Cuộc đối đầu thứ 2 tại vòng thi giao hữu quốc tế Siêu trí tuệ giữa chàng sinh viên 19 tuổi, Việt Hoàng và Simon Reinhard (người Đức) đã để lại rất nhiều cảm xúc từ hồi hộp, căng thẳng, tự hào tới tiếc nuối và rồi là một bài học đắt giá giành cho nhiều người. Lên sóng từ tối ngày hôm qua (4/1), nhưng cuộc đối đầu đầy hấp dẫn này vẫn đang là chủ đề tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Việt Hoàng là người tài năng thế nào thì những khán giả yêu mến Siêu trí tuệ Việt Nam đều đã được chứng kiến qua các vòng thi trước. Và trong vòng đấu giao hữu quốc tế này, người mà Việt Hoàng sẽ đối đầu là một tuyển thủ vô cùng xuất sắc, có thể coi là bậc thầy trí nhớ thế giới - Simon Reinhard.
Người đàn ông đến từ Đức này hiện đang nắm giữ rất nhiều thành tích: 2 lần vô địch trí nhớ thế giới (2014 - 2016), 3 lần vô địch trí nhớ châu Âu (2016 - 2017 - 2018), 5 lần vô địch trí nhớ Đức (2009 - 2011 - 2014 - 2016 -2018). Bên cạnh đó, anh còn đang nắm giữ kỷ lục thế giới, nhớ được 80 chữ số trong 16,85 giây.
Simon hiện là bậc thầy trí nhớ trên thế giới.
Một đối thủ mang tầm vóc quốc tế, nắm trong tay những kỷ lục khó có thể xô đổ này thực sự là thử thách vô cùng lớn nhưng cũng rất đáng chờ đợi đối với cá nhân Việt Hoàng.
Thử thách mà cả hai sẽ cùng trải qua trên sân khấu Siêu trí tuệ Việt Nam có tên là Bách khoa siêu ô chữ. Mỗi vòng đấu sẽ có 50 cụm từ Anh ngữ thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có 25 cụm từ đáp án và 25 cụm từ gây nhiễu được sắp xếp xen kẽ nhau để 2 tuyển thủ ghi nhớ.
Kết thúc 5 phút ghi nhớ 50 cụm từ này, các tuyển thủ sẽ tiếp tục quan sát, ghi nhớ bảng toạ độ của ô chữ. Từ đó cả hai sẽ sử dụng trí nhớ không gian của mình để viết đáp án tương thích lên bảng kết quả cá nhân. Ai hoàn thành trước sẽ nhấn chuông giành quyền xét kết quả. Nếu kết quả hoàn toàn trùng khớp thì điểm thuộc về người đó, còn sai thì điểm sẽ thuộc về đối phương. Thử thách này có tất cả 3 vòng thi đấu.
Để vượt qua thử thách này, 2 tuyển thủ không những phải ghi nhớ đầy đủ các thông tin, vị trí ô chữ mà còn phải vận dụng khối kiến thức trong nhiều lĩnh vực và sự suy luật logic của mình.
Thử thách bao gồm 3 vòng đấu, mỗi vòng sẽ có 50 cụm từ Anh ngữ cần được ghi nhớ (trong đó có 25 đáp án đúng). Sau 5 phút, cả 2 sẽ ghi nhớ tiếp bảng toạ độ của ô chữ.
Sau khi ghi nhớ xong, 2 tuyển thủ sẽ phải dùng trí nhớ không gian của mình để ghi lại đáp án chính xác trên bảng kết quả cá nhân.
Đây thực sự là thử thách không hề đơn giản.
Sau khi nghe thể lệ về thử thách "Bách khoa siêu ô chữ", Simon bày tỏ đây chính là thử thách khó nhằn nhất mà anh thực hiện trên sóng truyền hình. Simon đã từng tham gia thử thách giải ô chữ ở Đức cách đây 7 năm nhưng ô chữ lúc đó đơn giản và ít từ hơn rất nhiều.
Tài năng của chàng sinh viên người Việt và bài học đắt giá sau một sai lầm
Mang tâm lý thoải mái và không đặt nặng vấn đề phải thắng, Việt Hoàng đã bước vào phần thử thách bình tĩnh, tự tin. Ở vòng thi đầu tiên, Việt Hoàng đã cho thấy ưu thế của cậu trước đối thủ người Đức, đó chính là sự tư duy logic.
Biết mình không thể vượt Simon ở khả năng ghi nhớ, nên trong khoảng thời gian đối thủ dùng để ghi nhớ các cụm từ, ghi nhớ hình dạng của ô chữ thì Việt Hoàng lại đi giải ô chữ, ghi nhớ những cụm từ có sự liên quan tới nhau.
Chiến thuật rất thông minh này đã ngay lập tức mang tới hiệu quả khi cậu có thể hoàn thành đáp án trước và giành lợi thế trước Simon. Nút bấm kết thúc phần thi của Việt Hoàng quả thực đã khiến Simon bị giật mình.
"Thử thách này không hề dễ dàng nhưng tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra khá thú vị và tôi cảm thấy vui vì điều đó. Tôi khá bất ngờ vì bạn ấy có thể viết đáp án ngay lập tức và hoàn thành nhanh tới vậy", Simon chia sẻ.
Không chỉ nhanh hơn đối thủ, các đáp án của Việt Hoàng đưa ra cũng vô cùng chính xác. Phần thi đầu tiên của chàng sinh viên 19 tuổi này khiến giám khảo người Trung Quốc - Vương Phong, phải cảm thán đầy ngưỡng mộ: "Tôi cảm thấy không thể tưởng tượng nổi vì sao lại có thể vừa ghi nhớ toạ độ ô chữ, lại vừa có thể viết ra đáp án nhanh tới như vậy".
Vòng thi đầu tiên, Việt Hoàng đã có thể giải ô chữ nhanh hơn đối thủ của mình.
Để thua ở vòng đầu, nhưng Simon đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình ở vòng thi thứ 2. Ở vòng nay, tuyển thủ người Đức thay đổi chiến thuật thi đấu - thay vì chú tâm vào tốc độ thì anh lại hướng vào sự chính xác ở từng đáp án.
Và sự thay đổi này đã khiến anh giành lợi thế trước Việt Hoàng. Sau khi hoàn thành phần thi của mình ở phút thứ 6, Simon còn cẩn thận xem lại toàn bộ cụm từ mình đã viết, chỉnh sửa lại lỗi chính tả một cách tỉ mỉ. Sau khi đã chắc chắn, Simon quyết định bấm nút ở phút thứ 8.
Chính hành động này của Simon đã khiến nhà báo Lại Văn Sâm đặc biệt lưu tâm và ngay lập tức có những chia sẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Tôi thấy Simon chơi xuất sắc, Việt Hoàng cần phải học và nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng cần phải học, một cái tính đúng của người Đức - chi tiết, tỉ mỉ, rất cẩn thận".
Bước sang đến vòng thi thứ 3 - vòng đấu mang tính chất quyết định, Việt Hoàng đã khiến tất cả vô cùng tự hào nhưng lại nuối tiếc vì một sai lầm không đáng có. Sai lầm này của Việt Hoàng chính là bài học cho chính cá nhân anh, cũng như đối với nhiều người.
Ở vòng đấu này, Việt Hoàng chỉ mất đúng 3 phút để giải ô chữ và ghi toàn bộ đáp án lên bảng kết quả cá nhân. 3 phút là một khoảng thời gian đáng kinh ngạc, khi mà thời điểm đó Simon mới chỉ đang vẽ lại ô chữ, chưa điền đáp án.
Tuy nhiên, khi bắt đầu xét kết quả, Việt Hoàng phát hiện mình viết sai chính tả từ Apple, cậu liền thông báo rồi dùng bút chỉnh sửa. Hành động này của Hoàng khiến Simon lập tức lên tiếng phản đối: "Không được, lỗi chính tả cũng tính là một lỗi. Cậu ấy không thể sửa lại sau khi đã nhấn chuông. Đó là một lỗi chính tả. Có thể đáp án của bạn là đúng nhưng đó là luật".
Thấy phản ứng thất vọng của Việt Hoàng và sự im lặng bao trùm toàn bộ trường quay, Simon đã lên tiếng vì hành động có phần gay gắt của mình: "Tôi rất tiếc vì không thể cho phép anh ấy làm điều đó. Và tôi cũng rất tiếc nếu như khiến các bạn cảm thấy tôi là người xấu tính".
Việt Hoàng chỉnh sửa lại từ viết sai chỉnh tả và Simon liền lên tiếng phản đối.
Việt Hoàng tỏ ra khá thất vọng vì hành động vô ý của mình. Cậu chỉ mất 3 phút để giải ô chữ và viết đáp án, nhưng lại không cẩn thận kiểm tra những gì mình viết ra.
Diễn biến bất ngờ chưa từng xảy ra tại Siêu trí tuệ Việt Nam đã khiến toàn bộ BGK cũng như ê-kip của chương trình bối rối. Cuộc đối đầu đã bị dừng lại để BGK cùng ngồi lại hội ý, đưa ra quyết định công tâm nhất.
BGK cùng ê-kip sản xuất đã cùng ngồi họp bàn lại trước diễn biến bất ngờ này.
"Tôi nghĩ rằng mình cũng nên học sống, làm việc, chơi theo luật. Đúng luật mà chơi. Mình là nước chủ nhà, anh - Simon, sẵn sàng chơi tiếp, nhưng mà sau cái đấy không biết có giúp được gì cho sự phát triển của các bạn trẻ Việt Nam. Tôi đề nghị đúng theo luật, xử trận này Việt Hoàng thua mặc dù tôi rất yêu Việt Hoàng.
Trường hợp của Việt Hoàng không chỉ là bài học cho riêng cá nhân Hoàng mà còn là cho tất cả chúng ta. Lúc nãy thấy anh Simon cẩn thận bao nhiêu thì mình lại chủ quan bấy nhiêu", nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ.
"Tôi có một vài điều muốn chia sẻ. Điều tôi luôn cảm thấy là thử thách này không chỉ là ở tốc độ mà còn là độ chính xác. Anh ấy - Việt Hoàng, nhấn chuông rất nhanh và nếu anh ấy chỉ dành ra 1 phút để kiểm tra lại tất cả, giống như tôi đã làm ở lượt thi thứ 2 thì anh ấy đã thắng tôi rồi. Tôi rất tiếc vì tôi chỉ cố gắng làm theo luật. Thực sự rất tiếc", Simon chia sẻ.
Luật là luật và Simon đã làm đúng theo luật. Đó là điều đúng đắn, không có gì lấy làm tiếc cả và chúng ta trân trọng sự chân thành của Simon. Việt Hoàng đã rất xuất sắc và cậu đã hiểu được việc phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Sự cố này chắc chắn là bài học lớn đối với cậu cũng như nhiều người. Tốc độ là tốt, nhưng cũng cần phải gắn liền với sự cẩn trọng, chính xác nữa.