Thiết kế thủ đô mới được bao phủ bởi màu xanh của rừng cây nhiệt đới (Nguồn : Liputan 6)
Cân nhắc tình hình đại dịch và ngân sách nhà nước, Indonesia đã đặt ra lộ trình dài hạn từ 15-20 năm cho việc chuyển thủ đô từ thành Jakarta trên đảo Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, sang khu vực Bắc Penajam Paser và một phần của khu vực Kutai Kertanegara, Đông Kalimantan, nơi có đường biên giới với Malaysia và Brunei.
Vị trí đặt thủ đô mới đầy triển vọng
Việc rời đô của Indonesia được lên kế hoạch trong bối cảnh, thủ đô Jakarta hiện đã trở nên quá tải. Gần 12 triệu dân cư dân thủ đô đang phải đối mặt với các vấn nạn như ô nhiễm không khí, thiếu nước, tình trạng kẹt xe kéo dài và tốc độ chìm xuống biển của thành phố này ngày một tăng. Trong khi đó, bản thân đảo Java nơi là nguồn an ninh lương thực của đất nước cũng đang phải chịu nhiều gánh nặng khi tải 54% tổng dân số Indonesia, tương đương hơn 150 triệu người.
Tình thế cấp bách trên thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joko Widodo lên kế hoạch rời đô vào năm 2019. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng thành phố thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc mà còn là đại diện cho sự tiến bộ của quốc gia. Việc di dời thủ đô cũng nhằm mục đích xây dựng công bằng xã hội và công bằng kinh tế ở Indonesia.
Trong khi đó, đảo Kalimantan, ứng viên thủ đô mới, nằm ở trung tâm đất nước, thuận lợi cho việc phát triển đồng đều tất cả các khu vực. Đây là hòn đảo lớn thứ ba thế giới, có sẵn nguồn nước dồi dào và không bị ô nhiễm môi trường, đồng thời nơi ít xảy ra thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt, lở đất hoặc cháy rừng và đất. Dân số ở đảo Kalimantan chỉ chiếm 5,8% dân số cả nước và đóng góp 8,2% cho nền kinh tế quốc gia. Do đó việc rời đô tới Kalimantan được kỳ vọng sẽ giảm thiểu khoảng cách thu nhập giữa khu vực đông dân nhất Indonesia và các khu vực khác.
Thủ đô mới đầy triển vọng đã có hệ thống sở hạ tầng đã sẵn sàng như sân bay và gần với Đường biển quần đảo Indonesia - tuyến đường chính cho vận tải biển quy mô lớn nên về mặt vận tải biển cũng rất chiến lược. Từ khía cạnh xã hội, nơi đây cũng được đánh giá ít xảy ra xung đột và có một nền văn hóa mở đối với người dân. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chính phủ Indonesia có 180.000 hécta đất sở hữu nhà nước ở khu vực này, do đó, việc xây dựng thủ đô mới trở nên dễ dàng hơn mà không bận tâm đến vấn đề thu hồi đất.
Với diện tích hơn 256.000 hécta, được bao phủ bởi màu xanh của rừng cây nhiệt đới, phản ánh cảnh quan đặc trưng của Đông Kalimantan, Thủ đô mới của Indonesia sẽ được xây dựng theo mô hình "Thung lũng silicon, mang quy chế tỉnh tự trị và được chia thành 3 khu vực gồm: vùng “lõi” hành chính dành cho các cơ quan chính phủ, khu vực thủ đô và khu vực thủ đô mở rộng.
Bất chấp đại dịch, Indonesia sẽ bắt đầu dời đô vào quý I năm 2024
Kế hoạch dời đô là ưu tiên hàng đầu của chính phủ giai đoạn trước. Vào đầu năm 2021, chính phủ cho biết việc khởi công đặt viên đá đầu tiên là mục tiêu sẽ được thực hiện trong năm nay. Việc động thổ sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng Phủ Tổng thống. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã xảy ra gần 2 năm qua ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch này. Gần đây nhất, siêu dự án này lại tiếp tục được chính phủ Indonesia đưa ra bàn thảo tại quốc hội.
Ngày 14/12, trong cuộc họp với Ủy ban đặc biệt về Dự luật Thủ đô mới, người đứng cầu cơ quan Phát triển Quốc gia Suharso Monarfa, xác nhận việc di dời thủ đô mới tới Đông Kalimantan sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2022 đến hết năm 2045. Theo ông Suharso, Dự luật Thủ đô mới quy định việc chuyển nguyên trạng sẽ được thực hiện trong quý I của năm 2024. Sau đó, sẽ từng bước chuyển giao các vị trí của các cơ quan nhà nước, đại diện của nước ngoài, đại diện của các tổ chức/định chế quốc tế. Đây là một khối công việc đồ sộ.
Xây dựng thủ đô quốc gia không chỉ chuẩn bị cơ sở hạ tầng và môi trường, mà còn cả về yếu tố con người, những công dân trong tương lai của thủ đô mới. Ngoài những cư dân cũ ở Đông Kalimantan, khoảng 1,5 triệu người di cư bao gồm nhân viên từ Bộ máy Dân sự Nhà nước (ASN), quân đội, cảnh sát và gia đình của họ, cũng như các thành phần kinh tế khác sẽ có mặt tại khu vực Thủ đô Quốc gia mới. Do đó, việc di dời thủ đô về Đông Kalimantan cần phải được chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là về tài chính để tiến trình diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch. Ước tính việc di chuyển thủ đô mới sẽ cần số vốn là 466.000 tỷ Rupiah tương đương 32 tỷ USD, trong đó có 19% là từ ngân sách nhà nước, còn lại là từ các nguồn vốn tư nhân và hợp tác.
Ngoài việc xây dựng hạ tầng đang được tiếp diễn như xây dựng cơ sở hạ tầng tài nguyên, các tòa nhà chiến lược, các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cơ bản, phát triển hệ thống giao thông, chính phủ Indonesia cũng phải khẩn trương chuẩn bị cho tiến trình chính trị, quan trọng nhất là hoàn thành Dự luật Thủ đô mới. Ngoài ra, có một vấn đề không kém phần quan trọng là, Indonesia sửa đổi Hiến pháp 1945, đặc biệt là việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc quy định Nguyên tắc Chính sách Nhà nước, đảm bảo Tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục các chương trình quốc gia của người tiền nhiệm. Điều này nhằm mục đích bảo tính liên tục của kế hoạch phát triển Thủ đô quốc gia mới.
Dư luận Indonesia về kế hoạch di dời thủ đô
Các trang mạng ở Indonesia đã làm rất nhiều cuộc thăm dò ý kiến người dân về kế hoạch di dời thủ đô của chính phủ. Trong số những người đã chọn, Andi Baalbeck - cư dân từ ứng cử viên thủ đô mới bày tỏ đồng ý với việc dời đô đến Kalimantan. Bởi theo Andi, “Kalimantan là vùng đất an toàn nhất trước các thảm họa thiên nhiên. Người dân ở đây ôn hòa hơn. Vì vậy, các vấn đề như trong Java có thể không xảy ra.”
Nhưng cũng chính trong số các cư dân của Kalimantan, có những người không đồng ý, nếu thủ đô được chuyển đến địa phương của họ. Chẳng hạn như cư dân Petrus Dedek phản đối “Đừng làm phiền chúng tôi với nền chính trị quá phức tạp, chúng tôi không muốn trở thành Jakarta và đảo Java thứ hai, nơi mỗi ngày đều có nội dung tin tức đấu tranh giành quyền lực chính trị. Chúng tôi không muốn có những băng nhóm biểu tình và bắt bớ.”
Bên cạnh đó, trong giới chuyên gia Indonesia cũng có nhiều những ý kiến nghi ngại. Tại phiên điều trần Đặc biệt của Ủy ban thủ đô mới với các chuyên gia hồi đầu tháng 12, nhà kinh tế học, chuyên gia độc lập Anggito Abimanyu cho rằng mục đích của việc xây dựng thủ đô mới là chưa rõ ràng, rằng sẽ xây dựng nơi này thành trung tâm đầu não chính phủ hay đầu tàu kinh tế hay cả hai. Do đó theo chuyên gia này, nếu nội dung Dự luật thủ đô mới không làm rõ, thì tình trạng tương tự như ở Jakarta sẽ tiếp diễn tại thủ đô mới.
Trong khi đó các nhà xã hội học cho rằng kế hoạch phát triển và việc di dời thủ phủ cần phải tính đến tính hòa nhập và các quyền cơ bản liên quan đến đất đai, kinh doanh và cơ hội làm việc của người dân bản địa. Nhà xã hội học và Giáo sư từ Đại học FISIP Indonesia, ông Paulus Wirutomo cho rằng dựa trên quan sát của ông cho đến nay, các quy định liên quan đến Dự luật thủ đô mới đã không làm nổi bật khía cạnh công lý cho người bản địa.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế M. Rizal Taufikurahman của INDEF đánh giá: Việc di dời thủ đô có hai mặt, thuận lợi và khó khăn. Về mặt thuận, nó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của một số lĩnh vực công nghiệp, chẳng hạn, mang lại lợi ích cho lĩnh vực xây dựng trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, nó có thể khuyến khích sự phát triển của các ngành khác như tiêu dùng, nhà ở… Nhưng nhìn chung, ông Rizal đánh giá rằng việc di dời thủ đô của quốc gia là không có lợi cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế quốc gia là rất nhỏ, 0,02%, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tương tự như vậy với mục tiêu giảm bất bình đẳng. Theo ông Rizal, hiện tại chính phủ nên tập trung xử lý tác động của đại dịch Covid-19 vì điều này sẽ quyết định sự phát triển và thành tựu kinh tế của Indonesia trong tương lai./.