Theo website Hải quân Trung Quốc, ngày 20/12 lực lượng hải quân nước đã tổ chức lần thứ 15 lễ tuyên thệ tiễn biên đội tàu hộ tống đi thực thi cái mà họ gọi là "nhiệm vụ" ở khu vực biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, đây là truyền thống của các hạm đội tàu hải quân nước này và mục đích là để tuyên truyền cho "chủ quyền lãnh thổ" (trái phép -ND).
Đáng chú ý, tại lễ tuyên thệ còn có sự tham gia của Dương Chí Lượng - Chính ủy biên đội tàu hộ tống - kẻ cướp Gạc Ma hiện đang được Bắc Kinh ngang nhiên tôn vinh như một công thần.
Trong lúc đọc lời tuyên thệ, Dương đã nhắc lại cuộc chiến mà Trung Quốc đã tiến hành nhằm xâm lược Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) ngày 14/3/1988.
Theo đó, Dương đã thừa nhận hành động xâm lược của quân đội Trung Quốc: Là đội trưởng, phụ trách một toán lính Trung Quốc khi đó, chính Dương đã dẫn theo binh sĩ lên một chiếc tàu tiến về phía Gạc Ma.
Dương Chính Lượng - kẻ cướp Gạc Ma hiện đóng vai trò là công cụ tuyên truyền của truyền thông Bắc Kinh. (Ảnh: Hải quân Trung Quốc)
Chính y là kẻ đã bắn vào các chiến sĩ Việt Nam đang vận chuyển vật liệu, chuẩn bị xây dựng các công trình hợp pháp ở Gạc Ma.
Báo hải quân Trung Quốc đã ngông cuồng gọi cuộc xâm lược Gạc Ma là hành động "kết thúc giai đoạn lịch sử chỉ dựa vào hoạt động ngoại giao để tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh".
Thực chất, đây là hành động xâm lược, dùng vũ lực chiếm đoạt trái phép một phần lãnh thổ Việt Nam, hoàn toàn không có cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở đây.
Thời gian gần đây, Dương Chí Lượng được bố trí xuất hiện khá nhiều trong các sự kiện tuyên truyền liên quan đến Biển Đông do Trung Quốc tổ chức.
Lần này, sau vụ thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ, Bắc Kinh lại một lần nữa đưa Dương Chí Lượng ra làm cái loa rêu rao, kích động những cái đầu nóng về vấn đề Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc cũng vừa rầm rộ tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm cái gọi là "ngày Trung Quốc thu phục" quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam với sự tham gia của Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi cùng thông điệp hiếu chiến.
Giới quan sát nhận định, những hành động này của Trung Quốc chính nhằm "nắn gân" Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về yêu sách chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh đang áp đặt ở biển Đông cũng như dọa nạt các nước láng giềng. Tuy nhiên, nó chỉ càng làm lộ rõ những mưu đồ của Trung Quốc trong khu vực.
Ngày 12/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam
trước việc ngày 8/12, Hải quân Trung Quốc tổ chức kỷ niệm cái gọi là "70
năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải
Bình nêu rõ:
"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ
quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của
Việt Nam. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cộng đồng quốc tế đã bác
bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.
Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của
Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế
phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt
Nam kiên quyết phản đối"./.