Chính phủ Singapore buộc dân ra khách sạn cách ly
Chelsie Lee, du học sinh tại Anh mới trở về Singapore, đã chuẩn bị tinh thần để trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc tại nhà hoặc tại cơ sở tập trung. Thế nhưng, cô lại được đưa đến khách sạn 5 sao trên một hòn đảo nghỉ dưỡng để thực hiện cách ly.
Thức ăn hằng ngày trong thời gian Chelsie Lee bị cách ly. Ảnh: Bloomberg
Cô Lee như đang trải qua một kỳ nghỉ xa xỉ tại khu Shangri-la Rasa Sentosa Resort and Spa.
"Tôi có một chiếc giường cỡ lớn và dịch vụ ăn tại phòng với nhiều món hấp dẫn. Phòng tôi ở tầng 8 nên có thể nhìn ra biển và hồ bơi. Khá là tuyệt," Bloomberg dẫn thông tin từ du học sinh này.
Lee là một trong số rất nhiều người mới nhập cảnh vào quốc đảo và đang được cách ly theo phong cách riêng của Singapore, cách ly tại những phòng khách sạn trị giá hàng trăm USD, và chi phí do chính phủ nước này đài thọ.
Vào tuần trước, chính phủ Singapore yêu cầu các công dân trở về từ Anh hay Mỹ phải cách ly bắt buộc tại các khách sạn để tránh lây lan virus corona cho cộng đồng. Động thái phòng dịch này mạnh mẽ hơn biện pháp cách ly tại nhà trước đó.
Tính tới 28/3, Singapore có 802 ca nhiễm bệnh với hơn một nửa là ca từ nước ngoài. Trong thời gian gần đây, nước này ghi nhận số ca "ngoại nhập" tăng nhanh, trong đó các ca từng tới Anh và Mỹ chiếm phần lớn. Mỗi ngày, quốc đảo tiếp nhận khoảng 1.200 cư dân hồi hương từ các nước kể trên, theo Bộ trưởng Phát triển Lawrance Wong.
Để ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng, giới chức nước này hôm 24/3 phối hợp với các đơn vị khách sạn nhằm cung cấp nơi cách ly cho công dân trở về từ Mỹ và Anh. Những người đang cách ly tại nhà cũng có thể đăng ký để sử dụng dịch vụ hạng sang này, bao gồm đồ ăn tại phòng và dịch vụ giặt là có tính phí.
Theo một trang web bất động sản, chính quyền đặt hơn 7.500 phòng khách sạn hoặc căn hộ cho thuê cho công tác cách ly, bao gồm phòng nghỉ thuộc các chuỗi khách sạn xa xỉ bậc nhất như Hilton, Intercontinental hay Accor.
Phòng khách sạn nơi Chelsie Lee cách ly sau khi nhập cảnh vào Singapore. Ảnh: Bloomberg.
Giảm nhẹ gánh nặng cho các khách sạn
Theo Bloomberg, những người đang cách ly sẽ được nhân viên y tế gọi điện giám sát ít nhất 3 lần một ngày để đảm bảo họ tuân thủ quy trình và không rời nơi cư trú. Những cá nhân vi phạm lệnh cách ly có thể đối mặt với án tù lên tới 6 tháng và án phạt lên tới 10.000 SGD (khoảng 160 triệu VND).
Động thái này của chính phủ cũng là một biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp khách sạn trong thời điểm khó khăn. Đại dịch toàn cầu kéo theo hàng loạt chuyến bay quốc tế bị hủy, du khách bị hạn chế đi lại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho việc kinh doanh của các tập đoàn khách sạn.
Khi COVID-19 hoành hành tại Trung Quốc và khu vực châu Á, Singapore từng ước tính lượng du khách sẽ giảm 25-30%. Giờ đây viễn cảnh càng trở nên bi đát hơn khi quốc đảo áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt và nhiều nước trên thế giới đang phong toả.
Đứng trước nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế, Singapore hôm 26/3 đã tung ra gói hỗ trợ trị giá 11% GDP , bao gồm nhiều giải pháp kích thích kinh tế như miễn thuế bất động sản cho khách sạn, cửa hàng.
Phát biểu về biện pháp cách ly của Singapore, cô Lee thấy rất "ấn tượng" về cách quốc đảo đối đãi du học sinh về nước trong khi những người bạn của cô tại Hong Kong hay Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rồi để trở về nhà.
Yongchang Chin, một du học sinh trở về Singapore từ Đại học Oxford và cách ly tại cùng khách sạn với Lee, cho biết anh vui mừng và ngỡ ngàng khi được thông báo rằng sẽ cách ly 14 ngày trong một khách sạn.
Hiệp hội khách sạn Singapore không thể xác định có bao nhiêu khách sạn tham gia tiếp nhận những người hồi hương. Lời kêu gọi đã được gửi đến toàn bộ khách sạn thành viên của Hiệp hội.
"Chúng tôi chưa có bất kỳ dấu hiệu phản hồi nào từ các khách sạn," Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Hiệp hội hôm 28/3. "Các khách sạn có thể lựa chọn đưa ra quyết định thương mại này căn cứ theo đánh giá của họ. Biện pháp mới chắc chắn sẽ giúp giảm bớt sức ép tài chính lên các khách sạn hiện nay, khi nhu cầu du lịch không còn tồn tại."