So với đầu tháng 4, sầu riêng Ri 6 tại vườn tiếp tục mất giá 30-40% về 50.000-55.000 đồng/kg. Khảo sát tại các nhà vườn Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ cho thấy, giá sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 50.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng so với đầu tháng 4 và giảm khoảng 120.000 đồng so với mức giá kỷ lục đầu tháng 2.
Anh Phúc, một nông dân trồng sầu riêng tại Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, thời điểm này sầu riêng đang chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn khiến giá bán giảm mạnh so với tuần trước.
Theo anh Phúc, hiện các đối tác Trung Quốc không còn mua ồ ạt như trước. Đặc biệt, nguồn cung sầu riêng ở các như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, hay tại khu vực Đông Nam Bộ đang tăng cao nên thương lái, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn.
"Từ đây đến hết tháng 4 Âm lịch, còn một đợt thu hoạch sầu riêng nữa nên nguồn cung dự báo khá dồi dào. Tuy giá giảm nhưng nhà vườn vẫn có lời từ 3.000-9.000 đồng/kg", ông Phúc cho hay.
Giá sầu riêng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang giảm mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, lượng tiêu thụ sản phẩm này tăng rất mạnh. Sầu riêng đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chỉ sau thanh long.
Theo ông Nguyên, bất cập hiện nay là diện tích sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng mới chỉ hơn 245 mã với mỗi mã có diện tích 10 ha, năng suất khoảng 20 tấn quả/ha. Tính ra sản lượng sầu riêng đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc rất nhỏ giọt so với tổng sản lượng cả nước, khoảng 1,3 triệu tấn/năm.
"Hiện nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu hết hạn ngạch nên nếu không tiếp tục được cấp mã số vùng trồng, hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong thời gian tới sẽ gặp khó. Nguy cơ tồn đọng, ùn ứ sầu riêng có thể xảy ra", đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Giá cam tại các tỉnh phía Nam đang giảm do nguồn cung dồi dào khi vào chính vụ.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết năm 2022, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng vượt khoảng 26.000 ha, nâng tổng số diện tích loại cây trồng này lên khoảng 100.000 ha.
Theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT, diện tích sầu riêng khuyến cáo là khoảng 65.000 đến 75.000 ha, sản lượng từ 830.000 đến 950.000 tấn. Bộ NN&PTNT khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.
Theo Bộ NN&PTN, hiện không chỉ sầu riêng, thị trường trái cây tại một số tỉnh phía Nam đang giảm mạnh do nguồn cung tăng mạnh. Cụ thể tại tỉnh Tiền Giang, giá bưởi da xanh giảm 6.000 đồng/kg xuống mức giá 24.000 đồng/kg; bưởi lông cổ cò giảm 3.000 đồng/kg xuống mức giá 13.000 đồng/kg. Cam các loại cũng giảm ở mức 2.000-3.000 đồng/kg. Chanh các loại giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước.
Trong quý II năm nay, sản lượng trái cây đến vụ thu hoạch thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa và sầu riêng dự kiến đạt hơn 1,2 triệu tấn. Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nội địa rất cần thiết nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát, thống kê kỹ diện tích, sản lượng từng loại trái cây đang bước vào thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch để có giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm, giúp nông dân tiêu thụ kịp thời.
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), quý I, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 7,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái lên 153,5 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần, đạt gần 134 triệu USD.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong quý I, nước này đã nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Việt Nam với khối lượng 27.374 tấn, kim ngạch 133,4 triệu USD, chiếm 30% về lượng và 26,3% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này.