Đây là triển vọng do tướng Charles Brown - chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ - đưa ra khi trả lời phỏng vấn tại một căn cứ ở Honolulu (Hawaii).
Tướng Brown nhận định Trung Quốc với năng lực quân sự ngày một lớn mạnh là mối đe dọa hữu hình. Đặc biệt cường quốc châu Á đang tăng cường khả năng tấn công các căn cứ Mỹ trong khu vực bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn như đặt tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong - 26 (DF-26) đủ sức bắn đến đảo Guam.
Để đối phó, lực lượng không quân Thái Bình Dương dự định áp dụng một loạt chiến thuật dựa trên sự di chuyển nhanh chóng của những đơn vị quy mô nhỏ, thay vì sử dụng lượng quân lớn đóng ở các căn cứ. Thúc đẩy đồng minh cũng như quốc gia đối tác triển khai F-35 có tác dụng giúp Mỹ linh hoạt sử dụng chiến thuật nêu trên.
Lưu ý rằng không quân Thái Bình Dương sắp sở hữu loại tiêm kích tân tiến này trong vòng 1 năm, tướng Brown hy vọng nâng cao năng lực của lực lượng do ông chỉ huy thông qua hoạt động tập trận chung cùng quốc gia sở hữu F-35 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.
Ngoài ba đồng minh, Singapore cũng vừa công bố kế hoạch mua F-35. Giới chức Washington nhiều khả năng chấp thuận bán.
Tướng Brown cho biết phần quan trọng của F-35 không chỉ là sức mạnh tấn công mà còn nằm ở cảm biến mà chiến đấu cơ được trang bị. Với hệ thống cảm biến, tiêm kích có thể cung cấp thông tin hữu ích để Mỹ ra quyết định và thực thi nhiệm vụ lúc tình huống bất ngờ xảy ra.
Hôm 9.4, một chiếc F-35A của Nhật vừa rơi trên Thái Bình Dương. Chính quyền Tokyo vì vụ tai nạn đã tạm đình chỉ tiêm kích, nhưng họ khẳng định sẽ tiếp tục sở hữu thêm nhiều chiến đấu cơ loại này.