Vài tháng trước, ông Diệp vẫn làm mưa làm gió trên thương trường, trong đó có thương vụ thôn tính tập đoàn phát thanh của Czech với giá 609 triệu USD hồi tháng 11 năm ngoái. Tháng 9/2017, CEFC chi 9,1 tỷ USD để mua 14,2% cổ phần của hãng dầu mỏ Nga Rosneft.
Ngay sau khi có tin ông Diệp bị bắt, giá cổ phiếu của ba công ty liên kết với CEFC giảm mạnh trên các thị trường chứng khoán tại Hong Kong, Thâm Quyến, Singapore, bốc hơi 4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14.000 tỷ đồng) ngay đầu phiên giao dịch.
Ban đầu, Diệp là nhân viên Bộ Lâm nghiệp, rồi mua một số công ty dầu khí bị nhà nước đấu giá. Chỉ trong 5 năm, Diệp thành lập một đế chế kinh doanh với doanh số 263 tỷ nhân dân tệ trước khi ông bước sang tuổi 40 tuổi và thâu tóm nhiều công ty năng lượng lớn trên thế giới bằng việc bỏ ra nhiều tỷ nhân dân tệ, chủ yếu do các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ.
Diệp là nhà sáng lập CEFC khi mới ngoài 20 tuổi. Năm 2016, Diệp được xếp ở vị trí thứ hai trong bảng danh sách “40 người dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất thế giới” do tạp chí Forbes bình chọn, đứng trên cả ông Emmanuel Macron, người sau này trở thành Tổng thống Pháp.
Trước đó, ngày 21/11 năm ngoái, ông Patrick Ho Chi Ping, 68 tuổi, cựu lãnh đạo Sở Nội vụ Hong Kong, người đứng đầu nhóm tư vấn của CEFC, bị bắt tại New York vì tội hối lộ một số quan chức chính phủ châu Phi thông qua các tổ chức tài chính của Mỹ.