Siêu điệp viên Liên Xô trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” - Kỳ 3: Điệp viên không khai một lời

Yên Ba |

Do bị bắt vì tội nhập cư trái phép, ngày hôm sau, thứ bảy, 22-6-1957, Goldfus được đưa bằng máy bay DC-3 tới trung tâm dành cho người di cư ở Mc Allen, bang Texas. Các đặc vụ FBI cố gắng phá vỡ sự im lặng của người đàn ông; tuy nhiên tất cả các biện pháp thẩm vấn đều vô hiệu...

Người trợ thủ nhiều tật

Tuy nhiên, án tử hình của cặp vợ chồng điệp viên Rosenberg cũng không ngăn được W.Fisher làm tiếp công việc của mình.

Để tăng cường nhân sự cho lưới điệp viên hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ, Trung tâm Moscow quyết định bổ sung thêm người cho W.Fisher. Bắt đầu từ mùa hè năm 1954, W.Fisher có thêm một trợ thủ, điệp viên Reino Hayhanen, người tới Mỹ từ năm 1952 trên con tàu Mary Queen.

Tháng 8-1954, R.Hayhanen trực tiếp gặp W.Fisher, người tự nhận tên là Mark. Cuộc gặp diễn ra tại phòng hút thuốc bên dưới rạp chiếu phim RKO Keith ở khu Queen của New York.

Siêu điệp viên Liên Xô trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” - Kỳ 3: Điệp viên không khai một lời - Ảnh 1.

Điệp viên Rudolf Ivanovich Abel (bên phải) bị FBI bắt giữ. Ảnh tư liệu

Trong cuộc gặp này, R.Hayhanen nhận được những mệnh lệnh đầu tiên từ người chỉ huy của mình, phải mở một cửa hàng ảnh ở Newark, New Jersey, phù hợp với vỏ bọc của anh ta. Đó sẽ là nơi để các điệp viên trong mạng lưới sử dụng làm địa điểm liên lạc. Mark quy định hai người sẽ gặp nhau mỗi tuần một lần.

Sau một thời gian, Mark chán nản nhận ra R.Hayhanen hoàn toàn không phải là người chăm chỉ, có ý định học hỏi nghiệp vụ một cách nghiêm túc.

Mùa đông đầu tiên sau khi tới Mỹ, R.Hayhanen bắt đầu nhận được khoản tiền 500USD hằng tháng. R.Hayhanen sử dụng hầu hết số tiền lương này cùng với khoản tiền 4.000USD được cấp để tạo vỏ bọc vào việc... uống rượu.

Cuối năm 1956, R.Hayhanen tiếp tục bị thu bằng lái do lái xe trong tình trạng say xỉn.

W.Fisher báo cáo về trung tâm và một lệnh triệu hồi được gửi tới, yêu cầu R.Hayhanen phải gấp rút quay về Moscow trong tháng 1-1957.

Ngày 6-5-1957, thay vì quay về Moscow, R.Hayhanen quyết định đào thoát.

Ngoài việc chỉ biết ít ỏi về mật danh của điệp viên KGB địa bàn New York phụ trách mình,

R.Hayhanen nhớ lại đã có hai lần anh ta tới căn nhà kho của người điệp viên nọ ở tầng 4 hoặc tầng 5 một tòa nhà trên phố Fulton, thuộc khu vực Brooklyn.

Dựa vào lời khai này, FBI tìm ra một xưởng vẽ cùng nhà kho ở trên tầng 5 của tòa nhà số 252 phố

Fulton, đứng tên người thuê từ tháng 1-1954 là họa sĩ chuyên vẽ tranh để bán có tên là Emil R.Goldfus.

Từ ngày 16-5-1957, các đặc vụ FBI bắt đầu đặt toàn bộ tòa nhà số 252 phố Fulton dưới sự giám sát chặt chẽ. Tổng cộng có chừng ba chục đặc vụ FBI được huy động cho chiến dịch giám sát này.

Đêm 13-6-1957, người đàn ông xuất hiện trong xưởng vẽ. Trước lúc nửa đêm một chút, người đàn ông rời đi. Người bám theo là đặc vụ Fred Sowick. Người đàn ông dẫn Fred Sowick đến thẳng nơi mình đang trú ngụ, một khách sạn tên là Latham trên đường 28 Đông ở Manhattan.

Ở đây, các đặc vụ FBI xác định được người đàn ông đăng ký dưới cái tên là Mark Collins, thuê căn phòng số 839 trên tầng 8 với giá 28USD một tuần, trả vào các ngày thứ bảy cuối tuần.

Như vậy là từ người đứng tên Emil R.Goldfus thuê xưởng vẽ đã biến thành người mang tên Mark Collins thuê phòng ở khách sạn Latham.

Một bức ảnh các đặc vụ FBI chụp trộm Emil Goldfus/Mark Collins được đưa cho R.Hayhanen để đối chiếu nhận dạng; người điệp viên đào thoát xác nhận đó chính là người phụ trách mạng lưới điệp viên KGB ở New York, chỉ huy của anh ta!

Bắt giữ

Đêm 20-6 là một đêm nóng bức, không có gió. Các đặc vụ FBI thuê căn phòng 841 khách sạn Latham, ngay cạnh phòng số 839 mà Emil R.Goldfus thuê. Suốt đêm, 8 đặc vụ FBI, mỗi người đứng ở đầu một tầng trong cả 8 tầng khách sạn, theo dõi mọi động tĩnh ở các hành lang.

Khoảng trước 7 giờ sáng, các nhân viên Sở Di trú và Nhập cư Hoa Kỳ tới khách sạn và được yêu cầu ngồi chờ ở phòng 841, nếu có lệnh gọi thì mới xuất hiện.

Đúng 7 giờ sáng 21-6, đặc vụ Ed Gamber gõ cửa phòng số 839. Từ bên trong vọng ra tiếng của một người đang ngái ngủ: "Chờ một lát!". Cánh cửa hé ra. Đặc vụ Ed Gamber đẩy mạnh cửa mở rộng ra rồi bước vào trong phòng, theo sau là đặc vụ Blasco.

Cả hai vẫn để cánh cửa phòng mở ở phía sau lưng, đưa phù hiệu FBI gài trong ví cho người đàn ông, lúc này trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần lót. Người này cầm phù hiệu xem kỹ rồi đưa trả lại. Tiếp đó, đặc vụ thứ ba, Joseph Phelan, cũng vào trong phòng.

Trước đấy, các đặc vụ đã nhận được chỉ thị nếu người đàn ông từ chối hợp tác, họ sẽ phải gọi các nhân viên Sở Di trú và Nhập cư đang đợi ở phòng bên cạnh để bắt giữ ông ta.

Người đàn ông đã từ chối hợp tác. Hai mươi ba phút đã trôi qua, người đàn ông vẫn im lặng.

Hai đặc vụ Blasco và Gamber lùi vào bàn bạc trong góc phòng. Rồi họ quyết định để đặc vụ Phelan sang phòng bên cạnh mời các nhân viên Sở Di trú và Nhập cư Hoa Kỳ đang chờ ở đó. Hai nhân viên Sở Di trú và Nhập cư, Farley và Boyle bước vào phòng.

Boyle lấy từ trong túi ra lệnh bắt giữ do quyền Giám đốc Sở Nhập cư L.Murff ký đúng ngày hôm trước, 20-6-1957. Theo lệnh này, người đàn ông mang tên Martin Collins với bí danh Emil Goldfus bị bắt vì vi phạm Luật Nhập cư của Hoa Kỳ do đã xâm nhập vào Mỹ từ một điểm chưa được xác định trên biên giới với Canada vào năm 1949.

Không khai một lời

Do bị bắt vì tội nhập cư trái phép, ngày hôm sau, thứ bảy, 22-6-1957, Goldfus được đưa bằng máy bay DC-3 tới trung tâm dành cho người di cư ở Mc Allen, bang Texas. Các đặc vụ FBI cố gắng phá vỡ sự im lặng của người đàn ông; tuy nhiên tất cả các biện pháp thẩm vấn đều vô hiệu.

Những cuộc thẩm vấn sau đó có thêm sự tham gia của các điệp viên CIA, cơ quan nóng lòng muốn biết về hoạt động gián điệp của Liên Xô ở khu vực Bắc Mỹ.

Emil R.Goldfus phủ nhận tất cả mọi cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp. Khi một điệp viên CIA đề nghị khoản tiền lương 10.000USD một năm, số tiền rất lớn ở thời điểm đó, để đổi lấy sự cộng tác của ông ta, Emil R.Goldfus mỉm cười, không trả lời.

Ngày 27-6-1957, Collins/Godlfus tuyên bố ông ta là Rudolf Ivanovich Abel, một công dân Nga.

Trong suốt gần ba tuần lễ, hằng ngày, các đặc vụ FBI thay phiên nhau hỏi cung Abel. Họ nhắc đi nhắc lại rằng nếu hợp tác, Abel sẽ được cung cấp thức ăn ngon, rượu, chuyển tới phòng khách sạn có điều hòa ở Texas. Các đặc vụ FBI cũng hứa sẽ tìm cho Abel một công việc với thu nhập 10.000USD ở một cơ quan chính phủ Mỹ.

