SeaSpider - khắc tinh ngư lôi đáng sợ của Đức

Lê Ngọc |

SeaSpider đáp ứng tốt tất cả các bài thử về hệ thống điều khiển vũ khí, khả năng di chuyển dưới nước và phát hiện ngư lôi và tốc độ phản ứng.

Ngư lôi ngày càng được hoàn thiện

Sau Thế chiến 2, các chuyên gia tin rằng, tâm điểm của chiến tranh thế kỷ 21 là chiến tranh mạng, tuy vậy, trong mấy thập kỷ gần đây, một số lượng rất nhiều tàu ngầm và tàu mặt nước được đóng và mua mới.

Với lực lượng tàu ngầm ngày càng phát triển, mối nguy hiểm do các loại ngư lôi mang lại trong các cuộc hải chiến hiện đại cũng ngày càng tăng. Cuộc chiến trên các đại dương chủ yếu dựa vào các loại tên lửa nhưng việc đối phó với các mối đe dọa từ ngư lôi vẫn không hề bị coi nhẹ.

Các hệ thống phòng thủ chống ngư lôi đã được thiết kế và ứng dụng từ giữa thập niên 1950 gồm các thiết bị tạo tín hiệu thủy âm giả kéo theo tàu nhằm đánh lừa các loại ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh và một số vũ khí chống ngư lôi đơn giản.

Với các loại ngư lôi hiện đại, những thiết bị kể trên đã không còn hiệu quả; việc phát triển hệ thống phòng thủ ngư lôi từ cơ chế đánh lừa - né tránh đã phát triển lên cơ chế phát hiện - phân loại - định vị (DCL - Detection - Classification - Localization).

Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ, các ngư lôi đơn giản của đầu thế kỷ 20 được thay thế bằng ngư lôi với khả năng tìm kiếm, phát hiện và theo dõi mục tiêu cũng như các tính năng kỹ - chiến thuật ngày một cao.

Ngư lôi hiện đại có thể được điều khiển ở cự ly xa, đạt tốc độ di chuyển 60 hải lý/giờ và khả năng tấn công với tốc độ 300 hải lý/giờ; đồng thời, nhờ công nghệ pin mật độ năng lượng cao, có thể thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài.

Cùng với sự phát triển của công nghệ vật liệu, người ta có thể tạo ra các đầu dò có độ nhạy cao với dải tần số hoạt động rộng cho đầu dò sonar của ngư lôi.

Tương tự, sự phát triển của công nghệ vi mô, nano và thiết bị điện tử, đầu dò sonar không chỉ cho phép ngư lôi phát hiện, theo dõi và phân loại đồng thời nhiều mục tiêu trong không gian 3D với độ phân giải cao, mà còn cho phép chúng được trang bị các thuật toán đối phó tiên tiến.

Áp dụng thành tựu của công nghệ sợi quang, ngư lôi giờ đây có thể được điều khiển từ xa bằng cáp quang, với khả năng chuyển một lượng lớn thông tin đã biến ngư lôi thành vũ khí nguy hiểm hơn nhiều.

Ngoài ngư lôi hiện đại dẫn đường bằng âm thanh, những phát triển quan trọng trong lĩnh vực ngư lôi siêu dẫn hoạt động theo nguyên lý tạo một lớp không khí xung quanh ngư lôi nhằm giảm thiểu tiếp xúc của ngư lôi với nước, dẫn đến ma sát tối thiểu và tốc độ rất cao, cũng sẽ xuất hiện trong tương lai gần.

SeaSpider thế hệ 3 - khắc tinh ngư lôi đáng sợ của Đức

Ở Đức, ngoài một số tàu chiến sử dụng hệ thống phòng thủ ngư lôi bằng mồi bẫy kéo sau tàu dạng AN/SLQ-25 của Mỹ, công ty Atlas Elektronik GmbH còn phát triển hệ thống chống ngư lôi mang tên SeaSpider ATT (Anti-Torpedo Torpedo), còn có tên khác là MTW (Mini Torpedo Welcome) - hệ thống ngư lôi chống ngư lôi đầu tiên có thể tích hợp với các hệ thống phòng thủ ngư lôi cũ và mới trên thế giới.

Thử nghiệm cho thấy SeaSpider đáp ứng tốt tất cả các bài thử về hệ thống điều khiển vũ khí, cân bằng, khả năng di chuyển dưới nước, khả năng phát hiện ngư lôi và tốc độ phản ứng.

Sea Spider có thể sử dụng trên cả tàu nổi và tàu ngầm dạng bệ phóng gắn cố định hay bệ phóng có thể di chuyển trên sàn tàu.

Ngoài ra, nó cũng có thể phóng từ các bệ phóng rocket chống ngầm hay các ống phóng ngư lôi hạng nhẹ. Mỗi quả đạn SeaSpider đều có trang bị hệ thống dẫn đường bằng sonar riêng, có khả năng hoạt động ở chế độ truy tìm bằng sóng âm chủ động, thụ động và có thể được trang bị đầu nổ có khả năng phá hủy bất kỳ loại ngư lôi nào.

Tuần rồi, Atlas Elektronik GmbH cho biết, đã thử nghiệm thành công ngư lôi chống ngư lôi SeaSpider thế hệ thứ ba - sản phẩm hợp tác đồng phát triển với Trung tâm kỹ thuật Bundeswehr phục vụ chiến hạm và vũ khí hải quân, công nghệ hàng hải và nghiên cứu ứng dụng (WTD 71), bao gồm thử nghiệm hoạt động của hệ thống phòng thủ ngư lôi chiến hạm nổi; hệ thống phát hiện, phân loại và xác định tọa độ (TDCL); và ngư lôi chống ngư lôi (ATT), được thực hiện từ hạm tàu mặt nước.

Trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm, ngư lôi 483 mm Mk37 của Mỹ và ngư lôi 533 mm DM2A3 của Đức là mục tiêu. Chuỗi sonar thụ động và chủ động TDCL phát hiện ra mối đe dọa, xác định mục tiêu, tọa độ.

Dữ liệu được xử lý và chuyển đến nạp vào đầu tự dẫn ngư lôi SeaSpider, khởi động hệ thống phóng đạn trên mặt nước. SeaSpider nhận được thông tin đầy đủ về mục tiêu, cơ động theo hành trình đến điểm tiếp xúc gần nhất (CPA). Vụ đánh chặn thành công tại điểm CPA được xác minh bằng các bộ khí tài đầu thu âm thanh và quang điện tử.

SeaSpider có chiều dài 1940 mm (~ 6,4 feet), đường kính 210 mm (~ 8,3 inch), trọng lượng 107 kg (~ 236 lb), được cho là khắc tinh vô đối, có thể săn lùng và tiêu diệt ngư lôi hiện có của thế giới.

Động cơ đẩy dưới nước độc đáo cung cấp lực đẩy hiệu quả nhất cho ATT. Thời gian phản ứng nhanh của SeaSpider và khả năng phòng thủ tuyệt vời cũng như sonar tần số cao của nó cung cấp khả năng phòng thủ hiệu quả trong môi trường duyên hải đầy thách thức.

SeaSpider có thể được trang bị cho tàu mặt nước với khả năng phòng thủ mạnh giúp giảm thiểu tác động của các tác động môi trường làm giảm hiệu suất của khả năng phát hiện ngư lôi.

Đây là hệ thống phòng thủ ngư lôi duy nhất có hiệu quả chống lại tất cả các loại mối đe dọa ngư lôi, có xác suất đánh chặn cao, không phụ thuộc vào cảm biến và lực đẩy của ngư lôi tấn công. Thử nghiệm thành công của Đức với hệ thống ngư lôi SeaSpider cho thấy Nga không còn độc quyền trong lĩnh vực đánh chặn ngầm.

Atlas Elektronik đang đầu tư sản xuất dây chuyền ngư lôi ATT SeaSpider và tổ hợp thiết bị phòng thủ ngư lôi trên chiến hạm nổi mang tên Atlas Elektronik; đồng thời, đang nghiên cứu chế tạo phiên bản SeaSpider có khả năng truy kích và tiêu diệt ngư lôi đối phương thay vì chỉ làm mồi bẫy động như hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại