Ngày 15/9, BIDV Quy Nhơn thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản lần 2 đối với chiếc siêu xe Rolls-Royce mang biển số 30F-187.88. Được biết, đây là chiếc siêu xe mạ vàng có tên Rolls-Royce Ghost, được sản xuất tại Anh năm 2011, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2013 và đăng ký biển số vào giữa năm 2018.
Trước khi bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC là người thường xuyên sử dụng siêu xe này.
Theo thông tin trên báo chí, chiếc xe Rolls-Royce trên được ông Trịnh Văn Quyết mua với giá 50 tỷ đồng. Người bán là ông Đoàn Hiếu Minh, người đầu tiên bán Rolls-Royce tại Việt Nam. Sau thời gian 7 năm bán xe sang Rolls-Royce, ông Đoàn Hiếu Minh đã quyết định dừng lại vào tháng 10/2020 vì lý do "hết khách".
Tuy nhiên, trong Thông báo thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ vay tại Hà Nội vào ngày 10/8/2022 của BIDV, chiếc xe Rolls-Royce mang biển số 30F-187.88 là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros. Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes (Tên cũ: Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền và Sân Golf FLC Biscom) là bên bảo đảm cho khoản vay.
Bên cạnh hợp đồng tín dụng ký giữa FLC Faros và BIDV Quy Nhơn, còn có Hợp đồng thế chấp tài sản và Hợp đồng uỷ quyền tài sản cùng mang số 01/2018/6241578 ngày 20/06/2018 giữa FLC Homes và BIDV Quy Nhơn.
Theo thông tin từ Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm - Bộ Tư Pháp, siêu xe trên do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes (Tên cũ: Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền và Sân Golf FLC Biscom) thế chấp cho ngân hàng.
Theo thông tin từ trang Infonet, khi liên hệ với cán bộ phụ trách xử lý tài sản đảm bảo tại BIDV Quy Nhơn, người này cho hay 'thông tin ông Trịnh Văn Quyết là chủ sở hữu chiếc xe ô tô con 5 chỗ hiệu Roll Royce mang BKS 30F-187.88 đang được ngân hàng làm thủ tục bán đấu giá là không chính xác'.
Với các văn bản từ ngân hàng và Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, bên sở hữu chiếc siêu xe có thể là FLC Homes.
Khoản vay của FLC Faros đã phát sinh nợ quá hạn từ ngày 21/02/2022 tại BIDV Quy Nhơn với tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 09/8/2022 là gần 186 tỷ đồng (trong đó nợ gốc: 177 tỷ đồng, lãi + phí chậm trả: gần 9 tỷ đồng).
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã nhiều lần thông báo nợ quá hạn, tuy nhiên bên vay và bên bảo đảm vẫn không tự nguyện trả nợ ngân hàng.
Vì vậy, ngày 10/8 vừa qua, BIDV thông báo tới bên bảo đảm (FLC Homes) về việc tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi cho khoản nợ của bên vay (FLC Faros) tại BIDV. Địa điểm thu giữ tại 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Đây cũng là trụ sở của Tập đoàn FLC và Bambo Airways.
Theo quy trình xử lý tài sản đảm bảo, sau khi thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ sử dụng kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá, từ đó có căn cứ xác định giá khởi điểm cho phiên đấu giá.
Chi phí thuê cơ quan, tổ chức định giá được tính vào chi phí xử lý tài sản bảo đảm. Tổ chức bán đấu giá sẽ do BIDV Quy Nhơn chỉ định sau khi được lựa chọn.