Những năm trở lại đây mô hình nhượng quyền thương hiệu giá bình dân ngày càng nở rộ, đặc biệt trong lĩnh vực đồ uống như trà chanh, trà sữa, sữa chua trân châu.... Điểm chung của các mô hình này là phí nhượng quyền từ 20 – 100 triệu đồng, chi phí đầu tư quán từ 200 – 600 triệu đồng, với quảng cáo mức doanh thu khủng, thời gian hoàn vốn nhanh.
Mới đây, câu chuyện "bóc phốt" trà sữa nhượng quyền hãng T.C từ một người kinh doanh đã gây xôn xao với các sự thật như: nhượng quyền tràn lan dẫn đến các cơ sở cạnh tranh khốc liệt theo hình thức giảm giá, thậm chí công ty tổng bán phá giá thị trường, thu phí tư vấn gần trăm triệu/năm nhưng khi cần thì không hồi đáp. Đặc biệt là việc quảng cáo "quá lời" về doanh thu và thời gian hoàn vốn cho mỗi điểm nhượng quyền để "dụ" người kinh doanh.
Vậy thực sự hình thức nhượng quyền có siêu lợi nhuận như quảng cáo hay không?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với anh Hoàng Tùng (Co-Founder tại Mopi - Xưởng tranh phẳng, Founder Pizza Home) để chia sẻ góc nhìn về những nội dung này.
CEO Pizza Home Hoàng Tùng từng sáng tạo ra món burger corona, được truyền thông quốc tế Reuters, CNN, BBC chú ý.
Theo anh vì sao nhượng quyền giá rẻ với sản phẩm trà chanh, sữa chua, cà phê ngày càng nở rộ và được ưa chuộng?
Đầu tiên, hình thức nhượng quyền bình dân hút khách vì đưa mức phí nhượng quyền khá hấp dẫn, dao động từ 20-100 triệu đồng.
Thứ hai, phần lớn những mô hình nhượng quyền thương hiệu bình dân đều hướng đến những sản phẩm có sức tiêu dùng cao hoặc có tính xu hướng mạnh (trend) như bánh mỳ, trà chanh, sữa chua trân châu, trà sữa và những sản phẩm này nếu bắt được đúng nhu cầu và vào đúng thời điểm thì hiệu quả kinh doanh rất khả thi.
Thứ ba, thông thường mức đầu tư vào những mô hình với giá nhượng quyền thấp thì đi cùng nó cũng là mức đầu tư về cơ sở vật chất khá thấp, rào cản gia nhập thấp, nên mở ra cơ hội cho nhiều người tham gia vào việc kinh doanh.
Và cuối cùng là khâu vận hành cũng dễ kiểm soát hơn với người mua nhượng quyền vì mô hình nhỏ lẻ, đi cùng với quy mô bé và sản phẩm đơn giản dẫn đến việc vận hành cũng đơn giản hơn.
Hầu hết các hình thức nhượng quyền đều được quảng cáo chỉ 1 vốn 4 lời, hoàn vốn trong vòng 4-6 tháng. Liệu điều này có thể khả thi hay không hay chỉ là một "chiêu" để thu hút nhượng quyền?
Việc quảng cáo 1 vốn 4 lời và hoàn vốn trong vòng 4-6 tháng là điều mà bên bán nhượng quyền hầu như không thực hiện được. Với trải nghiệm cá nhân của tôi, việc hoàn vốn một cửa hàng trong thời gian ngắn đến vậy là có thể (bản thân Pizza Home đã có quán hoàn vốn chỉ sau 3 tháng) nhưng cực kỳ hiếm và không thể lấy đó làm mẫu số chung cho tất cả các quán được.
Với những quảng cáo 4-6 tháng cam kết hoàn vốn, muốn kiểm tra tính xác thực, bạn hãy yêu cầu bên bán nhượng quyền đưa điều khoản này vào hợp đồng kèm điều khoản phạt, bạn sẽ thấy không bên nào dám cam kết điều đó bằng văn bản hết.
Việc quảng cáo 4-6 tháng hoàn vốn cơ bản là quảng cáo sai sự thật. Với ngành F&B, trung bình hoàn vốn sau 18-24 tháng đã là rất thành công rồi.
Có rất nhiều quán cafe có địa điểm đẹp, mặt bằng thoáng rộng, đồ uống ngon, thiết kế độc đáo, nhưng sau một thời gian vẫn ngậm ngùi đóng cửa. Liệu có lý do là chính những người kinh doanh đã để bản thân rơi vào một trong các "tử huyệt" nào đó của nhượng quyền không, thưa anh?
Thực ra việc kinh doanh thất bại nếu chỉ đổ tại lý do vì mua nhượng quyền giá cao mà thất bại thì không thực sự công tâm. Nhượng quyền mang lại cho người mua một mô hình kinh doanh đã được chứng minh là thành công với thương hiệu đã được nhận biết, sản phẩm đã được chuẩn hóa và dịch vụ đã được quy trình hóa.
Tuy nhiên, chỉ cần chọn sai địa điểm, bài toán tài chính không chu toàn, đào tạo nhân sự không tốt, marketing không đạt và chất lượng dịch vụ không được chuẩn hóa thì bên mua vẫn có thể thất bại như thường…
Đây là giả định dựa trên việc bên bán nhượng quyền đã nói hết cho bên mua Nhượng quyền toàn bộ những rủi ro và khó khăn mà bên mua sẽ vấp phải.
Còn lại trên thị trường tôi thấy rất nhiều bên bán nhượng quyền đều đang vẽ ra những viễn cảnh tươi hồng quá mức thực tế để tranh thủ bán nhượng quyền và bán nguyên liệu thu tiền về phía mình chứ chưa thực sự nói thật lòng tất cả những rủi ro mà bên mua nhượng quyền sẽ phải đối mặt.
Kinh doanh nhượng quyền thành công phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Theo anh, người mới khởi sự, cần chú ý những điều gì để giảm thiểu rủi ro khi có ý định lựa chọn nhượng quyền thương hiệu?
Theo tôi có một số yếu tố sau mà người mua nhượng quyền cần phải làm trước khi quyết định bắt tay vào mua nhượng quyền:
Thứ nhất: Xem thương hiệu bán nhượng quyền có thực sự sở hữu thương hiệu nhượng quyền đó hay chưa? Nghĩa là thương hiệu đã được bảo hộ hay chưa và bảo hộ có thuộc về bên bán nhượng quyền hay không?
Rất nhiều bên mua giờ đang ăn quả đắng vì Thương hiệu không được bảo hộ và thương hiệu bị sử dụng mà không có cách nào bảo vệ.
Thứ hai: Xem sản phẩm mình mua nhượng quyền có thực sự là đam mê của mình không vì mua nhượng quyền là mua một doanh nghiệp, và nếu không có đam mê thì khả năng bỏ cuộc là rất cao.
Thứ ba: Những sự hỗ trợ mà bạn sẽ có được từ bên bán nhượng quyền, về marketing, về đào tạo nhân sự, về chuẩn hóa quy trình, về quản lý chất lượng sản phẩm càng có nhiều hỗ trợ thì càng tốt.
Thứ tư: Chú ý mức phí nhượng quyền có hợp lý hay không? Ngoài phí nhượng quyền ban đầu thì có mức phí thu royal-fee (dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu) hàng tháng không?
Thứ năm: Xem thử bài toán tài chính cá nhân của mình có đủ để vận hành doanh nghiệp nhượng quyền hay không?
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!