Sau vụ cháy chung cư mini 56 người chết: Các gia đình thoát nạn chia sẻ kỹ năng đơn giản để sống sót

B. Bình (Tổng hợp) |

Sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng để lại hậu quả thương tâm tại Hà Nội, nhiều gia đình may mắn thoát nạn đã kể lại cách xử lý tình huống và kỹ năng nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra hoả hoạn.

Nhiều gia đình chui vào tủ, bịt kín cửa để ngăn khói trong vụ cháy chung cư mini

Hơn 2 ngày kể từ sau vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, người dân trên cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.

Trước sự việc trên, nhiều người quan tâm đến việc làm thế nào để thoát ra an toàn trong trường hợp khẩn cấp như cháy, nổ ở chung cư mini.

Sau vụ cháy chung cư mini 56 người chết: Các gia đình thoát nạn chia sẻ kỹ năng đơn giản để sống sót - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội.

Chia sẻ trên VTV sau vụ cháy kinh hoàng,chị H. sống tại tầng 7 của căn chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) bàng hoàng kể lại: "Khoảng 12h đêm hôm đó, toàn chung cư mini nhà tôi mất điện, tôi thấy mọi người hò hét. Không biết chuyện gì xảy ra, tôi mở cửa ra ngoài xem. Nhưng ngay khi mở cửa chính ra, tôi thấy khói mù mịt. Tôi nghe thấy mọi người kêu ‘Cháy! Chạy đi!". Hoảng hốt, cả nhà tôi cùng nhau chạy lên sân thượng nhưng khói quá, không chịu được nên cả nhà tôi chạy về căn hộ của mình".

Chia sẻ kỹ năng thoát nạn trong đám cháy kinh hoàng tại chung cư mini, chị H. cho hay: "Cả nhà tôi khi đó dù rất hoảng hốt nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, đóng kín tất cả các cửa của căn hộ, sau đó chèn khăn ướt vào các khe cửa để ngăn khói tràn vào nhà. Sau khi bịt kín các khe cửa, cả nhà trong đó có 2 bé che khăn ướt lên mũi và miệng để tránh hít phải khói độc".

Cả nhà bám trụ trong căn hộ vài tiếng đồng hồ, vừa kêu cứu, hô hoán, soi đèn ra bên ngoài; vừa cố gắng động viên nhau chờ lực lượng phòng cháy chữa cháy tới cứu hộ.

"Tới khoảng 4h, có người tới ứng cứu và cả nhà may mắn thoát nạn", chị H. giọng vẫn còn run run hồi tưởng.

Sau vụ cháy chung cư mini 56 người chết: Các gia đình thoát nạn chia sẻ kỹ năng đơn giản để sống sót - Ảnh 2.

Dùng mải mềm, khăn ướt chèn vào cửa để ngăn khói. Ảnh minh họa: Cục PCCC&CNCH

Đây cũng là kỹ năng để nâng cao khả năng sống sót khi cháy chung cư được ghi trong cẩm nang Cháy - kỹ năng phòng và thoát nạn của đại tá Nguyễn Minh Khương, Cục phó Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.

Thực tế, khi xảy ra cháy, nhiều người mở cửa phòng đột ngột, ngọn lửa bên ngoài tạt vào người gây chấn thương, nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, khi mở cửa, bạn lưu ý:

- Trước khi mở cửa: quan sát quanh khe của cánh cửa xem có ánh lửa hay có khói lọt qua khe cửa không, nếu có, tuyệt đối không mở cửa đột ngột. Nếu không có ánh lửa, khói, bạn kiểm tra nhiệt độ cánh cửa hoặc tay nắm cửa bằng cách dùng lưng các đốt ngón tay, mu bàn tay, sờ nhẹ, tránh bị bỏng tay khi đột ngột chụp lấy tay nắm cửa.

- Nếu tay nắm cửa không nóng, không có khói quanh cánh cửa, bạn cúi thấp người, từ từ mở cửa, quan sát khả năng thoát khỏi phòng.

- Nếu mở cửa và thấy đám cháy đã phát triển lớn, khói dày đặc, nếu bạn không có áo chống cháy, mặt nạ phòng độc để thoát ra ngoài thì ngay lập tức phải đóng cửa thật chắc chắn. Bạn sau đó vào nhà lấy khăn, vải mềm tẩm ướt, chèn vào khe xung quanh cửa để hạn chế khói vào phòng và gọi gay lực lượng cảnh sát PCCC theo số 114 để được ứng cứu.

Trong một trường hợp khác, anh Anh Lưu Văn Công (30 tuổi, quê Nam Định) là một trong những nạn nhân thoát chết sau cháy lớn chung cư mini ở ngõ 29 phố Khương Hạ kể lại:

Khoảng 23h50, vợ chồng anh chuẩn bị đi ngủ thì cả toà nhà bỗng mất điện, kèm theo tiếng hô cháy lớn của mọi người. Anh chị vội mở cửa chạy xuống tầng 2 để thoát thân nhưng khói và lửa lớn bắt đầu bùng lên dữ dội, chặn đường đi xuống.

Những tiếng nổ lớn do cháy loạt xe máy ở tầng 1 phát ra liên tục, quá sợ hãi vợ chồng anh Công chạy lên ban công tầng 9 nhưng bị sức nóng kèm khói chặn đường. Không còn cách nào vợ chồng anh chạy lại vào phòng dùng các biện pháp tránh ngạt khói.

Tận dụng 2 bình nước loại 20 lít có sẵn trong nhà, anh Công cùng vợ lôi hết quần áo trong tủ thấm nước để che mũi, miệng. Sau đó, hai vợ chồng anh trốn vào tủ quần áo, báo tin cho người thân cùng cứu hỏa đến giúp đỡ và may mắn được cứu sống kịp thời.

Bằng cách tương tự, chị L. kể lại, giữa đêm nghe tiếng còi inh ỏi báo cháy, hai vợ chồng chị chạy xuống tầng 1. "Lúc này khói nhiều, không ra được nên chúng tôi quay lên tầng 8. Chồng tôi kéo các con chạy vào nhà rồi đóng kín cửa. Khói bùng lên, không thở được nên chúng tôi chui vào tủ quần áo trốn, gọi cứu hộ. Sau đó nghe lời cứu hộ, chúng tôi chạy ra hành lang, được giải cứu và đưa đến bệnh viện sau đó", chị L. nhớ lại.

Kỹ năng xử lý khi bị mắc kẹt do cháy ở các chung cư, tòa nhà cao tầng

Ngoài các kỹ năng chống ngạt khói, mới đây, Bộ Công an hướng dẫn một số bước xử lý khi bị mắc kẹt do cháy ở các chung cư, tòa nhà cao tầng trong các tình huống cụ thể như sau:

Khi bị mắc kẹt ở các ban công, lô gia hoặc trên mái của các công trình cao tầng để tránh đám cháy: Trong trường hợp này mọi người phải bình tĩnh và bằng mọi cách gọi điện theo số 114 và thông báo vị trí đang mắc kẹt cho các lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, khi đến họ sẽ dùng các phương tiện chuyên dụng để cứu. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ có phương pháp cứu phù hợp như: triển khai xe thang hoặc có thể tiếp cận trực tiếp và sử dụng dây để đưa người bị nạn xuống nơi an toàn.

Sau vụ cháy chung cư mini 56 người chết: Các gia đình thoát nạn chia sẻ kỹ năng đơn giản để sống sót - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ các tình huống mắc kẹt tại ở ban công, lô gia hoặc trên mái của các công trình cao tầng. Nguồn: Bộ Công an

Tình huống người bị nạn mắc kẹt tại các vị trí (cửa sổ, ban công…) và đang bị các yếu tố nguy hiểm trực tiếp tác động (khói, lửa…): Khi đó, có thể sử dụng các vật dụng sẵn có xung quanh (mền chăn, ga giường, vòi chữa cháy,…) kết thành dây để tụt xuống các vị trí bên dưới và sau đó thoát ra nơi an toàn. Tuy nhiên, khi buộc dây phải chọn các cấu kiện chắc chắn, các mối buộc phải chặt, tránh bị tuột, bung, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc chấn thương.

Sau vụ cháy chung cư mini 56 người chết: Các gia đình thoát nạn chia sẻ kỹ năng đơn giản để sống sót - Ảnh 5.

Ảnh: Bộ Công an

Trường hợp người bị nạn mắc kẹt trên mái nhà hoặc tại các vị trí cheo leo nguy cơ có thể bị rơi xuống bất kỳ lúc nào: Khi đó, người bị nạn phải giữ bình tĩnh, ổn định vị trí, không gào khóc, không di chuyển. Mọi người xung quanh cần động viên, trấn an tinh thần người bị nạn (đặc biệt đối với trẻ nhỏ) và chờ lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến sử dụng các biện pháp đặc chủng để cứu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại