Trên “nóng”
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến Biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (gọi tắt là dự án kiểm soát triều) với mục tiêu giảm ngập, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân nên được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Kết luận số 56 của Bộ Chính trị đã xác định một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó yêu cầu “Khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở TPHCM”.
Ngày 21/8, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 307/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cùng đại diện các bộ, ngành vào làm việc với lãnh đạo TPHCM. Theo đó, đối với việc gia hạn giải ngân cho dự án, Thủ tướng giao UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sớm xem xét, xử lý việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không để ảnh hưởng tiến độ hoàn thành.
Tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM được phân công phụ trách chỉ đạo Thành ủy TPHCM khóa XI, bày tỏ sự trăn trở về dự án. Theo ông Nhân, đến nay, thành phố đã chuẩn bị xong tất cả mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đã thi công được trên 90% khối lượng.
“Sắp tới, chúng ta cần tiếp tục phối hợp để hoàn tất các thủ tục để nhà đầu tư triển khai và chạy thử vào đầu năm sau và hoàn thành trong năm 2021”, ông Nhân nói. Theo ông, công trình này giúp thay đổi diện mạo đô thị của thành phố.
Dự kiến, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tờ trình về kế hoạch bố trí vốn trong kỳ họp thứ 22 (kỳ họp bất thường) diễn ra ngày 10/11 để dự án tiếp tục được tái cấp vốn và triển khai nhằm hoàn thành và đi vào vận hành đầu năm 2021.
Gần đến ngày diễn ra kỳ họp, không thấy UBND TPHCM gửi tờ trình cho HĐND TPHCM, ông Nhân đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn của Ban Thường vụ Thành ủy để yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM báo cáo cụ thể. Thế nhưng, việc ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (do dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng không thể triển khai đúng tiến độ) đến nay vẫn không được thực hiện.
Dưới “lạnh”
Thực tế, ban đầu, UBND TPHCM nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện dự án. Tại thông báo số 395/TB-VP ngày 27/5/2020, Văn phòng UBND TPHCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, giao sở KH&ĐT xây dựng kế hoạch thanh toán hợp đồng BT, đồng thời rà soát kiện toàn Tổ đàm phán, tiến hành đàm phán bổ sung phụ lục hợp đồng BT của dự án để đảm bảo công tác giải ngân trong thời gian còn thời hạn giải ngân.
Từ tháng 6 đến tháng 11, bình quân mỗi tháng, UBND TPHCM có một văn bản. Riêng trong tháng 10, UBND TPHCM ban hành 3 công văn yêu cầu Sở KH&ĐT thực hiện ý kiến chỉ đạo.
Ngày 26/10, Tổ đàm phán báo cáo thành phố về kết quả đàm phán phụ lục hợp đồng của dự án. Theo đó, các bên thống nhất điều chỉnh một số nội dung của hợp đồng, trong đó gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 6 tháng. Tổ đàm phán, do một phó giám đốc Sở KH&ĐT làm tổ trưởng, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận kết quả đàm phán và thực hiện ký kết phụ lục hợp đồng để làm cơ sở thực hiện thủ tục gia hạn thời gian giải ngân.
Tuy nhiên, người được ủy quyền ký phụ lục là Giám đốc Sở KH&ĐT (đồng thời là ủy viên UBND TPHCM) Lê Thị Huỳnh Mai kiên quyết không thực hiện để dự án có thể hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng. Bà Mai đề nghị Thường trực UBND TPHCM rà soát lại toàn bộ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư. Bà cho rằng, có một số nội dung hợp đồng, đặt biệt là các điều khoản về thanh toán chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cần tiếp tục xin ý kiến Chính phủ.
Đại diện Công ty Trung Nam 1547 (đại diện nhà đầu tư), nói rằng, dự án đã được Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu thuộc Bộ NN&PTNT kiểm tra. Bà Lê Thị Huỳnh Mai vào cuối tháng 3/2016, khi còn là Phó giám đốc Sở KH&ĐT, đã rà soát pháp lý và ký Tờ trình tham mưu UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Bà Mai cũng là người ký phụ lục hợp đồng gần đây nhất (tháng 11/2019) do điều chỉnh tổng mức đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020.
“Hầu hết mọi thủ tục đầu tư của dự án, từ thẩm định Đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, tham gia đàm phán và trình kết quả đàm phán, ký Hợp đồng BT... trước kia đều do Sở KH&ĐT là cơ quan tham mưu trình UBND TPHCM phê duyệt.
Đến lúc dự án gần hoàn thành, sở lại kiến nghị rà soát lại pháp lý của dự án ở giai đoạn đầu là bất thường và ngăn cản công trình không hoàn thành đúng hạn như TPHCM đã cam kết với Thủ tướng. Việc ngưng dự án ở thời điểm này sẽ phát sinh chi phí, gây thiệt hại rất lớn, lãng phí và phát sinh nhiều thủ tục đầu tư khi tái khởi động lại”, ông này nói.