Tuần qua, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Singapore hay Thụy Sĩ đều đã tung ra những gói cứu trợ khổng lồ, chưa từng có tiền lệ để cứu nền kinh tế đang bị Covid-19 tàn phá.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra 3 gói cứu trợ bao gồm gói an sinh, gói tiền tệ và gói tài khóa với tổng trị giá lên đến 598.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP, nhằm giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, cũng như giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế trụ vững sau đại dịch.
Các chính sách nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tập trung vào giảm lãi vay, giãn, hoãn thuế và gia hạn thời hạn trả nợ, đồng thời cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí khác.
Nếu như máy thở được coi là một thiết bị tối quan trọng trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì Chính phủ cũng được ví như "máy thở" đối với doanh nghiệp. Đây là nhận định của ông Trần Anh Vương, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội trong một cuộc phỏng vấn với VTV mới đây.
Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất lại càng có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất đồng loạt được gia hạn thời hạn nộp 5 tháng.
"Nghị định 41 là một trong những nghị định có thể ngay lập tức đi vào cuộc sống, rất ngắn gọn, chi tiết, dễ hiểu và đặc biệt được triển khai ngay. Các sắc thuế trong nghị định tương đối bao trùm, có thể được bù trừ lẫn nhau.
Chính sách này được ban hành đã giúp doanh nghiệp có niềm tin, rằng Thủ tướng và Chính phủ đã làm rất quyết liệt."
Shark Trần Anh Vương
Theo shark Vương, trước khi Nghị định 41 được ban hành, các động thái của ngân hàng dù đã có nhưng doanh nghiệp thực sự chưa được hưởng lợi nhiều.
Ông nhấn mạnh: "Nếu doanh nghiệp là "bệnh nhân" thì "máy thở" chính là Chính phủ. Nhưng nếu không có nguồn oxy, hay nói cách khác là tiền, là những chính sách tài khóa, thì cũng không thể hỗ trợ được. Nếu nguồn oxy đủ, máy thở sẽ có tác dụng. Nếu không đủ, thì dù máy thở xâm nhập hay không xâm nhập, cũng khó mà cứu được bệnh nhân trong cơn nguy khó."
Tiến sĩ Vũ Minh Khương
Cũng đánh giá về các gói cứu hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Đại học Quốc gia Singapre cho biết: "Với điều kiện nền kinh tế nước ta, đây là gói cứu trợ không hề nhỏ, đủ sức tạo nên những tác động có ý nghĩa nếu được thiết kế và thực hiện thấu đáo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chỉ mong đợi vào những hỗ trợ tài chính mà còn hy vọng ở các cải cách đột phá. Nếu Chính phủ có những cải cách, đổi mới khiến cho doanh nghiệp phải kinh ngạc, đặc biệt là trong cơ chế chính sách và bộ máy công quyền như lĩnh vực thuế, địa chính và hải quan thì dù khó khăn bao nhiêu, doanh nghiệp vẫn sẽ hứng khởi, đồng lòng hơn.
Tôi mong kỳ vọng này thành hiện thực, nếu doanh nghiệp và Chính phủ coi quan liêu, tham nhũng là một loại virus còn nguy hiểm hơn Covid-19 trong công cuộc phát triển đất nước."