SCMP: Tiếng nói của Bắc Kinh đang mất trọng lượng đối với Bình Nhưỡng?

Linh Nguyễn |

Theo ghi nhận từ SCMP, có một số dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã không còn như trước trong bối cảnh Mỹ - Trung hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ghi nhận, căng thẳng leo thang xoay quanh tham vọng hạt nhân của Triều Tiên dường như đang bắt buộc Trung Quốc và Mỹ phải hợp tác với nhau, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

"Cả hai ông lớn này đều đang xúc tiến việc hợp tác song phương về vấn đề Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập, nhưng có tồn tại nhiều khác biệt trong chủ trương của chính phủ hai nước," nhà nghiên cứu Li Kaisheng thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định.

"Trump cứng rắn với Triều Tiên, nhưng chính phủ Trung Quốc cũng cần khẳng định quan điểm rằng Bắc Kinh không hề mong muốn tình trạng bất ổn tại Bán đảo Triều Tiên, do đó hai bên rất cần tăng cường tần suất trao đổi trong thời gian ngắn."

Ông Sun Xingje, chuyên gia về Hàn Quốc thuộc Đại học Jilin cho biết cuộc khủng hoảng Triều Tiên có thể lại là dịp để Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung. Điều này có ý nghĩa quan trọng nếu đặt cạnh những vấn đề mang tầm khu vực khác như thương mại và tình hình ở Biển Đông.

Ông Sun cho biết thêm, mối lo lớn nhất của Trung Quốc là nguy cơ Bình Nhưỡng tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, còn Mỹ quan tâm hơn đến kho tên lửa đạn đạo xuyên châu lục của Triều Tiên.

"Một trong những thay đổi lớn nhất [sau hội nghị thượng đỉnh tại Mar-a-Lago] chính là Mỹ và Trung Quốc quyết định hợp tác để đối mặt với thách thức từ Triều Tiên, và cùng đặt ra giới hạn cho Bình Nhưỡng."

Mặc dù tình hình ở Bán đảo Triều Tiên dường như rất căng thẳng, nhưng nguy cơ bùng nổ khủng hoảng toàn diện "không nên bị thổi phồng", ông Sun nhận định.

"Mỹ tỏ ra chưa sẵn sàng tấn công quân sự Triều Tiên, và vẫn cần phụ thuộc vào Trung Quốc để gây sức ép lên Bình Nhưỡng và giảm thiểu căng thẳng."

Nhưng Triều Tiên vẫn giữ thái độ khiêu khích, gây lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể chủ động khơi mào chiến tranh. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cũng chuyển biến xấu trong vài tháng trở lại đây, từ khi Trung Quốc đột ngột ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên vào tháng 2/2017.

Đặc sứ về các vấn đề hạt nhân của Trung Quốc tại Triều Tiên là ông Vũ Đại Vĩ được cho là đã bị từ chối thẳng thừng khi ông đề nghị được gặp người đồng cấp Triều Tiên hồi tuần trước, theo Bloomberg.

Việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và ra dấu hiệu về sự thay đổi trong thái độ của Triều Tiên với đồng minh duy nhất.

Chỉ mới một tháng trước, Tổng lãnh sự Triều Tiên tại Hong Kong là Jang Song Chol trả lời phỏng vấn đài Phoenix TV rằng Bình Nhưỡng sẽ sát cánh cùng Bắc Kinh và Moscow để đối mặt với thách thức từ Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Jang cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trump vẫn đang "mò mẫm trong bóng tối" về chính sách đối ngoại với Triều Tiên.

Huang Jing, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Bắc Kinh biết Bình Nhưỡng mong muốn đàm phán thẳng thắn và bình thường hóa quan hệ với Washington, do đó thực ra chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc mới là bên đang chần chừ chưa giải quyết vấn đề Triều Tiên.

"Washington thấy rõ lợi ích trong việc sử dụng Triều Tiên để nắm chặt các đồng minh quan trọng trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản trong tay," Huang cho biết. "Mỹ cũng từng lợi dụng tình thế khó xử của Trung Quốc với Triều Tiên để tạo rắc rối cho Bắc Kinh, ví dụ như việc trì hoãn vòng đàm phán sáu bên."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại