biển khác và có thêm một số mô tả cập nhật về vài loài bọt biển đã biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Công việc của chúng tôi giúp tăng cường kiến thức về sự phân bố của các loài dọc theo các điểm nóng mang tính biểu tượng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và truyền cảm hứng cho nghiên cứu về đa dạng sinh học biển".
Được biết, vịnh Hạ Long nằm dọc theo bờ biển phía Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 160 km về phía Đông.