Theo Defense News, triển lãm hàng không Dubai sẽ bế mạc vào hôm nay (16/11), tuy nhiên, có khá ít thỏa thuận đạt được. Cho tới thời điểm này, chưa có hợp đồng lớn nào được công bố.
Các công ty quốc phòng "thắng lớn" trong triển lãm lần này đến từ Mỹ và châu Âu, tuy nhiên đa phần đơn hàng đến từ nước chủ nhà - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE - một quốc gia quân chủ chuyên chế liên bang tại Tây Á).
Dưới đây là các hợp đồng đã được công bố:
- Ngày 12/11, Lockheed Martin là đơn vị giành được thỏa thuận đầu tiên. Họ đã ký hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với UAE để nâng cấp 80 máy bay chiến đấu F-16 Block 60 cho quốc gia này.
Lockheed từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về gói nâng cấp nhưng đánh giá "đây là một bước tiến trong quan hệ đối tác giữa hai phía để nâng cao khả năng phòng không và đảm bảo an ninh quốc gia cho UAE".
- Ngày 14/11, quân đội UAE tiếp tục ký một hợp đồng khác với hãng Dassault (Pháp) để nâng cấp phi đoàn 62 chiếc Mirage 2000-9. Thỏa thuận này trị giá khoảng 350 triệu USD, được xem là bước đệm để mở ra khả năng UAE sẽ mua các máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong tương lai.
- Cũng trong ngày 14/11, tập đoàn Raytheon của Mỹ giành được hợp đồng trị giá 684,4 triệu USD để cung cấp các loại bom dẫn đường GBU-10 và GBU-12 Paveway cho UAE.
- Sang đến ngày 15/11, quân đội UAE tuyên bố đã đạt một thỏa thuận với hãng Airbus để mua 5 máy bay vận tải C-295. Cho tới thời điểm này, đây là hợp đồng duy nhất đặt hàng máy bay mới.
Theo thông cáo của triển lãm hàng không Dubai, hợp đồng này trị giá 250 triệu USD.
UAE là khách hàng mới của máy bay vận tải C-295. Trước đó, mẫu máy bay này đã được hơn 20 quốc gia đặt hàng.
Theo bản báo cáo của Airbus, tính tới cuối tháng 6/2016, tại khu vực châu Á đã có 5 quốc gia trở thành khách hàng của C-295, bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Kazakhstan.
Ngoài ra, hồi tháng 3 năm nay, tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin, Bộ Quốc phòng Ấn Độ (MOD) dự kiến sẽ đàm phán mua 56 máy bay vận tải C-295 của Airbus để thay thế cho các máy bay vận tải Avro 748M đã cũ.
Các quan chức Ấn Độ ước tính thỏa thuận này sẽ có giá trị khoảng 1,78 tỷ USD. Trong số này, 16 chiếc C-295 sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc và 40 chiếc được chế tạo tại Ấn Độ.
Máy bay vận tải C-295 của Không quân Việt Nam. Nguồn: QPVN
C-295 được đánh giá là một trong những loại máy bay vận tải hạng trung tiên tiến nhất thế giới với những ưu điểm vượt trội.
Thông số kỹ thuật cơ bản:
- Phi hành đoàn: 2 người; Dài: 24,5 m; Sải cánh: 25,81 m; Cao: 8,6 m; Trọng lượng cất cánh tối đa: 23.200 kg
- Động cơ: 2 động cơ cánh quạt PW127G, công suất 2.645 mã lực/chiếc; Tốc độ tối đa: 576 km/h; Tốc độ hành trình: 480 km/h.
- Khả năng chuyên chở: 71 lính hoặc 9.250 kg hàng hóa; Tầm bay: 4.600 km (3 tấn hàng hóa), 3.700 km (6 tấn hàng hóa), 1.300 km (9,25 tấn hàng hóa).
Airbus giới thiệu máy bay C-295