Siêu cây lương thực của tương lai

Thy An |

Thế giới có trên 7 nghìn loại cây ăn được, nhưng đang chỉ tập trung vào 15 giống cây lương thực quen thuộc, phổ biến nhất là lúa, ngô, khoai, sắn, đậu...

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 1.

Chuối giả, thu hoạch cây thay vì quả.

Hầu hết các loại cây này kém chịu hạn, khó đáp ứng nhu cầu của 8 tỷ người trong tương lai khi Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, nhân loại vẫn có thể được cứu với 6 loài "cây chống đói".

Chuối giả

Ngôi sao "cây chống đói" sáng giá nhất hiện tại là Enset, họ hàng của nhà chuối. Nó có bề ngoài y hệt cây chuối thường thấy, nhưng không dùng để thu hoạch quả nên thường được gọi là chuối giả.

Quê hương của chuối giả là Ethiopia (Đông Phi). Thay vì quả, người Ethiopia thu hoạch thân và rễ giàu tinh bột của nó. Họ lên men tinh bột này, nấu thành cháo hoặc làm bánh mỳ.

Bụi chuối giả có thể sinh trưởng tới 12 năm và một gia đình 5 người chỉ cần 60 cây là đủ no cả năm. Chuối giả không kén đất, giỏi chịu hạn, cứ trồng là có thu hoạch.

Chí ít, nó cũng đang là lương thực cốt yếu của khoảng 20 triệu người dân Ethiopia. Ước tính, lượng chuối giả hiện có đủ cứu đói 100 triệu người. Nếu mở rộng phạm vi trồng trọt ra khắp châu Phi và sang các châu lục khác, chuối giả có tiềm năng trở thành cây lương thực chính, chống đói cho toàn cầu.

Chưa hết, chuối giả còn cung cấp sợi thực vật, cho phép ngành xây dựng tận dụng như vật liệu tự nhiên bền vững. Nó phối hợp cực kỳ "ăn ý" với bùn, tạo nên gạch sinh thái an toàn với môi trường.

Dứa dại

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 3.

Dứa dại, siêu cây với thiên tính chịu mặn và hạn, cho quả.


Trong các khu vực hoang dã ven biển của châu Á - Thái Bình Dương bạt ngàn cây Pandanus hay còn gọi dứa dại. Quả dứa dại rất giàu vitamin và kali, lá thì cho mùi thơm, có thể dùng lên hương mứt, bánh, xôi hoặc gói cá, thịt…

Vì sinh trưởng ven biển, dứa dại quen với việc bị sóng tạt lên, ướp muối và gió lớn. Chúng chịu được cả mặn lẫn hạn, không đòi hỏi quá nhiều công sức chăm sóc từ con người.

Theo y học cổ truyền phương Đông, quả và rễ dứa dại còn có một số công dụng chữa trị bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến gan, thận.

Đậu Marama

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 5.

Củ đậu Marama nặng tới hàng tạ.


Đậu Marama có nguồn gốc Nam Phi, sinh trưởng tốt trong các khu vực khô cằn, thuộc dạng cây lâu năm, cho củ và cho hạt.

Củ đậu Marama có hàm lượng protein cao (9%), thuộc dạng cây củ dinh dưỡng nhất Trái đất (củ sắn chỉ có hàm lượng protein từ 1 – 3%, củ mỡ thì 7%). Nhờ sống lâu năm, củ đậu Marama to lớn, có thể nặng tới hơn 2 tạ.

Hạt đậu Marama cũng giàu protein, hàm lượng từ 30 – 39%, ngang ngửa với đậu tương (38 - 40%). Các nhà nghiên cứu tin tưởng, trong tương lai nóng lên khó chăm sóc đậu tương, đậu Marama có khả năng thay thế, cung cấp nguồn đạm thực vật dồi dào cho 8 tỷ người.

Xương rồng Nopal

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 7.

Xương rồng Nopal cho lá và quả giàu nước, chất xơ và vitamin.


Trên các vùng sa mạc ở Mexico (Bắc Mỹ), mọc một loại cây xương rồng có thể ăn được là Nopal. Người ta đặt cho nó biệt danh xương rồng bánh hoặc xương rồng tai thỏ, vì dáng vẻ lá hình phiến.

Trong vai trò cây sa mạc, xương rồng Nopal chịu hạn vô địch. Nhờ thân dày, mọng nước, nó tích trữ một lượng nước ấn tượng, cho phép cây chịu đựng hạn hán lâu năm.

Trong vai trò cây ăn được, xương rồng Nopal cho lá và quả. Phiến lá xương rồng sau khi loại bỏ gai có thể ăn sống, vị chua, hơi nhớt, tiện dùng giải khát. Nó cũng có thể phơi làm rau khô, dự trữ dùng dần. Quả xương rồng có vị ngọt, thanh mát, rất dễ dùng làm nước giải khát. Nhìn chung, cả lá lẫn quả xương rồng Nopal đều nhiều nước, giàu chất xơ và vitamin.

Rau Chaya

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 9.

Rau Chaya sạch độc sau khi được luộc sôi 20 phút.


Cũng tại Mexico nhưng ở Bán đảo Yucatan, mọc loại cây siêu độc nhưng ăn được nếu nấu chín: Chaya. Nó thuộc dạng cây bụi lâu năm, cao tối đa 6m, lá to, chịu hạn và đặc biệt gần như miễn nhiễm sâu hại.

Thông thường, một cây Chaya sẽ yên lành mà lớn lên rồi già đi mà chẳng bị côn trùng nào gặm phá. Nguyên nhân vì loài cây này chứa độc tố trong thân.

Mặc dù rất độc, lá và ngọn Chaya khi bị đun sôi, chín nhừ lại an toàn. Chúng cung cấp lượng protein, vitamin, sắt và canxi dồi dào, vốn được xem như siêu rau ở châu Mỹ.

Theo kết quả nghiên cứu, rau Chaya giàu dưỡng chất hơn các loại rau thông thường từ 2 – 3 lần. Để loại bỏ độc tố, chỉ cần luộc rau Chaya trong 20 phút, sau đó vớt ra, xào, nấu canh, kho… tùy ý.

Cà phê Arabica

Siêu cây lương thực của tương lai - Ảnh 11.

Cà phê Arabica giỏi chịu hạn, chỉ chưa phổ biến vì sản lượng quá thấp.


Cà phê là loại cây ưa cao và lạnh, đang nằm trong nhóm những loại cây bị đe dọa nhất vì nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Sierra Leone (Tây Phi), người ta phát hiện một loại cà phê hoang dã siêu chịu hạn: Arabica.

Các nhà nghiên cứu hạnh phúc gọi cà phê Arabica là Coffea stenophylla (cà phê dại quý hiếm). Hạt cà phê Arabica có độ chua cao, giữ được vị ngọt tự nhiên và mùi thơm của trái tươi. Có điều, vì năng suất quá thấp, cà phê Arabica chưa được xem như một loại cây trồng.

Đối với nhu cầu lương thực, cà phê là không cần thiết. Tuy nhiên, với nhu cầu giải khát, cà phê là đam mê của toàn cầu. Nó là loại cây kinh tế hàng đầu, nhất thiết không thể thiếu trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại