Tấm huy chương vàng (HCV) của đội tuyển U23 Việt Nam ở môn bóng đá nam đã khép lại kì SEA Games thành công nhất lịch sử của đoàn thể thao Việt Nam. Đó là HCV cuối cùng chúng ta giành được tại kỳ đại hội trên sân nhà và cán mốc 205 HCV, qua đó chính thức cán đích với ngôi nhất toàn đoàn.
Hơn hết, Việt Nam trở thành quốc gia giành được nhiều HCV nhất lịch sử tại một kỳ SEA Games . Kỷ lục 205 HCV mà Việt Nam thiết lập bỏ xa kỷ lục 194 HCV của Indonesia có được tại SEA Games Jakarta năm 1997.
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam giành được 119 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31.
Cụ thể, môn điền kinh giành được nhiều nhất với 22 HCV, cân bằng kỷ lục của điền kinh Thái Lan. Ngoài ra, các môn nằm trong hệ thống của Olympic giành được HCV lần lượt là: Bơi lội (11), boxing (3), canoeing (8), xe đạp (4), đấu kiếm (5), bóng đá (2), thể dục dụng cụ (7), bóng ném (2), judo (9), bắn súng (7), bóng bàn (1), taekwondo (9), tennis (1), cử tạ (3), vật (17).
Nếu chỉ tính các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, với 119 HCV, đoàn thể thao Việt Nam vẫn xếp số 1 tại SEA Games 31, bỏ xa Thái Lan với với 92 HCV (tính cả các môn trong hệ thống Olympic).
Trong buổi trả lời báo chí ngày 23/5, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 khẳng định, Việt Nam là chủ nhà thì lợi thế về khán giả, nhưng chuyên môn thì không. Chính phủ, trong đó có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục chỉ đạo tổ chức SEA Games 31 công bằng, cao thượng, hướng tới các môn Olympic, ASIAD rồi mới tới khu vực.
“SEA Games 31 là sân chơi công bằng, sòng phẳng. Việt Nam không đưa thế mạnh của mình, mà hạn chế thế mạnh của bạn. Việc đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công phần lớn đến từ việc nhiều VĐV đã vượt qua chính mình khi thể hiện quyết tâm cao nhất. Những kỳ SEA Games gần đây ta luôn đứng trong 3 nước dẫn đầu Đại hội", ông Trần Đức Phấn cho biết.