Trước những đề nghị đó, Abel lịch sự từ chối. Sau ba tuần lễ, các đặc vụ FBI đành bỏ cuộc.

Các nhân viên thẩm vấn muốn biết cái tên Abel xuất phát từ đâu? Ở miền Nam bang Texas, cái tên Abel khá phổ biến.

Cùng với việc R.Hayhanen tiết lộ cấp bậc của người chỉ huy mình là "đại tá" và cái tên "Abel" tự nhận, kể từ đó, người điệp viên Xô viết được biết đến với tên gọi phổ biến: Đại tá Abel!

Đối mặt án tử hình

Thứ hai, ngày 14-10-1957, Tòa án liên bang quận Đông New York mở phiên tòa theo hồ sơ số 45094, xét xử Rudolf Ivanovich Abel, bí danh Mark, cũng được biết dưới tên gọi Martin Collins và Emil R.Goldfus, bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô.

Phiên tòa gây chấn động toàn cầu bởi vào thời điểm đó, một điệp viên thượng thặng cỡ như Đại tá Abel bị bắt và đem ra xét xử là điều vô cùng hiếm hoi, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh đang lên cao trào.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh khuynh hướng chống cộng của Thượng nghị sĩ McCarthy trong xã hội Mỹ bắt đầu thoái trào.

Rudolf Abel phải đối mặt với ba tội danh: "Âm mưu chuyển cho Liên Xô những thông tin mật về quân sự và vũ khí nguyên tử; âm mưu thu thập những thông tin mật đó; cư trú trên lãnh thổ Mỹ với tư cách điệp viên của một cường quốc nước ngoài mà không được sự cho phép của Bộ Ngoại giao Mỹ".

Nếu bị buộc tất cả các tội danh này, Đại tá Abel sẽ phải đối mặt với án tử hình. Ở thời điểm đó, đối với tòa án Hoa Kỳ, việc Đại tá Abel không chịu thừa nhận bất cứ một tội danh nào không thành vấn đề.

Họ đã từng kết án tử hình vợ chồng điệp viên Rosenberg chỉ dựa trên những lời khai trên bục nhân chứng của một số điệp viên cùng bị bắt trong đường dây. Cặp vợ chồng điệp viên đó đã bác bỏ mọi cáo buộc, bước lên ghế điện trong tư thế của những kẻ tuẫn đạo.

Chiều 25-10-1957, sau hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ bàn bạc thảo luận, bồi thẩm đoàn 12 người tuyên bố bị cáo, Đại tá Abel, "có tội". Chánh án Byers công bố đến ngày 15-11-1957, tòa sẽ tuyên án. Án tử lơ lửng trên đầu điệp viên Xô viết, Đại tá Abel.

Ngày 14-11, luật sư J.Donovan đã viết một bức thư quan trọng gửi chánh án Byers, trình bày lý do vì sao cần để cho điệp viên Abel sống mà không phải chịu số phận bi thảm như vợ chồng điệp viên Rosenberg.

Điểm quan trọng nhất trong bức thư này là ngay từ lúc đó, luật sư J.Donovan đã mường tượng ra viễn cảnh về một vụ trao đổi điệp viên. Ở phần 5 của bức thư, ông trình bày với chánh án Mortimer W.Byers:

"Hoàn toàn có thể trong tương lai, một người Mỹ có tầm quan trọng tương tự cũng bị phía Liên Xô hoặc đồng minh của họ bắt giữ. Khi ấy, một cuộc trao đổi tù nhân thông qua các kênh ngoại giao có thể được cân nhắc thực hiện vì lợi ích của chính Hoa Kỳ".

Hôm sau, thứ sáu, ngày 15-11-1957, tòa tuyên Đại tá Abel phạm cả ba tội với mức án lần lượt là 30 năm, 10 năm và 5 năm, tổng hợp hình phạt 30 năm tù giam, biệt giam tại một nhà tù ở New York trước khi được chuyển đến nhà tù liên bang ở Atlanta. Tổng số tiền phạt là 3.000USD.

Luật sư J.Donovan gửi đơn kháng án nhưng đến ngày 28-3-1960 bị tòa phúc thẩm khu vực hai của thành phố New York bác đơn.

Thoát án tử nhưng với một người đã 55 tuổi như Đại tá Abel, mức án 30 năm tù giam không khác gì một án chung thân.

Tuy nhiên, Chiến tranh lạnh, mà một trong những hạt nhân của nó là cuộc đối chiến trên mặt trận điệp báo, có những bất ngờ không ai có thể lường trước được. Sau gần 5 năm thụ án, Đại tá Abel đã thoát khỏi nhà tù Mỹ trong một điệp vụ "kinh thiên động địa".

Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại