Sau tàu tuần tra Hamilton, Mỹ có thể cung cấp khinh hạm Oliver Hazard Perry cho Việt Nam?

Hải Dương |

Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển rất tốt đẹp và dự kiến sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.

Trong tháng 12/2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã làm lễ tiếp nhận tàu tuần tra CSB 8020 vốn là chiếc USCGS Morgenthau (WHEC 722) lớp Hamilton vừa được Tuần duyên Hoa Kỳ cho nghỉ hưu. Đây chính là trang thiết bị quốc phòng lớn nhất có nguồn gốc từ Mỹ trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn được tiếp nhận thêm các phương tiện quân sự từ Hoa Kỳ mà trước hết là tàu tuần tra, dẫn đến nhận định rằng khả năng cao phía bạn sẽ cung cấp thêm cho chúng ta một tàu tuần tra Hamilton nữa sắp được rút khỏi lực lượng tác chiến là chiếc USCGC Sherman (WHEC 720).

Nhu cầu của Việt Nam đối với tàu quân sự đã qua sử dụng của Mỹ theo đánh giá là tương đối lớn do những chiến hạm này có độ bền khung thân rất cao, đủ khả năng phục vụ thêm một thời gian dài nữa, đặc biệt khi điều kiện của ta chưa cho phép đóng mới nhiều con tàu trên 3.000 tấn.

Sau tàu tuần tra Hamilton, Mỹ có thể cung cấp khinh hạm Oliver Hazard Perry cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Khinh hạm Oliver Hazard Perry của Hải quân Hoa Kỳ trong tình trạng niêm cất bảo quản

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu trong tương lai không xa, khi phía Mỹ đã hết tàu tuần tra Hamilton để bàn giao theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa - EDA, mà Việt Nam vẫn muốn được nhận tiếp tàu cũ đã loại biên thì Hoa Kỳ có thể cung cấp cho chúng ta lớp tàu nào?

Ứng viên sáng giá nhất và cũng đồng thời duy nhất thỏa mãn yêu cầu chính là các khinh hạm 4.000 tấn lớp Oliver Hazard Perry. Hải quân Mỹ đã loại biên con tàu cuối cùng thuộc lớp mang tên USS Simpson vào ngày 29/9/2015. Bên cạnh việc mang ra làm bia tập bắn thì họ vẫn giữ lại khá nhiều tàu nhằm mục đích tìm đối tác mua lại.

Có một chi tiết cần lưu ý đó là mặc dù mới nghỉ hưu nhưng trong thời gian cuối cùng tại ngũ, lớp chiến hạm này đã bị tháo bỏ ray phóng Mk 13 phía trước, khiến nó không triển khai được tên lửa phòng không SM-1 cũng như tên lửa chống hạm Harpoon mà chỉ còn đảm nhiệm chức năng của một tàu tuần tra thông thường.

So sánh với tàu cutter lớp Hamilton thì khinh hạm Oliver Hazard Perry thực chất hoàn toàn tương đồng về vai trò, cho nên chúng có thể được bán lại cho một đối tác nào đó nhằm thực hiện nhiệm vụ như tàu cảnh sát biển.

Sau tàu tuần tra Hamilton, Mỹ có thể cung cấp khinh hạm Oliver Hazard Perry cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Khinh hạm USS Rodney M. Davis (FFG 60) lớp Oliver Hazard Perry khi đã tháo bỏ ray phóng đơn Mk 13

Dĩ nhiên từ tàu tuần duyên sang tới tàu chiến đích thực là một bước đi tương đối dài, Việt Nam và Hoa Kỳ cần xây dựng thêm lòng tin để xóa bỏ mọi rào cản còn tồn tại giữa hai nước thì lúc đó viễn cảnh trên mới có khả năng trở thành hiện thực.

Thậm chí còn một tương lai tươi sáng hơn, đó là Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho chúng ta để chiếc hộ vệ hạm này trở lại đúng với mục đích thiết kế là tàu chiến đa năng như cách mà họ đã thực hiện đối với những đồng minh thân cận.

Sức mạnh khinh hạm Oliver Hazard Perry (FFG 7) - Tàu đầu tiên thuộc lớp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại