Siêu vũ khí laser của Nga thời Chiến tranh Lạnh

Tuấn Sơn |

Trong bài viết mới đăng trên The National Interest, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định, sau hơn 50 năm nghiên cứu, cuối cùng Quân đội Mỹ sắp có thể cung cấp vũ khí laser cho lực lượng vũ trang để chống lại các loại tên lửa, máy bay không người lái.

Trong khi đó, Nga, cụ thể là Liên Xô trước đây đã đưa tia laser vào trong ứng dụng quân sự từ khá sớm và đã sở hữu các siêu vũ khí loại này…

Hệ thống vũ khí laser cố định

Liên Xô bắt đầu tiến hành các thử nghiệm với vũ khí laser trong giai đoạn những năm 50-60. Những vũ khí sử dụng công nghệ laser đầu tiên của Liên Xô xuất hiện vào những năm 70 là hệ thống vũ khí cố định trên mặt đất mang tên Terra-3 và Omega. 

Hệ thống vũ khí Terra-3 gồm có hai thiết bị khác nhau, được lắp đặt tại khu thử nghiệm Sary Shagan ở Kazakhstan: Một loại phát ra tia laser ruby ​​nhìn thấy được còn một loại là tia laser carbon dioxide mà mắt thường không nhìn thấy được. Terra-3 được phát triển vào những năm 60 với nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo. 

Nhưng đến năm 1972, Liên Xô ký Hiệp ước cấm phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Do vậy, Terra-3 đã được định hướng lại, tập trung vào việc chống lại các vệ tinh quay quanh quỹ đạo và tỏ ra kém hiệu quả do hệ thống định vị không chính xác. 

Tuy nhiên, việc hệ thống Terra-3 của Liên Xô ra đời đã buộc Lầu Năm góc nhìn nhận về ưu thế tiềm năng của Liên Xô trong lĩnh vực chế tạo vũ khí laser.

Ngoài ra, song song với việc phát triển Terra-3, Liên Xô còn tạo ra hệ thống vũ khí dùng công nghệ laser mang tên Omega để tấn công máy bay và tên lửa. Hệ thống Omega-1 và Omega-2 đã chứng minh khả năng bắn trúng mục tiêu, tuy nhiên chúng được đánh giá là vẫn thiếu năng lượng và chưa đủ lực công phá cần thiết. 

Dù vậy, hệ thống Omega đã trở thành nền tảng cơ bản để Nga phát triển các hệ thống phòng không trên mặt đất.

Siêu vũ khí laser của Nga thời Chiến tranh Lạnh - Ảnh 1.

Súng bắn tia laser dành co các nhà du hành vũ trụ. Nguồn: ria.ru.

Súng bắn tia laser

Năm 1984, các nhà khoa học Liên Xô đã sáng chế ra khẩu súng ngắn bắn tia laser để cấp cho các phi hành gia. Khẩu súng laser này được dùng để để vô hiệu các thiết bị quang học trên vệ tinh phương Tây và làm chói mắt các phi hành gia của bên đối địch mà không hề gây ảnh hưởng đến vỏ tàu vũ trụ. 

Tuy nhiên, những khẩu súng laser này có lực sát thương rất nhỏ và có tầm bắn chỉ 20 m. Dự án đã được ngừng lại ở giai đoạn tạo mẫu, và do đó phi hành gia Liên Xô đã buộc phải dùng khẩu súng 3 nòng TP-82. 

Súng TP-82 có thiết kế giống như một thứ vũ khí của tương lai, được phát triển nhằm phục vụ chương trình vũ trụ của Liên Xô. Nó có ba nòng cùng với một lưỡi dao gắn kèm nhằm giúp các phi hành gia tự bảo vệ mình trong vũ trụ.

Xe tăng phóng tia laser

Trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cố gắng để hiện thực hóa những ý tưởng trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, bao gồm một số loại vũ khí được các nhà làm phim sử dụng nhưng trên thực tế vẫn chưa xuất hiện trong bất kỳ đội quân nào. Tiêu biểu là xe tăng laser.

Siêu vũ khí laser của Nga thời Chiến tranh Lạnh - Ảnh 2.

Xe tăng phóng tia laser 1K17 Szhatie. Nguồn: inosmi.ru.

Xe tăng phóng tia laser ban đầu là 1K11 Stilet sử dụng tia laser có tầm bắn từ 5 đến 7 km. Sau đó, Liên Xô đã thay thế 1K11 Stilet bằng một xe tăng hạng nặng mang tên Szhatie. Đến năm 1992, Szhatie bị ngừng hoạt động. 

1K17 Szhatie là xe tăng phóng tia laser do Liên Xô phát triển nhằm để vô hiệu hệ thống ngắm mục tiêu trên xe tăng của NATO. Szhatie tạo ra chùm tia laser thông qua một khối hồng ngọc nhân tạo nặng 30 kg. 

Các ống kính phản xạ đặt ở cuối một ống bạc xoắn giúp khuếch đại chùm tia và tăng khả năng hội tụ. Năng lượng cho chùm laser được cung cấp bởi một máy phát công suất lớn và hệ thống pin dự phòng. 

Bên cạnh đó, xe còn được trang bị một súng máy cỡ nòng 12,7 mm để tự vệ trước bộ binh và máy bay đối phương. Mỗi ống kính phát ra tia laser ở tần số khác nhau và sử dụng hệ thống điều khiển riêng, khiến đối phương không có khả năng ngăn chặn toàn bộ chùm tia.

Xe tăng phóng tia laser thứ ba của Liên Xô chính là hệ thống Sangvin được lắp trên khung gầm pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka. Các thử nghiệm vào năm 1983 cho thấy Sangvin có thể phá huỷ hệ thống điện tử của máy bay và trực thăng trong khoảng cách từ 8 đến 10 km.

Máy bay tích hợp vũ khí laser

Beriev A-60 là một loại máy bay thử nghiệm laser trên không của Liên Xô, được chế tạo dựa trên loại máy bay vận tải Il-76MD. Những kết quả đạt được trong quá trình thử nghiệm được giữ rất kín. 

Chỉ có 2 chiếc A-60 được chế tạo, một trong số đó đã bốc cháy vào năm 1989 ở sân bay. Chiếc thứ hai, là phiên bản đã nâng cấp được hoàn thành vào năm 1991 với hệ thống laser mới mang tên 1LK222. A-60 đã phát huy khả năng của mình khi đã vô hiệu hóa một vệ tinh của Nhật Bản trong một cuộc thử nghiệm vào năm 2009.

Chương trình A-60 này có nhiều điểm tương đồng với dự án máy bay được trang bị hệ thống laser trên không YAL-1 của Mỹ. 

Trong những năm 2000, Lầu Năm góc đã chi 5 tỷ USD vào việc phát triển dự án gắn thiết bị phóng tia laser công suất 1 megawatt cho một máy bay dân sự được cải tiến đặc biệt nhằm phát triển vũ khí trên không có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang di chuyển. 

Chương trình này mang tên Dự án thử nghiệm laser trên không Boeing YAL-1, với trọng tâm là một chiếc Boeing-747 trang bị thêm bộ phận hình bầu dục có thể bắn chùm tia laser hóa học iodine oxy gắn ở mũi máy bay. 

Nhưng sau đó, Lầu Năm góc đã nhận ra những điểm yếu lớn của vũ khí này là chi phí quá cao và khả năng áp dụng trong thực tiễn quá thấp nên chương trình này đã bị hủy bỏ vào năm 2011.

Ngày nay dù cho súng laser không có khả năng được tung ra trong cuộc xung đột trên Trạm vũ trụ quốc tế thì nhiều nguyên mẫu ứng dụng công nghệ laser khác của Liên Xô vẫn tiếp tục được phát triển và có thể được sử dụng để vô hiệu hóa các hệ thống điều khiển và quang học trên máy bay do thám và vệ tinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại