Phải quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng. Ảnh: Ngô Bình
Liên quan bệnh nhân (BN) 1435 (nữ, quê Trà Vinh, trở về từ Anh) mang chủng virus SARS-CoV-2 đột biến, các chuyên gia y tế cho rằng, biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh nhưng chưa làm bệnh nặng hơn. Điều quan trọng là phòng ngừa, không để biến chủng mới lọt ra cộng đồng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, việc biến chủng mới của SARS-CoV-2 là điều bình thường, đã được dự đoán. Quan trọng là cần phải phòng ngừa chặt chẽ hơn.
Trên thực tế, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn đột biến theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp nên SARS-CoV-2 biến chủng là điều dễ hiểu. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, thích nghi với con người.
“Loại biến chủng này lây lan nhiều hơn trước kia. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa thể biết được virus này có gây ra bệnh nặng hơn hay không, còn khả năng lây nhanh là điều rõ ràng. Vì thế, càng chậm phát hiện ca mới trong cộng đồng càng khó chặn và càng tốn công khoanh vùng, cách ly và phải cách ly vùng càng rộng. Do vậy, điểm cốt yếu là cần chặn không cho virus lọt ra cộng đồng”, BS Khanh nói.
TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cũng nhìn nhận, chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều so với chủng virus trước đây, nhưng độc lực không thay đổi.
Cụ thể, chủng mới này có khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn so với chủng cũ nên khả năng nhiễm bệnh và lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Chủng SARS-CoV-2 trước đây thường mất khoảng 5 ngày để có khả năng lây bệnh, còn chủng mới chỉ mất 3 ngày.
Các chuyên gia y tế cho rằng, công tác cách ly và điều trị chủng mới không khác gì so với các bệnh nhân COVID-19 trước đó. Chỉ khác là phải quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng.
Đặc biệt, những ngày cận Tết Âm lịch sẽ có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu các trường hợp này không được phát hiện kịp thời, thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2.
Để kiểm soát, phòng bệnh do chủng SARS-CoV-2 mới, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, lưu ý người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp “5K” của Bộ Y tế là “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Tuy nhiên, vì khả năng lây lan của chủng mới rất mạnh nên chúng ta cần tuân thủ “5K” nghiêm túc hơn, triệt để hơn với cường độ cao hơn (ở mọi nơi) thì sẽ khống chế được chủng mới của SARS-CoV-2.
“Người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải phối hợp với ngành y tế và các lực lượng chức năng khi cần thiết. Phải đảm bảo mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi thành phố… cùng chống dịch”, ông Dũng nói.
Chưa có kế hoạch bay đón công dân về nước trong tháng 1
Ngày 3/1, nguồn tin từ Cục Hàng không Việt Nam - Bộ GTVT cho hay, tới nay, chưa cấp phép cho chuyến bay nào đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới về nước trong tháng 1. Theo Cục Hàng không, cơ quan này chỉ cấp phép bay theo lịch đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia về nước do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới hết năm 2020, hàng không Việt Nam đã tổ chức hàng trăm chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam mắc kẹt tại nhiều khu vực trên thế giới về nước. Riêng Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 180 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 52.000 công dân Việt Nam về nước an toàn từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bốn Việt