Shangri-La 2018: Đối thoại và xây dựng lòng tin để giải quyết các thách thức

Phạm Hà (từ: Shangri-La, Singapore) |

Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 bắt đầu với 3 phiên thảo luận và các phiên đồng thời, tập trung vào các vấn đề an ninh nóng của khu vực.

Sau phiên họp, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng đã có buổi trả lời báo chí về kết quả của ngày đối thoại đầu tiên, cũng như hoạt động và quan điểm của đoàn Việt Nam trong các phiên thảo luận ngày 2/6.

PV: Thưa ông, Việt Nam tham gia Đối thoại Shangri-La 2018 ở cấp cao nhất, cấp Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hôm nay cũng có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ 3. Xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam đưa ra tại Đối thoại Shangri-La lần này là gì?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Sáng 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách quốc phòng cũng như học giả.

Có thể nói trước hết, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã có cái nhìn nhận, đánh giá khách quan về các thách thức đang nổi lên trong khu vực, trong đó có thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Việc định hình cấu trúc an ninh khu vực đang làm cho thế giới có những chuyển động vừa tích cực, cũng như thách thức nghiêm trọng. Vấn đề thứ 2 là đánh giá về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, những dấu hiệu tích cực gần đây trong các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, với vai trò lớn của các nước liên quan như Nga, Trung Quốc…

Vấn đề thứ 3 là giải quyết những nỗ lực về một trật tự an ninh đang biến đổi bằng biện pháp hòa bình. Từ những phân tích trên, Bộ trưởng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch có trình bày trước Diễn đàn thông điệp về độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là nền tảng an ninh cho hòa bình và phát triển.

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch ở Đối thoại Shangri-La Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định: “Độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển”.

PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá về quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại , xây dựng lòng tin để giải quyết các xung đột và thách thức an ninh hiện nay, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Để hóa giải vấn đề đang diễn ra trong khu vực, hay nói các khác là hóa giải các thách thức đang đặt ra, trong thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng cũng đề xuất 4 vấn đề hợp tác.

Thứ nhất đó là về các cơ chế hợp tác đối thoại cần và đạt được trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế về các công ước của Liên Hợp Quốc, trong đó có Luật biển 1982 về các tuyên bố ứng xử của các bên về DOC cũng như Bộ Qui tắc ứng xử COC.

Vấn đề thứ 2 phải xây dựng lòng tin thực chất, đây chính là điều kiện và nền tảng giải quyết tất cả các xung đột. Hiện nay chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề, không những biên giới trên bộ hoặc là biên giới trong cửa Vịnh Bắc Bộ, chúng ta cũng đang tiếp tục giải quyết những vấn đề hiện đang tồn tại và tranh chấp, với phương châm đó là phải giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền lợi, lợi ích tối cao dân tộc, đồng thời cũng bảo vệ lợi ích của các quốc gia khác.

Vấn đề thứ 3 là đề cao trách nhiệm hành xử của các quốc gia, trong đó có vai trò của các nước lớn trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực, đảm bảo quyền lợi chung, không vì ý đồ riêng, xâm phạm chủ quyền quốc gia khác, hoặc là vi phạm lợi ích quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong các giải pháp được định hướng trong tuyên bố DOC và Bộ Qui tắc COC, phải tuân thủ nghiêm túc, tránh nói không đi đôi với làm. Vấn đề thứ 4 là tăng cường hiệu quả và mở rộng đa dạng hóa các cơ chế hợp tác.

Hiện nay chúng ta có nhiều cơ chế giải quyết xung đột trong đó có vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, những vấn đề làm được ta phát huy. Còn những vấn đề chưa làm được cần thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin để tìm ra giải pháp tốt nhất, tránh xảy ra xung đột vũ trang.

Quan điểm của chúng ta là luôn giữ vững độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong giải quyết các vấn đề, tránh sử dụng vũ lực cũng như đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

PV: Với những phiên thảo luận chính thức và đồng thời, xin ông đánh giá kết quả chung Ngày thảo luận đầu tiên của Đối thoại Shangri-La?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Chúng tôi bước đầu thấy rằng, các nước đều muốn giải quyết trật tự an ninh đang có biến đổi ở khu vực châu Á, trước hết là tăng cường đối thoại, thông qua đối thoại, xây dựng tăng cường lòng tin chiến lược, giảm bớt thách thức, giảm bớt thiếu lòng tin giữa các nước lớn, đặc biệt cách hành xử của các nước lớn và nước nhỏ trong khu vực.

Đây là điểm thứ nhất đạt được. Điểm thứ 2 là cùng chung tay đảm bảo môi trường hòa bình ổn định cho các quốc gia, khẳng định vai trò trách nhiệm của một số nước lớn trong khu vực.

Đương nhiên, điều này cũng đặt ra các thách thức và chúng ta tiếp tục theo dõi những lời nói, tuyên bố với các hành động thực tiễn sẽ đạt đến mức thế nào. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chống khủng bố đã làm nóng hội trường.

Tôi thấy rằng, tất cả đều hướng tới một phương pháp thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin lẫn nhau, đảm bảo môi trường hòa bình, hạn chế xung đột trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại