Sếp Nhật mang ủng cao su, sếp Anh đi giày da bóng: Đây là câu trả lời vì sao Nhật đứng trên cao, còn Anh thì tụt hậu

L.T |

Nhờ phát minh động cơ hơi nước vào thế kỷ 19, Anh vươn mình trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Khi đó, Nhật nghèo đói và lạc hậu. Nhưng một thế kỷ sau, mọi chuyện đã xoay chiều.

Kỷ nguyên tăng trưởng thần tốc của Nhật Bản kéo dài từ năm 1955 đến năm 1973, với tốc độ tăng trưởng GDP hai con số, dù Nhật là quốc gia bại trận trong thế chiến II. Ngược lại, Anh dần rơi vào thời kỳ suy thoái công nghiệp nặng, phải dựa vào dịch vụ và nông nghiệp. Suốt nhiều thập niên sau đó, khoảng cách giữa Anh và Nhật ngày càng nới rộng, khi con rồng châu Á có thời trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Anh chỉ còn là cái bóng của chính mình tại lục địa già.

Trong cuốn hồi ký của mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu kể về sự tương phản mạnh mẽ trong những nhà máy của Nhật và Anh vào thời kỳ này. Mọi thứ, từ nhân công, cung cách quản lý, điều hành, đến thói quen của giới chức lao động, đã góp phần tạo ra khoảng cách đáng kể như trên, điều mà không phải người phương Tây nào cũng nhận thấy.

Đó là năm 1967, khi ông Lý Quang Diệu viếng thăm xưởng đóng tàu Yokohama của IHI (Ishikawajima-Harima Industries) ở Nhật. Đây vốn là đối tác của một xưởng đóng tàu lớn ở Singapore.

Phó chủ tịch của IHI là Tiến sĩ Shinto, là một người đàn ông cương quyết, mạnh mẽ, có năng lực. Thủ tướng Lý Quang Diệu nhận thấy vị này mặc đồng phục như các công nhân, đi ủng cao su, đội nón bảo hộ lao động và đi bộ xuống khu xưởng cũng với phái đoàn ngoại giao của Singapore.

Tiến sĩ Shinto biết từng centimet trong xưởng và tường thuật lại việc điều hành bằng tiếng Anh cho đoàn khách đến từ Singapore. Ông ăn trưa tại văn phòng, tranh thủ bàn công việc và cho biết để có thể trở thành quản lý, ông đã phải bắt đầu công việc từ một công nhân nhà máy. Giờ đây, khi điều hành xưởng, ông duy trì thói quen đến thăm các công nhân thường xuyên, để cổ vũ tinh thần và năng suất lao động cho họ.

Cùng năm đó, người Singapore cũng đến thăm xưởng của một doanh nhân người Anh. Đó là xưởng đóng tàu Swan Hunter, Tyneside, Anh. Người điều hành trực tiếp khu xưởng - ông John Hunter - mặc một bộ comple rất đẹp, đi đôi giày được đánh xi bóng loáng để tiếp dẫn ông Lý Quang Diệu đi thăm xưởng. Họ đến đó trên một chiếc Rolls Royce.

"Đôi giày của chúng tôi dính bẩn khi chúng tôi đi qua những sàn xưởng đầy dầu mỡ, điều tôi không hề thấy ở IHI. Khi chúng tôi chuẩn bị bước lên xe, tôi ngập ngừng. Ngài John thì không. Ông ta chùi đế giày lên nền nhà và bước lên xe. Nơi ông ta chùi, những vết dầu mỡ còn in lại lên tấm thảm màu be dày.

Chúng tôi cũng được mời làm như vậy. Chắc hẳn trông tôi có vẻ ngạc nhiên nên ông ta nói: 'Họ sẽ giặt nó'. Chúng tôi ra đi, không phải đến ăn một bữa trưa bàn công việc mà đến khách sạn Gosforth, nơi chúng tôi có một bữa trưa tuyệt hảo trước khi chơi golf 18 lỗ", ông Lý Quang Diệu viết trong hồi ký.

Sếp Nhật mang ủng cao su, sếp Anh đi giày da bóng: Đây là câu trả lời vì sao Nhật đứng trên cao, còn Anh thì tụt hậu - Ảnh 1.

Sự sát sao và tận tụy của những quản lý người Nhật đã khiến năng suất lao động của quốc gia này tăng nhanh, bởi không một ai trong hệ thống đó đặt mình ra ngoài cuộc đua tiến độ và công việc. Trong khi đó, phong cách quản lý xa lánh, phân cấp quá rõ ràng của người Anh khiến nhiều hoạt động đình trệ, thiếu hiệu quả.

Sống mòn trong thành tựu của quá khứ, các quốc gia thuộc lục địa già, như Anh, khó lòng tạo nên làn sóng sáng tạo đủ lớn để chuyển mình một lần nữa. Ủng cao su và giày xi bóng chỉ là những khác biệt nhỏ, nhưng lại tạo ra khoảng cách khó có thể rút gọn giữa Anh và Nhật hiện nay: một người vẫn ở đỉnh cao, còn một bên đã ở bên kia của hào quang quá khứ.

Nội dung được trích từ cuốn sách Hồi Ký Lý Quang Diệu: Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.

Cuốn sách là những câu chuyện tổng kết về những sự kiện xảy ra sau những năm độc lập đầu tiên của quốc gia này, được kể lại bởi chính nhà kiến tạo quốc gia Lý Quang Diệu, cho thấy chặng đường và những quyết sách đã đưa Singapore đi từ ngưỡng cận kề diệt vong lên thành một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới sau 30 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại