RS-28 Sarmat là loại tên lửa liên lục địa (ICBM) mới của Nga, có tầm bắn 10.000 km, có thể mang hơn 10 đầu đạn hạt nhân và xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới, với sức công phá gấp 2.000 lần những gì mà thế giới chứng kiến ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Theo Daily Caller, nếu một quả tên lửa loại này bắn vào Washington, D.C., nó sẽ khiến 2.5 triệu người thiệt mạng và làm 2.1 triệu người khác bị thương.
Sarmat được phát triển để thay thế RS-36, một họ tên lửa đạn đạo liên lục địa được mệnh danh là "quỷ Satan", hoạt động từ những năm 1970 và 1980. Loại tên lửa đời mới được phương Tây gọi là "Satan 2".
Trang Valuewalk (Mỹ) cảnh báo tổng thống tiếp theo của Mỹ, dù đó là Hillary Clinton hay Donald Trump, "hãy cẩn thận" và "suy nghĩ cẩn trọng" trước khi đưa ra bất cứ phát ngôn nào liên quan đến Nga.
Theo trang này, với RS-28, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tung ra "quân át chủ bài", cảnh cáo chủ nhân Nhà Trắng hãy thận trọng nếu có ý định sử dụng vũ lực với Nga và đồng mình.
Phóng viên đài CNN tại Moscow Matthew Chance cho hay, nếu thông tin về sức mạnh quân sự mới của Nga là sự thật thì đây sẽ là loại vũ khí hết sức đáng sợ.
Ông Chance bình luận, ý nghĩa chính trị mà "Satan 2" mang lại chính là khẳng định Nga vẫn giữ được vị thế siêu cường hạt nhân trong quá khứ. Moscow hoàn toàn có thể cạnh tranh tay đôi với Mỹ.
"Nghiêng mình, nhướng mày, liếc nhìn, mỉm cười" - tờ Washington Times (Mỹ) hôm 26/10 cố ý lựa chọn một bức ảnh có vẻ "đắc ý" của Tổng thống Putin để chuyển tải thông tin về loại vũ khí mới của Nga. (Ảnh: AP)
Trang Business Insider bản tiếng Đức hôm 27/10 cho rằng "tên lửa hạt nhân ngày tận thế" chính là đòn phản ứng trực tiếp của Moscow đối với sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Nga-Mỹ thời gian qua.
Global Times dẫn nguồn truyền thông Mỹ phân tích, cho đến hiện tại Mỹ chưa sở hữu vũ khí có thể chống lại "Satan 2". Nếu Nga có thể "thổi bay" bang Texas với 1 quả RS-28, đồng nghĩa với Moscow có sức mạnh hủy diệt cả bờ Đông nước Mỹ.
Trong khi đó, báo Komsomolskaya Pra'vda của Nga hôm 26/10 chỉ trích "truyền thông phương Tây lợi dụng tên lửa Nga để hù họa độc giả".
Theo tờ này, mỗi dịp cuối năm, các nước thành viên NATO lại quy hoạch dự toán ngân sách quân sự cho năm tiếp theo và được truyền thông tích cực phối hợp để xuyên tạc và "tô vẽ" mối đe dọa từ Nga. Lần này cũng không ngoại lệ.
Global Times cho hay, những hình ảnh đầu tiên về RS-28 được Nga công bố hôm 25/10, đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây rơi xuống đáy thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Khủng hoảng Ukraine, xung đột ở Ukraine, các lệnh cấm vận qua lại đã khiến hai bên rơi vào thế đối địch.
Tuần này, Mỹ vừa tuyên bố sẽ triển khai lục quân đến Na Uy.
Đây cũng là lần đầu kể từ sau Thế chiến II, NATO quyết định tăng quân đến một loạt nước láng giềng của Nga.
Anh đã điều quân đội và chiến đấu cơ đến Estonia.
Những ngày vừa qua, Nga đã tổ chức tập trận phòng không chung 7 nước, và huy động 40 triệu người dân Nga tham gia diễn tập đối phó tấn công hạt nhân.
Trên truyền thông Nga hay Âu Mỹ, dư luận về "chiến tranh hạt nhân" chưa bao giờ lên cao đến thế.