Đây là nhận định được tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (thuộc FiinGroup) đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động của một số trường hợp vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến các đối tượng trên thị trường vốn Việt Nam.
Theo FiinRatings, sức khỏe tài chính của các công ty bất động sản về tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn, trừ những công ty, dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng. Mức độ đòn bẩy tài chính của ngành bất động sản và phân khúc bất động sản dân cư vẫn cơ bản tương đối thấp so với giai đoạn 7 năm trước.
Vấn đề đáng chú ý được báo cáo đề cập là áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới. Cụ thể, quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỉ đồng vào cuối năm 2021, 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới (từ 2022-2024). Như vậy, sẽ có khoảng 138.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn.
Khoảng 138.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đến hạn trả vào 2-3 năm tới
Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận áp lực trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dần hồi phục sau đại dịch là rất lớn. Điều này có thể gây ra rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng.
"Áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu do cổ phiếu được cầm cố để làm bảo đảm cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp…" - chuyên gia của FiinRatings nhận định.
Quy mô tín dụng trái phiếu thời điểm cuối năm 2021 ở mức 273.900 tỉ đồng, chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, FiinRatings cho rằng các vụ việc xảy ra trên thị trường hiện nay có khả năng sẽ không tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây cũng nhận định trong trường hợp các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tập đoàn Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân, mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp.
Về phía các ngân hàng, tác động trực tiếp của việc hủy kết quả phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh là không nhiều. Theo thông tin hiện có, các tổ chức tín dụng đã tham gia mua ít nhất 3 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, quy mô 3.000 tỉ đồng trái phiếu của 3 đợt trên và 10.000 tỉ đồng trái phiếu của 9 đợt phát hành (đã bị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ) vẫn có tỉ trọng thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động đa chiều đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn chọn lọc kỹ càng hơn rất nhiều về điều khoản đi kèm của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.