SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19

Dương Thuật |

Những thành công ngoài mong đợi của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 là bước đệm để chúng ta rà soát lực lượng, chuẩn bị cho ASIAD 19 diễn ra vào tháng 9 tại Trung Quốc.

Sau gần 2 tuần tranh tài sôi nổi, SEA Games 32 đã chính thức khép lại. Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 355 huy chương các loại, trong đó 136 HCV để dẫn đầu toàn đoàn một cách tuyệt đối, hơn đoàn đứng vị trí thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV. Đây là lần thứ ba Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games ở ngôi cao nhất. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn khi SEA Games tổ chức trên sân khách.

Mặc dù nhiều môn thể thao Olympic, thế mạnh của Việt Nam không được tổ chức ở SEA Games hoặc chỉ được đăng ký thi đấu với 70%, cộng thêm với lịch thi đấu ở nhiều môn không thuận lợi, nhưng các vận động viên của chúng ta vẫn xuất sắc giành HCV và phá được những kỷ lục.

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh giành 4 tấm HCV ở SEA Games 32 (Ảnh: Dương Thuật).

Trong số này phải kể đến trường hợp của Nguyễn Thị Oanh, người giành tới 4 tấm HCV ở SEA Games 32. Đáng chú ý, cô gái quê Bắc Giang đã giành 2 HCV chỉ sau 30 phút trong ngày 9/5, khi về nhất ở 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật.

Đánh giá về thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội trên đất Campuchia, ông Hoàng Quốc Vinh - Phó trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 cho biết: “Chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia. Đây là nỗ lực chung của toàn thể vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam”.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vinh, các vận động viên Việt Nam không chỉ giành thành tích cao tại SEA Games 32 mà còn để lại hình ảnh đẹp tới bạn bè trong khu vực: “Tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã lan toả, truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm, không lùi bước, không từ bỏ trước mọi khó khăn. Trong đó các nữ VĐV đã phát huy truyền thống của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, miệt mài, vượt khó khổ luyện, thi đấu kiên cường để toả sáng mang vinh quang về cho đất nước.

Đó là hình ảnh các cô gái của môn bóng đá nữ đã bảo vệ thành công ngôi vô địch lần thứ 8 hay các nữ VĐV môn thể thao Olympic đầy cực nhọc là môn Vật đã giành trọn bộ 6 tấm HCV của Đại hội. Ngoài ra, đó là hình ảnh VĐV ở các môn thể thao đối kháng, võ thuật đã thi đấu thật kiên cường, đóng góp tới 63 HCV, hơn 50% tổng số HCV, thể hiện được truyền thống thượng võ, sự dũng cảm, mưu trí của người Việt Nam”.

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 2.

Bơi lội Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu (Ảnh: Dương Thuật).

Nhận xét về thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32, nhà báo Đặng Việt Cường cho rằng: “SEA Games 32 là kỳ đại hội thành công của Việt Nam, khi lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nhất toàn đoàn trên sân khách. Theo tôi, đây là kỳ đại hội mà chúng ta thành công hơn kỳ SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, khi chúng ta giành được những tấm HCV rất quý giá ở các môn như golf, bóng rổ 3x3 nữ, bóng bàn đôi nam nữ hay cầu mây. Theo tôi, điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là Nguyễn Thị Oanh giành 4 tấm HCV gây chấn động thể thao khu vực. Đặc biệt, ĐT bóng đá nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công tấm HCV một cách đẳng cấp”.

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 3.

ĐT bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp giành HCV SEA Games (Ảnh: Dương Thuật).

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 4.

ĐT nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 32 một cách thuyết phục (Ảnh: Dương Thuật).

“Cho dù chương trình thi đấu ở SEA Games 32 thay đổi phân nửa, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn gặt hái được những thành công, điều này cho thấy chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt và nền thể thao chúng ta phát triển rộng dần. Về các môn Olympic, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục cho thấy được đẳng cấp của 2 nền thể thao mạnh nhất khu vực” - nhà báo Đặng Việt Cường chia sẻ thêm.

Bên cạnh những kỷ lục, những thành tích đột biến thì tại SEA Games 32, môn bơi lội hay điền kinh của Việt Nam đã không hoàn thành chỉ tiêu. Những vận động viên đẳng cấp cao như Lý Hoàng Nam (quần vợt) hay Trần Thị Tâm (boxing) vì những lý do khác nhau mà không giành được HCV. Đặc biệt là môn bóng đá, U22 Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều, nhưng đã không bảo vệ thành công được chức vô địch.

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 5.

U22 Việt Nam chỉ giành HCĐ ở SEA Games 32.

Lý giải về điều này, ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 cho biết: “Trong thi đấu thể thao có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành tích như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trình độ của thể thao các nước khu vực phát triển rất mạnh. Hiện tại, các nước đầu tư rất lớn bởi giá trị thương hiệu của SEA Games ngày càng được nâng cao. Nhiều quốc gia nhập tịch các vận động viên để phấn đấu giành thành tích cao tại SEA Games và hướng tới thành tích cao hơn cho ASIAD, Olympic. Vì thế, có nhiều nhân tố bí ẩn mà chúng ta không thể đánh giá chính xác.

Chỉ số dự báo của chúng ta vẫn có mức tối đa và tối thiểu bởi liên quan đến nhiều môn đối kháng trực tiếp, có trình độ ngang nhau. Ngay như đội bóng đá nữ của chúng ta cũng không thể chắc chắn là có HCV, khi chúng ta đã thua Philippines. Chúng ta thấy rất rõ trình độ các nước bạn đã lên rất cao nên để giành được những tấm HCV là rất khó khăn”.

Ngoài sự khó khăn về khách quan như ông Đặng Hà Việt nêu trên thì theo đánh giá của nhà báo Đặng Việt Cường, về mặt chủ quan thì những chỉ số chuyên môn ngay cả khi đạt HCV chưa đạt như kỳ vọng: “Điền kinh của Việt Nam giành 12 HCV, nhưng không hoàn thành chỉ tiêu trước ngày lên đường. Môn bơi lội vẫn đứng thứ 2 toàn đoàn, nhưng chỉ giành được 7 HCV và cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, điền kinh đang phụ thuộc nhiều vào các nội dung của nữ như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh.

SEA Games 32 - Bước đệm của Thể thao Việt Nam cho ASIAD 19 - Ảnh 6.

Bảng tổng sắp huy chương chung cuộc.

Ở những nội dung của nam tại môn điền kinh, sự cạnh tranh của các vận động viên Việt Nam là rất khó khăn. Bên cạnh đó, ở kỳ đại hội năm nay, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ có ít kỷ lục ở những môn Olympic. Những chỉ số của các vận động viên của chúng ta ở SEA Games 32 ngay cả trường hợp của Nguyễn Thị Oanh vẫn kém xa thành tích châu lục để cạnh tranh huy chương”.

Trong năm 2023, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tranh tài ở ASIAD tại Trung Quốc nên thành công ở SEA Games 32 về cơ bản sẽ là bước đệm để chúng ta thể hiện tham vọng của mình tại sân chơi châu lục. Tuy nhiên, nhìn vào những chỉ số chuyên môn tại SEA Games 32 của các môn Olympic, có thể thấy bản thân các vận động viên cũng như BHL và các nhà chuyên môn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành chỉ tiêu.

Xa hơn, 2 năm sau, SEA Games 33 sẽ được tổ chức tại Thái Lan với sự chuẩn hóa về các môn thi đấu. Đây là cơ hội để thể thao Việt Nam khẳng định vị thế của mình, đặc biệt là ở những môn Olympic. Nhưng đây cũng là thách thức không hề nhỏ với thể thao Việt Nam khi trình độ thể thao các nước trong khu vực cũng đang phát triển rất nhanh và xu hướng nhập tịch vận động viên cũng ngày càng nhiều./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại